Bạn có bao giờ tự hỏi phần lớn số tiền mình kiếm được đã đi đâu, hay vì sao dù có thu nhập khá mà số dư trong tài khoản ngân hàng mỗi cuối tháng vẫn không nhiều? 8 thói quen tiêu tiền phổ biến nhất khiến nhiều người dù thu nhập khá nhưng vẫn nghèo dưới đây có thể cho bạn câu trả lời, theo trang giới thiệu nhiều mẹo vặt trong cuộc sống Life Hack.
Tăng lương tối thiểu vùng 2016: Doanh nghiệp dệt may khó khăn kép!
- Cập nhật : 11/08/2015
(Lao dong)
Đề xuất tăng lương tối thiểu vùng vào năm 2016 ở mức 16% của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang khiến các doanh nghiệp ngành dệt may như ngồi trên đống lửa.
Bởi theo các doanh nghiệp, với mức tăng lương trong năm 2015 đã kéo theo mức tăng đáng kể các chi phí đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, phí công đoàn, gây ra gánh nặng cho doanh nghiệp.
Đặc biệt, theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), cách xét các yếu tố như lạm phát, năng suất…để tăng lương tối thiểu hiện nay là chưa phù hợp, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Là doanh nghiệp lớn, hiện đang trực tiếp quản lý và sử dụng tới 7.200 lao động, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 cho biết, với mức tăng lương phải thực hiện trong năm 2015, riêng chi phí đóng bảo hiểm xã hội mà doanh nghiệp phải bỏ ra thêm để đóng cho người lao động là 15 tỷ đồng, người lao động phải đóng thêm 4,85 tỷ đồng.
Như vậy, nếu năm 2016 lương tối thiểu tăng thêm 16% thì phí đóng bảo hiểm mà doanh nghiệp phải bỏ ra thêm sẽ là 10 tỷ đồng, người lao động cũng sẽ phải đóng thêm khoảng 4,5 tỷ đồng nữa. Trong khi từ đầu năm 2015 đến nay, doanh nghiệp dệt may nói chung đều đang đối mặt với khó khăn do đồng euro mất giá so với đồng USD và đơn hàng giảm.
Cũng trong tình cảnh này, ông Phí Ngọc Trịnh, Phó Tổng giám đốc công ty cổ phần May Hồ Gươm hết sức lo lắng. Trong khi đơn hàng ngày càng khó khăn, nhiều doanh nghiệp nước ngoài trước đây chỉ đến Việt Nam đặt hàng, nay đã đầu tư mở nhà máy sản xuất, đón chờ các cơ hội giảm thuế xuất khẩu hàng dệt may từ hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), dẫn đến cạnh tranh về giá rất khốc liệt.
“Giá gia công năm sau so với năm trước giảm đi 10-15%. Doanh nghiệp Việt Nam làm gia công chưa có nguồn hàng nên khó khăn hơn nhiều. Giá gia công ngày càng giảm đi, trong khi đó lương tối thiểu tăng, đóng bảo hiểm tăng, dẫn đến các doanh nghiệp phát triển rất khó. Doanh nghiệp bây giờ chủ yếu tồn tại vì các khoản chi phí tăng quá nhiều, tiền điện, than, chi phí tiền lương, đóng bảo hiểm…nên khó mở rộng sản xuất, tăng lao động cũng rất khó…”, ông Trịnh không giấu nổi sự lo lắng.
Trước yêu cầu tăng lương tối thiểu vùng để đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động, các doanh nghiệp dệt may và Hiệp hội dệt may Việt Nam đều bày tỏ sự đồng thuận. Bởi các doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc đều hiểu, lương và thu nhập, cũng như những yếu tố phúc lợi khác mà doanh nghiệp dành cho người lao động chính là sợi dây thắt chặt sự gắn bó, yên tâm làm việc của họ.
Thế nhưng, mức đề xuất tăng 16% trong năm 2016 tiếp ngay sau bước tăng lương năm 2015 sẽ quá sức chịu đựng của doanh nghiệp. Đặc biệt, theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cách xem xét các yếu tố để tăng lương hiện nay như người ăn theo, lạm phát, năng suất…đều chưa phù hợp, cần rà soát lại.
Ông Trương Văn Cẩm, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam phân tích: Từ trước tới nay chúng ta vẫn tính một lao động đi làm thì nuôi một con, tức là gia đình bình quân 4 người, một trẻ em bằng 0,7 người lớn. Nhưng qua tham khảo tài liệu nước ngoài, một trẻ em bằng 0,5 người lớn. Tính như thế thì lương tối thiểu vùng năm 2015 đã đáp ứng 94,8% nhu cầu sống tối thiểu người lao động.
Ông Cẩm cho rằng, để từng bước đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu vào năm 2018, mỗi năm chỉ cần tăng 2%. Còn các chỉ tiêu khác về trượt giá, hiện nay theo Nghị quyết của Quốc Hội là 5% trong năm 2015, nhưng 6 tháng đầu năm CPI mới tăng 0,86%, như vậy cả năm chắc không vượt quá 3%.
“Chúng tôi cho rằng, trên cơ sở CPI cả năm không quá 3% và lộ trình tăng lương tối thiểu 2% để đạt mức sống tối thiểu vào năm 2018 cũng cần quan tâm đến tiêu chí năng suất lao động. Hàng năm năng suất lao động tăng khoảng 3-4%, nhưng tỷ lệ thất nghiệp 2-3%, do vậy nếu có đưa vào thì cũng chỉ 1% là phù hợp. Như vậy tổng số các tiêu chí để tăng lương tối thiểu năm 2016 theo quan điểm của Hiệp hội là 6% để tạo điều kiện cho doanh nghiệp”, ông Cẩm chỉ rõ.
Với cách tính này của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, trong năm 2017 lương tối thiểu chỉ cần tăng thêm khoảng 7%, để đến năm 2018 cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu sống tối thiểu của người lao động như lộ trình Hội đồng tiền lương quốc gia đã đề ra.
Cũng theo Hiệp hội, tăng lương tối thiểu vùng ở mức cao và duy trì tỷ lệ trích nộp các khoản bảo hiểm, kinh phí công đoàn cao như hiện nay cũng là một nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, trốn đóng, chậm đóng BHXH làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.