tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

20.000 đồng/kg thịt gà nhập khẩu chưa ảnh hưởng chăn nuôi?

  • Cập nhật : 30/10/2015

(Thuong mai)

Đó là khẳng định của đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết hôm qua (14/10).

 

30/10 có kết quả rà soát toàn diện

Theo bà Phạm Hồng Hạnh, Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT), trong hơn một tháng qua, có nhiều thông tin nói về tác động của việc nhập khẩu đùi gà đông lạnh đối với chăn nuôi Việt Nam. Nhưng đại diện này cho biết, đó chỉ là cảm tính, vì muốn áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại phải dựa trên căn cứ chắc chắn.

“Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát chỉ đạo chúng tôi nghiên cứu có nên áp dụng phòng vệ thương mại với đùi gà hay không. Trong nước, sản lượng tiêu thụ gần một triệu tấn thịt gà, trong khi lượng nhập khẩu thịt gia cầm khoảng 70-80 nghìn tấn, tương đương 7-8% lượng tiêu thụ. Lượng nhập khẩu trên liệu có gây tổn thất nghiêm trọng cho ngành Chăn nuôi? Câu hỏi này Bộ phải trả lời”, đại diện Bộ NN&PTNT cho thông tin.

Bà Hạnh cũng nhìn nhận, mức giá 20 nghìn đồng/kg gà đông lạnh về ngắn hạn chưa gây tác động, nhưng về lâu dài không tránh khỏi ảnh hưởng tới ngành Chăn nuôi gia cầm. “Chúng tôi đang rà soát toàn diện và tới 30/10 sẽ có kết quả. Căn cứ vào kết quả này mới quyết định xem xét thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại”, đại diện Bộ NN&PTNT nói và cho biết, nếu Hiệp hội Gia cầm khởi kiện, Bộ sẵn sàng ủng hộ.

TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) cho biết, tỷ lệ hàng nhập khẩu so với sản xuất trong nước trên 3% đã có thể coi là căn cứ tham gia khởi kiện. Còn hàng hóa đó được bán ở giá nào, gây thiệt hại ra sao cho hàng hóa và sản xuất trong nước thì cần phải tính chính xác. “Đối với biện pháp chống bán phá giá thì chỉ cần chứng minh thiệt hại ở mức đáng kể. Còn với biện pháp tự vệ thì mới cần chứng minh thiệt hại nghiêm trọng”, bà Trang nói.

Có công bằng cho người tiêu dùng?

Cũng theo bà Trang, trong bối cảnh hội nhập, càng tham gia nhiều các hiệp định thương mại, có quan hệ thương mại với nhiều nước thì nguy cơ và bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại khó tránh khỏi. Luật sư Phạm Lê Vinh, Công ty Luật TNHH ATIM cũng cho rằng, các bên kiện và phòng vệ thương mại ngày càng phổ biến trong cạnh tranh. Vì thế, bà Trang khuyến khích các doanh nghiệp trong nước sử dụng các biện pháp phòng vệ để bảo vệ chính đáng quyền lợi của bản thân và bảo vệ thị trường trong nước.

Tuy nhiên, hiện có một vấn đề là hàng hóa nhập khẩu đang làm tăng lựa chọn cho người tiêu dùng, nhất là trường hợp giá rẻ càng có lợi cho người mua. Trong biện pháp tự vệ (một trong ba biện pháp phòng vệ thương mại), doanh nghiệp không cần chứng minh hàng hóa bị bán phá giá hay được trợ cấp mà chỉ cần dấu hiệu nhập khẩu ồ ạt dẫn tới thiệt hại cho doanh nghiệp và sản xuất trong nước là có thể khởi kiện.

Trả lời câu hỏi của Báo Giao thông, việc áp dụng phòng vệ thương mại liệu có tính toán tới lợi ích người tiêu dùng, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập thừa nhận, sử dụng tự vệ mang lại lợi ích trước mắt cho sản xuất, nhưng cũng tác động tới các nhóm khác. Các nhóm khác ở đây là các doanh nghiệp trong ngành sản xuất khác và người tiêu dùng.

Do vậy, nếu áp dụng biện pháp tự vệ thì Nhà nước phải đánh đổi bằng cách hạ thuế quan cho sản phẩm nhập khẩu khác của nước bị áp dụng phòng vệ. Ngoài ra, Nhà nước cũng tính tới lợi ích của cả người tiêu dùng để đưa ra một kết quả có lợi nhất. “Ai là người “cân, đo, đong, đếm” lợi ích chung và nên lựa chọn lợi ích nào để đảm bảo có lợi nhất? Đó là Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương)”, bà Trang nói.  

(Theo Trung tâm thông tin CN& TM Bộ Công Thương)

Trở về

Bài cùng chuyên mục