Lực lượng lao động qua đào tạo chiếm tỷ lệ thấp, sức ép cạnh tranh có thể khiến nhiều doanh nghiệp phá sản... là những rủi ro về việc làm tại Việt Nam khi tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương.
Quy định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động
- Cập nhật : 30/10/2015
(Lao dong)
Ngày 07/10/2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 88/2015/NĐ-CP (“Nghị định 88”) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2013/NĐ-CP hiện hành về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Để thuận tiện cho việc cập nhật quy định pháp luật và tránh vi phạm,PLF tóm lượt những điểm chính của Nghị định 88 có hiệu lực 25/11/2015:
Vi phạm về tuyển, quản lý lao động
Nghị định 88 bổ sung Điều 4a quy định các mức xử phạt với những hành vi được xem là vi phạm trong quá trình tuyển dụng và quản lý lao động.
- Phạt tiền từ 1 đến 3 triệu đồng khi:
+ Không thông báo công khai về nhu cầu tuyển lao động; hoặc thông báo ít hơn 5 ngày làm việc trước khi nhận hồ sơ dự tuyển của người lao động; hoặc thông báo nhưng không đảm bảo các nội dung cơ bản theo luật định.
+ Không thông báo công khai kết quả tuyển lao động hoặc thông báo sau 5 ngày làm việc, kể từ ngày có kết quả tuyển lao động.
+ Thu tiền của người lao động tham gia tuyển lao động. Đồng thời buộc người sử dụng lao động hoàn trả khoản tiền đã thu đối với hành vi vi phạm.
+ Không lập sổ quản lý lao động; lập sổ quản lý lao động không đúng thời hạn, không đảm bảo các nội dung cơ bản theo quy định pháp luật; không ghi chép, nhập đầy đủ thông tin về người lao động vào sổ quản lý lao động khi hợp đồng lao động có hiệu lực; không cập nhật thông tin khi có sự thay đổi vào sổ quản lý lao động.
- Phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng nếu phân biệt đối xử về giới tính, dân tộc, màu da, thành phần xã hội, tình trạng hôn nhân, tín ngưỡng, tôn giáo, nhiễm HIV, khuyết tật trong tuyển dụng, sử dụng và quản lý lao động.
Vi phạm quy định về giao kết hợp đồng lao động
Nghị định 88 bổ sung quy định về việc người sử dụng lao động giao kết hợp đồng lao động với người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi mà không có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật của người lao động sẽ bị phạt tiền từ 20 đến 25 triệu đồng.
Vi phạm quy định về thử việc
- Nghị định 88 bổ sung Khoản 1 Điều 6 quy định mức phạt từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi không thông báo kết quả tuyển dụng sau khi người lao động thử việc.
- Kết thúc thời gian thử việc, người lao động vẫn tiếp tục làm việc mà doanh nghiệp không giao kết hợp đồng lao động với người lao động sẽ bị phạt tiền từ 2 đến 5 triệu đồng theo quy định bổ sung tại Khoản 2 Điều 6 nghị định này.
Vi phạm quy định về thực hiện hợp đồng lao động
Bổ sung quy định về việc chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động mà không đúng lý do, thời hạn hoặc không có văn bản đồng ý của người lao động theo quy định của pháp luật sẽ bị phạt tiền từ 3 đến 7 triệu đồng.
Vi phạm quy định về sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hợp đồng lao động
Sửa đổi quá một lần thời hạn hợp đồng lao động bằng phụ lục hợp đồng, hoặc khi sửa đổi thời hạn hợp đồng lao động bằng phụ lục hợp đồng lao động làm thay đổi loại hợp đồng lao động đã giao kết; không thực hiện đúng quy định về thời hạn thanh toán các khoản về quyền lợi của người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động được xem là hành vi vi phạm theo quy định mới tại Khoản 1 Điều 8 Nghị định 88 và sẽ bị phạt từ 1 đến 20 triệu đồng, tuỳ theo mức độ vi phạm.
Vi phạm quy định về tiền lương
Theo Điều 13 Nghị định 88 sửa đổi, bổ sung quy định về tiền lương:
- Doanh nghiệp sử dụng thang lương, bảng lương, định mức lao động không đúng quy định khi đã có ý kiến sửa đổi, bổ sung của cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện sẽ bị phạt tiền từ 2 đến 5 triệu đồng.
- Phạt tiền từ 3 đến 20 triệu đồng đối với hành vi không trả thêm một khoản tiền tương ứng với mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp và tiền nghỉ phép hằng năm cho người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Nghị định 88 còn bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả là buộc trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm.
Vi phạm quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi
Nghị định 88 bổ sung Điều 14 về việc không thông báo bằng văn bản cho cơ quan nhà nước về lao động tại địa phương về việc tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 đến 300 giờ trong 1 năm sẽ bị phạt tiền từ 2 đến 5 triệu đồng.
Vi phạm quy định về kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất
Nghị định 88 sửa đổi, bổ sung Khoản 2 và Khoản 4 Điều 15 về kỷ luật lao động, theo đó Doanh nghiệp sẽ bị phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng đối với các hành vi:
+ Sử dụng nội quy lao động đã đăng ký nhưng chưa có hiệu lực.
+ Xử lý kỷ luật lao động, bồi thường thiệt hại không đúng trình tự, thủ tục, thời hiệu theo quy định của pháp luật.
10. Vi phạm quy định về lập hồ sơ để hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp
Nghị định 88 bổ sung Điểm c Khoản 1 Điều 28 quy định mức phạt từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng khi không làm văn bản đề nghị cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận việc đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động để người lao động hoàn thiện hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định.
Nghị định 88 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/11/2015, PLF khuyến nghị Quý Doanh nghiệp nhanh chóng cập nhật các thông tin về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội để tránh thực hiện các hành vi trên dẫn đến việc bị xử phạt vi phạm hành chính.