tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tiếp tục lùi lộ trình tăng lương công chức năm 2016?

  • Cập nhật : 14/10/2015

(Tin kinh te)

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đặt câu hỏi, lương tối thiểu của khối DN hiện đã cao hơn gấp 2 lần lương cơ sở mà 3 năm nay mức lương với khu vực công vẫn chưa thay đổi. Năm 2016 nếu không đặt vấn đề tăng lương cho cán bộ công chức, Chính phủ phải cân nhắc và giải trình rõ.

pho chu tich quoc hoi nguyen thi kim ngan yeu cau giai thich viec nam 2016 tiep tuc khong tang luong co so.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu giải thích việc năm 2016 tiếp tục không tăng lương cơ sở.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đặt ra yêu cầu này trong phiên thảo luận về báo cáo tình hình kinh tế xã hội, thực hiện ngân sách năm 2015, kế hoạch năm 2016 tại UB Thường vụ Quốc hội chiều 12/10 để chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội sẽ bắt đầu vào tuần tới.

Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý một số biểu hiện cần quan tâm, đánh giá thực chất trong diễn biến của nền kinh tế đất nước. Trước hết là việc sau 3 năm xuất siêu thì 2015, Việt Nam đã nhập siêu trở lại, trong đó có vấn đề tăng tỷ lệ nhập siêu từ Trung Quốc. Đây cũng là câu hỏi được đặt ra về chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế được cơ quan thẩm tra (UB Kinh tế của Quốc hội) đặt ra khi báo cáo của Chính phủ khá lạc quan về kết quả tăng trưởng GDP nhiều khả năng sẽ vượt chỉ tiêu 6,2% Quốc hội giao cho cả năm 2015.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng yêu cầu đánh giá việc mua lại các ngân hàng thương mại với giá 0 đồng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). “Nói là giá 0 đồng nhưng thực chất các ngân hàng được định giá đó đều đã âm hàng trăm, hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn tỷ đồng” – bà Ngân yêu cầu Chính phủ bổ sung báo cáo về việc này cùng với vấn đề hoạt động của Công ty Quản lý tài sản (VAMC) để gửi Quốc hội.

Đối với kế hoạch thu chi ngân sách 2016, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh về việc tăng lương cơ sở.

“Nếu tiếp tục không đặt vấn đề tăng lương cho cán bộ công chức có hệ số từ 2,34 trở lên thì phải cân nhắc cho kỹ vì mức sống tối thiểu của người lao động hiện được đánh giá là chưa đạt được. Hiện tại, lương tối thiểu đã cao gấp 2 lần lương cơ sở mà 3 năm rồi, lương cơ sở vẫn chưa được điều chỉnh, mức lương  1.150.000 đồng/tháng đã duy trì từ năm 2013 đến giờ chưa thay đổi. Tại sao vẫn duy trì mức lương cơ sở thấp như thế?” – Phó Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi.

Cùng trăn trở này, Chủ nhiệm UB Các vấn đề Xã hội Trương Thị Mai chỉ rõ, một bộ phận cán bộ công chức người lao động ở khu vực công có lương thậm chí còn thấp dưới mức lương cơ sở, đời sống khó khăn.

Bên cạnh đó, khối doanh nghiệp, tiền lương là một vấn đề trọng điểm của thị trường lao động. Dù quan điểm, chính sách chung đã chốt yêu cầu đặt tiền lương vào thị trường giá cả sức lao động nhưng thực tế, tiền lương tối thiểu vẫn chưa đạt được mức sàn là mức sống tối thiểu cho người lao động. Đây là một thách thức lớn đối với chính sách. Sàn lương tối thiểu để người lao động có thể sống mà làm việc chí ít tới năm 2018 mới đạt được.

Theo đó, bà Mai cảnh báo, thách thức đặt ra với yêu cầu đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện phúc lợi xã hội là rất lớn.

bo truong tai chinh dinh tien dung cho biet, nam 2016 se giam so chi ngan sach trung uong cho viec chi tien luong.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, năm 2016 sẽ giảm số chi ngân sách Trung ương cho việc chi tiền lương.

Trước đó, báo cáo về dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2016 do Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày trước UB Thường vụ Quốc hội không đề cập đến kế hoạch điều chỉnh lương cơ sở theo lộ trình vào năm tới.

Thậm chí, do hụt thu vì giá dầu thô giảm sâu, Bộ Tài chính còn đề xuất cho sử dụng 10.000 tỷ đồng tiền bán tài sản nhà nước qua cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước để bù đắp. Ngoài ra, cơ quan này đề nghị yêu cầu các địa phương không gây gáp lực cho ngân sách trung ương về vấn đề tiền lương. Theo đó, các địa phương cần thắt 5% chi thường xuyên để đảm bảo việc chi lương của địa bàn mình.

“Theo đó, năm 2016 sẽ giảm số chi ngân sách Trung ương cho việc chi tiền lương tương ứng” – Bộ trưởng Tài chính cho biết.

Báo cáo thẩm tra của UB Tài chính Ngân sách cũng không hề đề cập chuyện tăng lương cơ sở cho năm 2016.

Kế hoạch này đi ngược lại với kỳ vọng của dư luận, người dân về việc tăng lương cơ sở vào năm tới. Tại kỳ họp Quốc hội đầu năm nay (tháng 5, tháng 6/2015), Chính phủ từng báo cáo về việc xem xét điều chỉnh lương cơ sở từ việc tạo nguồn của Bộ Tài chính. Việc tăng lương được đặt ra lúc đó khi có tổng kết ngân sách năm 2014 với số vượt thu lớn, hơn 164.000 tỷ đồng.

Nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội cho rằng, tăng lương là việc đầu tiên cần ưu tiên xem xét khi có nguồn vì thực tế lương cơ sở đã bị kìm giữ 3 năm không tăng như lộ trình điều chỉnh đã đặt ra và vì kinh tế đất nước khó khăn, người dân đã hết sức cố gắng và chia sẻ với nhà nước về vấn đề này.

(Theo Dân Trí)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục