Thực hiện Đề án tái cơ cấu, trong năm 2014 hầu hết các chỉ tiêu chính của ngành nông nghiệp đều có tốc độ tăng trưởng khá so với năm 2013, trong đó GDP toàn ngành đạt 3,31% và giá trị sản xuất toàn ngành tăng 3,58% so với năm 2013.
Đưa tiến bộ công nghệ vào nông nghiệp để “đọ sức” TPP
- Cập nhật : 29/10/2015
(Cong nghe)
Khuyến khích mô hình liên kết chuỗi để nông nghiệp có thể gia nhập TPP một cách hiệu quả.
Trả lời Pháp Luật TP.HCM về những lo ngại đối với ngành nông nghiệp khi gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) bên lề cuộc hội thảo quốc tế “Ngành chăn nuôi Việt Nam trong hội nhập kinh tế” diễn ra tại Hà Nội ngày 27-10, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nói: “Điều đáng lo ngại nhất chính là ngành chăn nuôi”.
Cần phải có sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa nông dân với các DN để nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm khi tham gia TPP. Ảnh: HTD
Nhiều mặt hàng có khả năng cạnh tranh
. Phóng viên: Xin bộ trưởng cho biết ngành nông nghiệp hiện đang làm gì để tăng sức cạnh tranh của hàng hóa khi gia nhập TPP?
+ Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát: Trước mắt chúng tôi tập trung phát huy mạnh mẽ những sản phẩm mà Việt Nam có lợi thế so sánh và có khả năng cạnh tranh tương đối cao với các nước trong TPP như lúa gạo, cà phê, cao su, cá, tôm, hồ tiêu, hạt điều… Trong đó lúa gạo của nước ta có thể cạnh tranh có hiệu quả với các nước như Nhật, Canada, Mexico. Cà phê có thể cạnh tranh hiệu quả với cà phê của Mexico.
Để nâng cao hơn nữa sức cạnh tranh của những mặt hàng này, chúng tôi đang thúc đẩy việc tổ chức lại sản xuất, hình thành các chuỗi liên kết để làm cơ sở thúc đẩy việc ứng dụng khoa học kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả các ngành hàng trên.
. Các chuyên gia nhìn nhận rằng khi vào TPP, nông dân dễ bị tổn thương nhất bởi khó cạnh tranh với các cường quốc nông nghiệp (ví dụ giá thịt heo của Mỹ trung bình thấp hơn giá Việt Nam khoảng 40%). Ông nhìn nhận gì về vấn đề này?
+ Nông nghiệp nước ta là nền nông nghiệp của các hộ gia đình nông dân sản xuất nhỏ, vì thế rất dễ bị tổn thương trước những biến động của thị trường. Bởi trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế thì thuế giảm, hàng hóa các nước với giá rẻ sẽ xâm nhập vào thị trường Việt Nam. Điều này sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân vốn đã rất nhỏ bé. Tôi rất chia sẻ với những lo lắng này của bà con nông dân.
. Theo bộ trưởng, điểm yếu nhất của ngành nông nghiệp Việt Nam hiện nay là gì?
+ Tồn tại lớn nhất hiện nay là các hộ gia đình nông dân của chúng ta chưa áp dụng được những thành tựu khoa học công nghệ tiến bộ nhất. Những giống mà các nông hộ đang sử dụng phần lớn chất lượng chưa cao, quy trình nuôi cũng chưa phải là tiến bộ…
Do vậy chúng tôi đang thúc đẩy để đưa ra những cơ chế, chính sách hợp lý hỗ trợ nông dân, các doanh nghiệp (DN) tiếp thu một cách nhanh nhất và có hiệu quả nhất những thành tựu tiến bộ kỹ thuật đỉnh cao của ngành nông nghiệp, chăn nuôi các nước trên thế giới. Theo đó, một mặt chúng tôi khuyến khích các DN Việt Nam nhập khẩu công nghệ. Mặt khác khuyến khích các DN của nước ngoài đầu tư vào Việt Nam đem theo giống mới và công nghệ. Qua đó các DN, bà con nông dân ta có thể học hỏi, ứng dụng những cách làm tiến bộ nâng cao hiệu quả trong sản xuất.
Loại bỏ thuế phí không hợp lòng dân
. Bộ trưởng có chia sẻ với quan điểm cho rằng không thể cạnh tranh khi gia nhập TPP nếu không thu hút được nhiều DN, các đại gia đầu tư vào nông nghiệp?
+ Hiện tại Bộ NN&PTNT đang chỉ đạo các cơ quan chức năng thuộc Bộ rà soát tất cả khâu theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất để các DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó có việc loại bỏ đến mức tối thiểu những thủ tục hành chính gây khó khăn cho DN, nông dân.
Bộ NN&PTNT cũng đang phối hợp với Tổng cục Hải quan xây dựng hệ thống một cửa, ban hành những quy định, quy chuẩn rõ ràng, minh bạch để tạo sức hút cho DN đầu tư vào lĩnh vực này. Song song đó, Bộ cũng đang nỗ lực thúc đẩy việc loại bỏ những loại thuế, phí không hợp lòng dân.
. Bộ trưởng đề cập đến việc các DN tham gia chuỗi giá trị liên kết với hộ nông dân, đặc biệt trong lĩnh vực chăn nuôi. Đây là mô hình hay nhưng thực hiện không dễ, thưa bộ trưởng?
+ Thực tế cho thấy chúng ta không thể tiếp tục phát triển một nền nông nghiệp có hiệu quả chỉ với những hộ nông dân đơn lẻ và sản xuất nhỏ, thiếu gắn kết với thị trường. Rõ ràng cần phải có sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa nông dân với các DN để nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm.
Thế nhưng các DN không thể liên kết trực tiếp với hàng ngàn, hàng vạn, hàng triệu hộ nông dân mà phải có tổ chức đại diện của hộ nông dân, đó chính là các hình thức hợp tác trong đó có các hợp tác xã. Vì thế Bộ chủ trương tập trung xây dựng và nhân rộng những mô hình hợp tác, chủ yếu là liên kết nông dân để tham gia vào những chuỗi giá trị. Cụ thể như hướng dẫn, hỗ trợ, tổ chức nông dân áp dụng các quy trình để làm ra các sản phẩm đáp ứng sát hơn yêu cầu của thị trường.
. Khả năng cạnh tranh của ngành chăn nuôi Việt Nam yếu hơn so với 11 nước tham gia TPP, đặc biệt là Mỹ, Úc, Canada… Trong đó, đáng lo nhất là làm sao để đảm bảo chất lượng an toàn sản phẩm chăn nuôi?
+ Chúng tôi đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan để không chỉ đánh giá về tình hình sử dụng chất cấm ở các hộ chăn nuôi mà còn các đường dây cung cấp chất cấm. Bộ đang chỉ đạo điều tra, phát hiện đường dây buôn bán, truy đến tận cùng nguồn xuất ra thị trường của chất cấm này để xử lý. Bên cạnh đó tăng cường tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức, thấy được tác hại của việc sử dụng chất cấm, chất kháng sinh trong chăn nuôi.
. Xin cám ơn bộ trưởng.
Nỗi lo chất cấm trong chăn nuôi
Đánh giá về những thách thức lớn của ngành chăn nuôi khi hội nhập TPP, ông Nguyễn Xuân Dương, Cục phó Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), cho rằng một trong những vấn đề đáng lo nhất là chất lượng, an toàn sản phẩm. Bởi sản xuất của Việt Nam nhỏ, lẻ nên thiếu những chuỗi liên kết, dẫn đến việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm rất hạn chế.
Để giải quyết tình trạng trên, trước hết cần hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn. Bên cạnh luật pháp, quan trọng là phải nâng cao ý thức người chăn nuôi, người tiêu dùng để họ thấy được cái hại của việc sử dụng chất cấm. Đồng thời phải đưa ra được những hàng rào kỹ thuật phù hợp nhằm bảo vệ ngành chăn nuôi trong nước.
Tiêu điểm
Theo Bộ NN&PTNT, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 10-2015 ước đạt 2,55 tỉ USD. Đưa giá trị xuất khẩu của ngành 10 tháng lên 24,61 tỉ USD, giảm 3,8% so với cùng kỳ năm 2014.