tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Sức nóng TPP áp sát nông dân

  • Cập nhật : 03/11/2015

(Thuong mai)

Một số nước lớn như Mỹ, Nhật... vừa công bố các nội dung cam kết trong Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong đó thị trường VN sẽ phải mở cửa cho rất nhiều nhóm hàng nông sản từ các nước trên.

thu hoach lua vu ba tai huyen cai be, tien giang - anh: van truong

Thu hoạch lúa vụ ba tại huyện Cái Bè, Tiền Giang - Ảnh: Vân Trường

Sức nóng của TPP đang áp sát người nông dân.

GS.TS Võ Tòng Xuân (chuyên gia về nông nghiệp, hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ) phân tích:

gs vo tong xuan- anh: v.tr.

GS Võ Tòng Xuân- Ảnh: V.TR.

- Hàng thủy sản, gạo, trái cây, thịt... của VN đều có cơ hội vào các thị trường lớn trong TPP. Rõ nhất là gạo. Người châu Á ở Mỹ thường ăn gạo Thái Lan. Nhưng TPP không có Thái Lan, nên VN cần tận dụng cơ hội này. Họ cũng sẽ được mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp hiện đại giá rẻ thay cho máy móc Trung Quốc chất lượng còn thấp.

Ngoài ra, nông dân có cơ hội tiếp cận với những sản phẩm cao cấp, giá rẻ, trong đó có cả nông sản từ Nhật, Mỹ mà trước đây họ không dám nghĩ tới. Chẳng hạn tôm hùm Mỹ rất ngon nhưng giá chỉ bằng 1/5 tôm hùm VN.

So với các nước trong TPP, nông sản của VN ở thế “kèo” dưới, nên tôi tin rằng nông dân đủ hiểu để nhìn thấy nguy cơ mà họ sắp đối diện. Riêng với tôi, sức nóng của TPP là không hề dễ chịu chút nào

GS VÕ TÒNG XUÂN

* Nhưng vào sân chơi TPP, nếu nông sản làm ra không đáp ứng được tiêu chí chất lượng cao, giá rẻ và an toàn sẽ rất khó cạnh tranh được ngay trên thị trường nội địa, thưa ông?

- Tôi lo nhất là sự tự mãn của chính quyền, doanh nghiệp và cả nông dân về con số xuất khẩu nông sản. Đồng ý là chúng ta xuất khẩu nhiều gạo, cà phê, hồ tiêu, trái thanh long và một số ít trái cây nhiệt đới khác... nhưng không ai dám nhìn thẳng vào sự thật là chất lượng nông sản của ta chưa đạt đỉnh cao của thế giới.

Bây giờ tìm một nông sản VN có thương hiệu nổi tiếng thế giới rất hiếm, ngay cả mặt hàng gạo VN cũng không có thương hiệu nổi tiếng. Hàng nông sản của ta phần lớn do nông dân cá thể sản xuất manh mún nên giá thành cao quá.

Giá đường của VN không cạnh tranh được vì giá thành 1kg đường của ta cao hơn Thái Lan 20 - 40%. Nhiều mặt hàng nông sản của VN trong một thời điểm giá cao hơn hàng cùng loại của Mỹ, Nhật...

* Theo ông, đâu là những rào cản mà nông dân VN sẽ gặp khi họ bước chân vào TPP?

- Rào cản lớn nhất là chất lượng và giá thành sản phẩm các loại nông sản. Nói đến chất lượng hàng nông sản VN thì cả thế giới đều biết nó như thế nào. Vào TPP, người ta “đấu” với nhau bằng chất lượng, giá, mẫu mã, hương vị và an toàn thực phẩm.

Muốn sản phẩm ngon, bổ, rẻ phải tuyệt đối tuân theo quy trình sản xuất Global GAP (tiêu chuẩn toàn cầu về chất lượng, an toàn và truy nguyên được nguồn gốc). Bằng chứng lúa sản xuất theo Global GAP giá thành chỉ 1.500 - 2.000 đồng/kg, còn sản xuất theo kinh nghiệm lên đến 3.500 - 4.000 đồng/kg.

Chúng ta đủ sức sản xuất theo Global GAP vừa giảm giá thành, vừa có “giấy thông hành” đi khắp thế giới, cạnh tranh sòng phẳng với sản phẩm cùng loại của các nước lớn. Tuy nhiên, điều tôi lo ngại là tư tưởng thích làm ăn nhỏ lẻ, tư duy ngắn hạn, sản phẩm kém mà muốn bán giá cao của 
nhiều người.

* Vào TPP, có lẽ chúng ta sẽ rất khó thuyết phục “người VN ưu tiên dùng hàng VN” nếu hàng sản xuất trong nước “thua” cả về chất lượng lẫn giá cả. Theo ông, giải pháp bây giờ bắt đầu từ đâu?

