Theo chuyên gia Nguyễn Thị Cúc, doanh nghiệp gian lận bảo hiểm rất phổ biến, nếu kiểm tra hiện nay có thể truy thu bảo hiểm tại 100% doanh nghiệp.
Lương tối thiểu của người lao động: Không thể tiếp tục kéo dài bất cập
- Cập nhật : 08/10/2015
(Lao dong)
Điều 91, khoản 1, Bộ luật Lao động năm 2012 ghi: “Mức lương tối thiểu (LTT) là mức lương thấp nhất trả cho người lao động (NLĐ) làm công việc giản đơn nhất… phải đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ”. Thực tế cho thấy, đến năm 2015, LTT trả cho CNLĐ vẫn thấp hơn nhu cầu sống tối thiểu của họ trên 20%.
Trước đó, năm 2012, hội nghị lần thứ 5 khóa XI, BCH T.Ư nhận thấy rằng, không thể tiếp tục kéo dài sự chênh lệch giữa mức LTT và nhu cầu cuộc sống của NLĐ, qua đó ban hành Kết luận số 23 ngày 29.5.2012. Kết luận nhấn mạnh: “Điều chỉnh mức LTT khu vực DN nhanh hơn, để đến 2015 đạt mức nhu cầu sống tối thiểu”.
Sau đó 1 năm, ngày 27.5.2013, hội nghị lần thứ 7 BCH T.Ư Đảng Cộng sản VN khóa XI ban hành Kết luận 63 vẫn kiên định với quan điểm nuôi dưỡng sức dân làm chỗ dựa vững chắc để ổn định và làm tiến bộ hơn quan hệ LĐ (QHLĐ), vốn chưa hoàn toàn vững chắc ở VN.
Điểm khác căn bản của Kết luận 63/KL-TƯ với Kết luận số 23 trước đó 1 năm, chỉ là dãn lộ trình đưa mức LTT bằng nhu cầu tối thiểu của NLĐ vì năm 2013, khi ban hành Kết luận T.Ư, tình hình KTXH VN nói riêng, khu vực và thế giới nói chung, rất u ám, do bị che phủ bởi bóng đen của khủng hoảng tài chính tiền tệ của thế giới. Song mục tiêu mức LTT bằng nhu cầu sống tối thiểu của CNLĐ chưa bao giờ xa rời trong các nghị quyết của cơ quan tối cao của Đảng Cộng sản.
Giữa năm 2014, kinh tế VN chấm dứt đà trượt dốc, suy thoái, bắt đầu có tăng trưởng dương và nhiều lĩnh vực đạt mức cao của khu vực. Thặng dư của kinh tế quốc dân giúp VN giữ vững nhiều mặt của đời sống xã hội, trong đó quan trọng nhất là ổn định chính trị, bất đồng của QHLĐ được kiềm chế ở mức thấp nhất, ngừng việc tập thể và đình công giảm thấp. Đây là thành tựu KTXH không thể không ghi nhận. Đặc biệt, thất nghiệp ở VN chỉ còn dưới 2% (do tổng cầu được phục hồi và mức việc làm tăng lên).
Rất nhiều DN trước đó tạm ngừng hoạt động quay lại sản xuất, nhiều DN xin tăng vốn (61.300 DN thành lập mới, tăng 29,3% so với cùng kỳ năm trước; làn sóng đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài phục hồi vì kinh doanh ở Việt Nam vẫn giúp nhiều DN, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực sinh lời).
Đây cũng là thành tựu KTXH không thể không biểu dương. Sơ kết thành tựu KTXH 6 tháng đầu năm 2015, Thủ tướng Chính phủ tuyên bố mức tăng trưởng đạt 6,03%, dự kiến cả năm sẽ đạt 6,5%. Đây là mức tăng trưởng cao so với những quốc gia lún sâu vào khủng hoảng tài chính tiền tệ, kể cả những quốc gia có nền kinh tế mạnh. Đây là thành quả kinh tế của cả nước, trong đó rất to lớn và trước hết là những CNLĐ ngày đêm lăn lộn trong công xưởng, ngoài công trường, không tiếc thời gian công sức.
Trả lại cho CNLĐ những gì là của họ
Để có những kết quả to lớn trên, CNLĐ phải làm việc quần quật quên cả những ngày nghỉ, giờ nghỉ. Họ làm thêm giờ, thêm ca để cải thiện cuộc sống đạm bạc của chính mình và góp phần làm nên thành tựu chung của nền kinh tế.
Công sức và thành quả của họ phải được ghi nhận và vinh danh. CNLĐ Việt Nam đã quên mình, quên đi sự chắp vá, dè sẻn, chi li của mức LTT ban hành hằng năm, tận tụy làm việc, vừa tạo ra năng suất LĐ; họ làm việc với kỷ luật cao hơn, cống hiến nhiều hơn, bảo đảm cho QHLĐ ngày càng tốt hơn. Vậy tại sao, chúng ta không sòng phẳng, phân minh, trả cho CNLĐ những gì mà họ xứng đáng được hưởng? Tại sao chúng ta không trả cho CNLĐ mức lương đủ sống, vì họ đã ứng cho DN quá nhiều, trước hết phải kể đến các khoản ứng này là lương? Tại sao chúng ta vẫn để cho CNLĐ nhận mức lương thấp hơn nhu cầu sống tối thiểu?
Tôi muốn đề nghị các ông chủ DN, các quý vị đại diện cho khối DN và Liên minh các HTX trong Hội đồng Tiền lương Quốc gia, sao không vì quyền lợi thiết thân, vì cuộc sống nhiều mồ hôi và không ít nước mắt của CNLĐ, mà trả cho họ mức LTT, ngang bằng mức của thị trường lao động? Các vị viện bao nhiêu lý do, nhưng có lẽ lý do lớn nhất, quyết định nhất, để cò kè, để thêm bớt, tính toán từng phần trăm tăng LTT là khối lợi nhuận của các vị sẽ bị vơi đi? Các vị đưa ra lý do về năng suất LĐ, được xem là lý do thuyết phục nhất, mạnh nhất. Nhưng vì sao không hiểu rằng khi lương trả chưa đạt nhu cầu sống tối thiểu, làm sao bắt các cơ thể sống ấy sản sinh ra năng suất LĐ?
Trong các khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn, 96% các cuộc ngừng việc tập thể, các cuộc đình công, các cuộc phản kháng của CNLĐ trước năm 2014 đều do lương thấp. Vậy tại sao các vị không xem đây là bài học kinh nghiệm đắt giá? Chúng tôi dự báo nếu không nhanh chóng cải thiện các mức LTT vùng, trả lại cho CNLĐ những gì là của họ, QHLĐ sẽ khó có thể tốt hơn (nếu không nói là tồi đi), mặc dù tổ chức CĐ có ra sức xoa dịu và tìm cách cải thiện.
Các ông chủ DN nên học cách của nhiều quốc gia đã đi qua kinh tế thị trường, chấp nhận giảm mức thu lợi nhuận, để tăng cường đầu tư cho con người - nguồn lực quan trọng nhất mà các vị đang sử dụng; không chỉ trả lương mà còn phải tăng cường đào tạo, bồi dưỡng tay nghề, giáo dục kỷ luật LĐ công nghiệp, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, trong các ngành kinh tế dịch vụ. Đây là đầu tư khôn ngoan. Đây là “Thả con săn sắt, bắt con cá rô”.