tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Việt Nam mất 54 năm nữa để đuổi kịp năng suất lao động Thái Lan

  • Cập nhật : 09/10/2015

(Tin kinh te)

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng để tránh một quá trình kéo dài mới bắt kịp năng suất lao động của các nước, Việt Nam cần phải quan tâm và nỗ lực nhiều hơn để nâng cao năng suất lao động trong các doanh nghiệp.

 

Báo cáo thực trạng năng suất lao động của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy năng suất lao động của toàn nền kinh tế năm 2014 đạt 74,7 triệu đồng/lao động, tăng 4,9% so với năm 2013. Bình quân giai đoạn 2005-2014 tăng 3,7% mỗi năm.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng năng suất lao động của Việt Nam trong những năm qua đã cải thiện đáng kể, khoảng cách tương đối về năng suất lao động với các nước ASEAN được thu hẹp dần. Cụ thể, nếu năm 1994 năng suất lao động của Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philipines và Indonesia lần lượt gấp Việt Nam từ 29,2 lần; 10,6; 4,6; 3,1; 2,9 lần năng suất lao động của Việt Nam thì năm 2013 khoảng cách tương đối này giảm xuống tương ứng 18 lần; 6,6; 2,7; 1,8 lần.

Song điều này vẫn chưa đủ để giảm khoảng cách tuyệt đối về năng suất lao động với các nước. Giả định Việt Nam và một số nước duy trì liên tục tốc độ tăng trưởng năng suất lao động trung bình như trong giai đoạn 2007-2012 thì phải đến năm 2038 Việt Nam mới bắt kịp năng suất lao động của Philippines và đến năm 2069 mới bắt kịp năng suất lao động của Thái Lan.
 
Đáng chú ý là nếu so với Trung Quốc và Ấn Độ, năng suất lao động của Việt Nam tăng chậm hơn dẫn tới sự gia tăng cả về khoảng cách tuyệt đối và tương đối với hai nước trên.

Khoảng cách tương đối về năng suất lao động giữa Trung Quốc và Việt Nam từ 1,3 lần (năm 1994) lên 2,8 lần (năm 2013); giữa Ấn Độ và Việt Nam từ 1,6 lần lên 1,7 lần.

“Điều này cho thấy thách thức và khó khăn nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt trong việc bắt kịp năng suất của các nước” – Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.

Theo Bộ kế hoạch và Đầu tư, tỉ trọng lao động khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản hiện nay còn khá cao (năm 2014 chiếm 46,3%) và cao hơn so với các nước trong khu vực. Phần lớn lao động làm việc trong khu vực này là lao động giản đơn, có tính thời vụ, việc làm không ổn định, nên giá trị gia tăng tạo ra không cao, dẫn đến năng suất lao động thấp. Khu vực này có tới trên 46% lao động của cả nước nhưng chỉ tạo ra 18,1% GDP.

Ngoài ra, việc lao động di chuyển ra khỏi ngành nông nghiệp chủ yếu lại chuyển sang làm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có năng suất thấp, hay chuyển sang ngành dịch vụ có thu nhập thấp. 

Do đó, để tránh một quá trình kéo dài mới bắt kịp năng suất lao động của các nước, Việt Nam cần phải quan tâm và nỗ lực nhiều hơn để nâng cao năng suất lao động trong các doanh nghiệp. Qua đó chuyển dần theo xu hướng mới, phổ biến ở các nền kinh tế, đó là yếu tố tăng năng suất nội ngành đóng vai trò chủ đạo trong việc tăng năng suất của nền kinh tế.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong việc nâng cao năng suất lao động.

Thực tế hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam có quy mô quá nhỏ với 90% số doanh nghiệp hiện chưa đạt được quy mô tối ưu để có được năng suất lao động cao nhất. Nghiên cứu cho thấy, doanh nghiệp có từ 50-99 lao động là nhóm có năng suất lao động cao nhất, cao hơn 50,6% so với nhóm có quy mô siêu nhỏ.

(Theo Trung tâm thông tin CN& TM Bộ Công Thương)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục