tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Văn hóa kinh doanh thấp

  • Cập nhật : 16/12/2015

(Kinh doanh)

Tiếp thị kiểu “khủng bố” như trên không phải là giải pháp tốt để tiếp cận người tiêu dùng, nó thể hiện văn hóa kinh doanh thấp của doanh nghiệp.

ong ly truong chien - anh: ctv

Ông Lý Trường Chiến - Ảnh: CTV

Những tác dụng ngược của hình thức tiếp thị “khủng bố” qua điện thoại dù nhỏ, nhưng về lâu dài sẽ gây tổn thất lớn về mặt hình ảnh thương hiệu, chất lượng sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp.

Chuyên gia tư vấn quản trị doanh nghiệp Lý Trường Chiến, chủ tịch Trí Tri Group, khẳng định như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ xung quanh chuyện tiếp thị “khủng bố” qua điện thoại. Ông Chiến nói:

- Trong nền kinh tế đang vận hành gắn với sự phát triển của công nghệ thông tin, sử dụng điện thoại như một phương tiện tăng kênh tiếp thị, tiếp cận khách hàng là tất yếu và được thừa nhận. Tuy nhiên, doanh nghiệp chỉ nên sử dụng số điện thoại mà bản thân khách hàng cung cấp và biết rõ người gửi thông tin đến.

Trong khi ở VN đang có tình trạng thông tin cá nhân bị đem bán vô tội vạ dẫn đến người dân suốt ngày được “chào đón” bởi tin nhắn rác, điện thoại bán hàng, mà không hề quan tâm đến chuyện gây bực mình cho người nhận.

Tiếp thị kiểu “khủng bố” như trên không phải là giải pháp tốt để tiếp cận người tiêu dùng, nó thể hiện văn hóa kinh doanh thấp của doanh nghiệp.

* Theo ông, hậu quả của việc “quấy rối” qua điện thoại đó với một doanh nghiệp là gì?

- Doanh nghiệp không thể chỉ tính toán chi phí bỏ ra cho một lần “chạm” được khách hàng thấp mà không để ý đến hiệu ứng cho lần “chạm” đó rồi có ngộ nhận về hiệu quả. Khi khoản đầu tư dùng để tiếp cận khách hàng dồn tích ngày càng tăng lên nhưng hiệu quả thực tế không có thì cần phải xem lại.

Đó là cách quản trị rất kém, doanh nghiệp mà phải chờ hậu quả xảy ra rồi mới quyết định chứ không biết kiểm tra, thống kê, phân tích dự báo từ trước, chắc chắn sẽ lãnh những tổn thất về mặt hình ảnh, tài chính.

Bởi những tác dụng ngược của hình thức tiếp thị “khủng bố” qua điện thoại hiện nay dù nhỏ nhưng không đem lại hiệu quả thật sự thì những khoản chi trở nên phung phí.

* Nhiều ý kiến cho rằng tình trạng tin nhắn, điện thoại “khủng bố” ngày đêm như hiện nay có trách nhiệm của nhà mạng?

- Nhà mạng là nơi có trách nhiệm đầu tiên để cho tình trạng này xảy ra. Cũng có trường hợp khách hàng trong quá trình sử dụng các dịch vụ phải khai báo thông tin cá nhân dẫn đến thông tin bị rò rỉ ra bên ngoài.

Việc bán dữ liệu cá nhân ra ngoài cũng đã diễn ra tràn lan mà chưa có biện pháp khắc phục. Việc các công ty sử dụng tin nhắn, điện thoại “khủng bố” hằng ngày, không thèm để ý đến cảm xúc, ý muốn của người nhận còn gây xáo trộn cuộc sống cá nhân và làm mất cơ hội của một số người khác.

Nhiều người trở nên cẩn trọng với các số điện thoại lạ, cho dù đó là những cuộc gọi mang tính chất công việc, chưa bao giờ “đầu tư” cho một số liên lạc mới lại tốn kém như hiện nay.

* Doanh nghiệp cần điều chỉnh thế nào để tiếp cận khách hàng mới một cách hiệu quả?

- Doanh nghiệp nên thấu hiểu khách hàng mục tiêu của mình bằng cách nghiên cứu thị trường một cách sâu sắc, biết cách để “chạm” khách hàng mục tiêu hiệu quả thông qua phương tiện truyền thông, ngôn ngữ truyền thông...

Dù chi phí ban đầu có thể cao hơn nhưng hiệu quả đem lại cũng sẽ tốt hơn, lựa chọn được khách hàng thật sự, lúc đó hiệu quả kinh doanh cao hơn.

(Theo Báo Tuổi Trẻ)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục