Khoản nợ của các doanh nghiệp đủ khả năng trả nhưng chây ỳ được Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cam kết thu hồi trước Quốc hội.
Hơn 500 DNNN sẽ sớm được cổ phần hóa
- Cập nhật : 16/11/2015
(Kinh te)
Đối với các đơn vị đạt kết quả thấp, với vị trí trách nhiệm thường trực ban chỉ đạo đổi mới doanh nghiệp, Văn phòng Chính phủ sẽ có đề xuất cụ thể có biện pháp xử lý thích đáng với đơn vị thực hiện cổ phần hóa kết quả thấp.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp Lê Mạnh Hà
Đây là ý kiến của Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp Lê Mạnh Hà trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) năm 2015.
Dù đã có nhiều biện pháp nhưng đến nay tiến độ cổ phần hóa DNNN vẫn chậm, vậy nguyên nhân là gì, thưa ông?
Ông Lê Mạnh Hà: Có thể nói rằng, kế hoạch chúng ta đề ra tương đối cao, khoảng 514 DN và kiên quyết không điều chỉnh xuống, giữ số đó để phấn đấu. Nguyên nhân chủ quan phải thừa nhận rằng không ít đơn vị, bộ ngành, địa phương chưa tích cực tập trung triển khai cổ phần hóa (CPH).
Có một số địa phương không có DN nào CPH trong năm nay, thậm chí trong cả giai đoạn. Đối với bộ, ngành, đến thời điểm này số lượng đạt chưa cao. Chúng ta quyết tâm cuối năm hoàn thành khoảng 90% mục tiêu, còn lại khoảng 10% số DN thực hiện CPH khá khó.
Thưa ông, trong 10 tháng qua mới có 2 văn bản chính sách ban hành đúng thời hạn, còn lại chưa đúng, nguyên nhân nào khiến các văn bản hướng dẫn thực thi chính sách chậm trễ như vậy?
Ông Lê Mạnh Hà: Tôi cho rằng đến giai đoạn cuối xây dựng, những văn bản giải quyết khó khăn trong CPH, sắp xếp DN.
Ví dụ, cần ra một văn bản chính sách, một bộ, ngành chủ trì xây dựng xây dựng, lấy ý kiến góp ý của bộ, ngành khác, sau đó gửi Văn phòng Chính phủ thẩm tra, trình Thủ tướng Chính phủ.
Mỗi khâu đều tốn một khoảng thời gian. Quy trình ban hành các văn bản chính sách tương đối dài, các thủ tục thì nhiều, mỗi thủ tục cần nhiều thời gian. Do đó, có những văn bản chúng tôi sẽ đề xuất nhất trí trình Thủ tướng Chính phủ cho phép có hiệu lực ngay để thực hiện nhanh.
Vậy căn cứ vào tình hình thực tế, kế hoach thực hiện CPH trong giai đoạn 2016-2020 như thế nào, thưa ông?
Ông Lê Mạnh Hà: Tôi cho rằng số lượng ước tính khoảng 500 DN nữa sẽ sớm được thực hiện CPH trong trong giai đoạn 2016-2020. Tất nhiên, con số có thể tăng thêm, ví dụ theo Quyết định 37 về ban hành tiêu chí danh mục phân loại DNNN giữ 100% vốn sẽ được thay đổi thì các DN 100% vốn DNNN chuyển sang diện CPH sẽ tăng lên thêm khoảng 100 DN.
Trong nhiều lần, lãnh đạo Chính phủ đã cảnh báo về trách nhiệm người đứng đầu việc chậm trễ thực hiện quá trình CPH, lần này Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng nhắc về vấn đề này. Vậy đã có cá nhân nào phải chịu trách nhiệm chưa, thưa ông?
Ông Lê Mạnh Hà: Đến thời điểm này thì chưa có cá nhân nào bị xử lý. Nhưng theo tôi đến cuối năm, đối với các đơn vị đạt kết quả thấp, với vị trí trách nhiệm thường trực Ban chỉ đạo đổi mới DN, chúng tôi sẽ có đề xuất cụ thể có biện pháp xử lý thích đáng với đơn vị thực hiện thấp, chấp hành kỷ cương nghiêm, không thể không hoàn thành nhiệm vụ mà vẫn được đánh giá tốt.
Thực tế, vừa qua, một số địa phương phản ánh gặp khó khăn khi xác định tỷ lệ nắm giữ Nhà nước trong thực hiện CPH, hay vấn đề xác định giá trị DN, khiến CPH chậm chạp, bao giờ sẽ có văn bản để giải quyết vấn đề này?
Ông Lê Mạnh Hà: Về tỷ lệ CPH, theo kinh nghiệm của chúng tôi, không chỉ ở các địa phương mà đa số các DN nếu để tỷ lệ cổ phần Nhà nước quá cao thì tỷ lệ thành công thấp, thậm chí sau khi CPH rồi hoạt động cũng không hiệu quả hơn. Trong khi đó, các doanh nhân đầu tư vào thì họ kỳ vọng có quyền thay đổi quản trị đổi mới DN, tăng cao hiệu quả DN.
Hiên nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang quyết liệt chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉnh sửa Quyết định 37 về tỷ lệ cổ phần Nhà nước nắm giữ khi CPH theo hướng thu hút hơn, từ đó đẩy mạnh hiệu quả CPH.