- Tôi đồng ý nhận định trên. Chúng ta gia nhập sân chơi toàn cầu thì phải chấp nhận luật chơi công bằng. Chúng ta vẫn vận động, nhưng người tiêu dùng có quyền chọn sản phẩm nào họ thích.

Nếu trái nho của VN dở, giá cao mà đặt bên cạnh nho Mỹ ngon, giá lại rẻ thì làm sao bắt người tiêu dùng hãy mua nho VN? Vấn đề là chúng ta phải làm gì để “đá” thắng, đừng để thua nữa mới quan trọng.

Vấn đề bây giờ là phải đương đầu hiểu rõ nó để tìm cách tồn tại. Giải pháp cấp bách theo tôi phải làm ngay bây giờ là liên kết lại với nhau bằng việc tham gia hợp tác xã (HTX) và cùng một suy nghĩ và hành động, đừng làm ăn riêng lẻ, cạnh khóe nhau nữa.

Các HTX này sẽ liên kết với doanh nghiệp để tổ chức sản xuất. Khi đã có sản phẩm chất lượng, giá rẻ, có thương hiệu, sản lượng lớn như vậy thì lo gì không cạnh tranh được. Không chịu thay đổi thì họ sẽ “chết chìm” trong TPP.

* Nhưng ai sẽ “đẻ” ra HTX cho nông dân tham gia?

- Chính quyền địa phương, hội nông dân và liên minh các HTX phải đứng ra làm. Luật HTX có rồi. Nhiều nông dân hiểu và muốn vào HTX. Còn những người chưa hiểu thì chính quyền và các nhà khoa học phải đến với dân nói cho họ hiểu.

Thời cơ, nguy cơ cũng đang tới chân rồi thì làm thôi chứ chờ gì nữa. Ngoài ra hiện chúng ta có hàng chục ngàn HTX, nhưng phần lớn chỉ có cái tên chứ hoạt động chẳng ra hồn gì. Hãy củng cố cho nó mạnh thì nông dân sẽ vào.

Quốc hội, Chính phủ thường xuyên rà soát xem Luật HTX có chỗ nào chưa phù hợp thì sửa ngay để giúp HTX ngày càng mạnh. Khi tôi làm việc ở Nhật năm 1998, tôi tìm hiểu luật HTX của họ và phát hiện ra là đến thời điểm đó họ đã sửa luật này tới 52 lần.

Mục đích cuối cùng của luật HTX các nước trên thế giới là nhằm giúp nông dân làm giàu ổn định. Thái Lan có 43 HTX trồng xoài trên khắp đất nước. Chẳng có hộ nông dân trồng xoài nào đứng bên ngoài HTX hết vì ở bên ngoài là chết.

Luật của mình cũng nên như vậy, nông dân thấy có lợi thì tự khắc họ xin vào.

Giải pháp cần làm nữa là Nhà nước cần có chính sách đào tạo nghề để chuyển lao động nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ.

Hiện nay các doanh nghiệp đã đầu tư nhà máy, xí nghiệp về nông thôn rất nhiều. Những người này có tay nghề thì làm việc sẽ đạt hiệu quả cao hơn tay ngang, thu nhập của họ cũng sẽ tăng.

Một số nước lớn như Mỹ, Nhật... vừa công bố các nội dung cam kết trong TPP, trong đó thị trường VN sẽ phải mở cửa cho rất nhiều nhóm hàng nông sản từ các nước trên. Sức nóng của TPP đang áp sát người nông dân.

* Ông Phạm Văn Dư 
(phó cục trưởng Cục Trồng trọt - Bộ NN&PTNT):

Muốn tồn tại, 
sản phẩm phải chất lượng

Thị trường của 12 nước thành viên TPP chiếm đến 40% kinh tế thế giới, là thị trường đầy tiềm năng nhưng cũng có vô vàn thách thức đối với nông sản VN. Điểm yếu cố hữu của nông dân VN là thích làm ăn riêng lẻ, sản xuất theo kinh nghiệm nên sản phẩm làm ra chất lượng thấp mà giá thành cao.

Tuy nhiên thị trường TPP lại rất khác, nó sẽ không có chỗ cho những loại nông sản nhìn bề ngoài không bắt mắt, không ngon mà có dư lượng thuốc trừ sâu hay thịt có chất tạo nạc mà giá trên trời.

Để cạnh tranh được và tồn tại được thì nông dân phải làm ra những sản phẩm chất lượng cao, an toàn, giá rẻ, sản lượng lớn, có thương hiệu. Muốn vậy, bắt buộc nông dân phải thay đổi từ suy nghĩ đến hành động.

Họ phải tham gia HTX, phải sản xuất, chế biến, đóng gói theo tiêu chuẩn kỹ thuật tiên tiến như VietGap, Global GAP và chỉ sản xuất những sản phẩm mà thị trường cần.

(Theo Báo Tuổi Trẻ)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục