tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Bản báo cáo 200 trang của VCCI tại Hội nghị doanh nghiệp với Thủ tướng nêu gì?

  • Cập nhật : 30/04/2016

(Tin kinh te)

Tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp sáng 29/4, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có văn bản gần 200 trang báo cáo về thực trạng và kiến nghị với Thủ tướng và các bộ ngành có liên quan. Có tới trên 170 nội dung liên quan đến 9 nhóm vấn đề chính mà cộng đồng doanh nghiệp quan tâm kiến nghị.

Theo đánh giá của VCCI, 5 năm tới là một giai đoạn đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của Việt Nam - 5 năm triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII - 5 năm bước vào giai đoạn hội nhập sâu rộng nhất. Doanh nghiệp chính là lực lượng quyết định thành bại của đất nước trong hội nhập. Và nâng cao nội lực của doanh nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm.

Trên cơ sở nhận diện đúng tình hình doanh nghiệp như trên, 5 năm tới nên được xác định là 5 năm quốc gia khởi nghiệp, 5 năm cả nước tập trung sức phát triển doanh nghiệp.

Thay mặt cộng đồng doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI đề nghị Chính phủ ban hành một nghị quyết về chương trình hành động quốc gia phát triển doanh nghiệp cho cả nhiệm kỳ, bảo đảm thực hiện được hai yêu cầu xuyên suốt là củng cố niềm tin, vực dậy tinh thần, phục hồi và phát triển doanh nghiệp.

Muốn vậy phải tiếp tục đặt ưu tiên vào mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, xây dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi và an toàn, giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp, để không lặp lại những câu chuyện bi hài như quán cà phê “xin chào” mà đích thân Thủ tướng đã phải ra tay can thiệp.

Cần công bố để người dân phản ánh khi có tiêu cực để người dân tin vào Chính Phủ, Đảng.

Hai định hướng chính sách lớn của chương trình là cố gắng bảo toàn lực lượng doanh nghiệp có tiềm năng cạnh tranh hiện có, đồng thời khuyến khích thúc đẩy phát triển thêm nhiều doanh nghiệp mới, hướng tới mục tiêu đất nước ta có được 1,5 đến  2 triệu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả vào năm 2020.

Theo định hướng chính sách đó, có hai việc cần làm:

Một là, phải có những giải pháp quyết liệt để giảm mạnh rủi ro và chi phí, để bảo đảm an toàn và “khoan sức” cho doanh nghiệp.

Hai là, tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp.

Về nhóm chính sách giảm thiểu rủi ro và chi phí thì:  

Có thể khẳng định rằng, hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam đang phải chịu nhiều rủi ro và gánh nặng chi phí cả chính thức và không chính thức khá lớn. Trước tiên là các rủi ro và chi phí về hành chính (giao dịch, gia nhập thị trường, tuân thủ luật pháp…) đang ở mức cao so với các nước láng giềng.

Để phục hồi và phát triển doanh nghiệp, cải cách thể chế, cải cách hành chính cần đóng vai trò là mũi đột phá dẫn đường để vừa bảo đảm an toàn, tạo thuận lợi và giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Đề nghị Chính phủ xây dựng lộ trình cải cách thể chế và tăng cường kỷ luật thực thi cho cả nhiệm kỳ 5 năm với những mục tiêu, khung thời gian và quy trách nhiệm cụ thể cho từng thủ trưởng các bộ, ban ngành và địa phương theo mô hình nghị quyết 19+ (với phạm vi mở rộng ra tất cả các lĩnh vực cải cách thể chế, với yêu cầu cao hơn và trong một số lĩnh vực có thể vượt qua chuẩn tiên tiến của ASEAN, vươn tới chuẩn của các nước TPP hay EV-FTA). Nghị quyết này nên được trình ra Quốc hội để tăng cường kỷ luật thực thi. Sự giám sát của Quốc hội, sẽ tạo áp lực giúp bảo đảm kỷ luật thực thi trong các cơ quan chính phủ và các cấp chính quyền, khép lại khoảng cách giữa lời nói và việc làm, giữa nghị quyết và cuộc sống.

Cải cách thể chế phải hướng tới mục tiêu: chất lượng thể chế của Việt Nam không thua kém các nước tiên tiến trên thế giới. Trước mắt, phải xếp vào nhóm 4 nước tiên tiến đứng đầu ASEAN như Nghị quyết 19 của Chính phủ và nghị quyết của Quốc hội đã quyết định.

Căn cứ tinh thần của Hiến pháp 2013, của Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư 2014 và các cam kết hội nhập, đặc biệt là theo khuôn khổ của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới sẽ đi vào thực hiện trong 2-3 năm tới, đề nghị tiến hành ngay việc tổng rà xét các quy định pháp luật về kinh doanh, các điều kiện kinh doanh và giấy phép kinh doanh đang còn hiệu lực. Kiên quyết loại bỏ những quy định, điều kiện và giấy phép kinh doanh không còn phù hợp đang cản trở quyền tự do kinh doanh của người dân, và đang làm tăng rủi ro và chi phí cho doanh nghiệp.

Trước mắt, với gần 6.000 điều kiện kinh doanh, trong đó có tới một nửa sẽ không còn căn cứ pháp lý để tồn tại sau ngày 1/7 tới, theo qui định của Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư. Thủ tướng Chính phủ đã có mệnh lênh dứt khoát thực hiện đúng yêu cầu của luật doanh nghiệp, luật đầu tư. Tôi hy vọng mệnh lệnh quan trọng này của Thủ tướng sẽ được các vị bộ trưởng thực thi nghiêm túc, không thể chậm trễ, với nhận thức rằng, chậm trễ ngày nào là cản trở quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, của người dân, cản trở sự phát triển của đất nước ngày đó.

Trong quá trình rà xét các giấy phép, điều kiện kinh doanh nói riêng và cải cách thủ tục hành chính nói chung, nên tham khảo kinh nghiệm của các nền kinh tế dẫn đầu ASEAN. Học tập những thực tiễn tốt nhất của họ theo hướng các nước tiên tiến không quy định, không trói buộc dân họ thì ta cũng không trói buộc dân mình nhất là trong bối cảnh cạnh tranh rất gay gắt với bên ngoài trong quá trình hội nhập.

Chính phủ cũng cần đề nghị Quốc hội sửa một số luật chuyên ngành, bảo đảm tính nhất quán của hệ thống pháp luật, thực hiện đúng yêu cầu của Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư và Luật ban hành văn bản pháp luật theo hướng, chỉ có Quốc hội, Chính phủ mới có quyền ban hành các điều kiện và giấy phép kinh doanh hạn chế quyền kinh doanh, chấm dứt ngay tình trạng tiếp tục giao quyền các bộ ngành ban hành thông tư, quyết định xác lập điều kiện kinh doanh và giấy phép kinh doanh như quy định tại một số luật chuyên ngành hiện nay.

VCCI cùng các hiệp hội doanh nghiệp sẽ tham gia tích cực vào quá trình rà xét này theo yêu cầu của Chính phủ.

Thứ hai là chi phí vốn. Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam đang phải vay ngân hàng với lãi suất cho vay bình quân khoảng 8,5%/năm, trong khi lạm phát chỉ ở mức 1,84% năm 2014 và 0,6% năm 2015. Như vậy, lãi suất thực mà doanh nghiệp của chúng ta đang phải chịu đựng là 7 – 8%/năm, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực (Ví dụ như lãi suất thực của Philippine là 2,2%/năm, lãi suất thực của Malaysia là 2,1%/năm).

Các doanh nghiệp trong nước đang phải gánh chịu các chi phí của cả các khoản nợ xấu của hệ thống ngân hàng cũng như nợ công của Chính phủ. Rõ ràng là nếu mức lãi suất thực hợp lý của người gửi tiền khoảng 2% và mức chênh lệch lãi suất huy động và cho vay hợp lý của hệ thống ngân hàng khoảng 2-3%, mặt bằng lãi suất hiện nay cần phải được giảm thêm 2% nữa mới về mức hợp lý. Vì thế, Chính phủ nên đặt mục tiêu cụ thể giảm lãi suất thực 1-2% trong năm tới cùng với việc giải quyết nợ xấu một cách thực chất.

Nếu lãi suất hợp lý, cũng sẽ thúc đẩy chuyển hướng nguồn vốn cho vay của các ngân hàng vào khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa và khu vực sản xuất chứ không tập trung quá nhiều vào các doanh nghiệp lớn và khu vực kinh doanh bất động sản như hiện nay.

Thứ ba, đề nghị chính phủ đẩy mạnh cải cách và minh bạch hóa hệ thống thu – chi các khoản đóng góp liên quan đến lao động. Hệ thống hiện nay đang không hiệu quả, khi chi phí bảo hiểm xã hội mà doanh nghiệp Việt Nam phải chịu cao gấp đôi, gấp ba nhiều nước ASEAN trong khi đó người lao động lại không được hưởng tương xứng. Trước mắt, đề nghị giãn lộ trình tính đầy đủ bảo hiểm xã hội trên thu nhập thực tế của người lao động để khoan sức cho doanh nghiệp.

Nhóm chi phí thứ tư cần được xem xét cắt giảm là thuế và phí, miễn thuế môn bài cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Mặc dù ngân sách hiện nay đang khó khăn, nhưng chủ yếu là do chi thường xuyên tăng mạnh chứ không phải do mức thu thuế thấp. Các khoản thuế, phí ở Việt Nam hiện đã chiếm tới 40,8% lợi nhuận của doanh nghiệp. Đây là mức huy động thuộc loại cao nhất trong khu vực.

Bởi vậy, thời gian tới Chính phủ cần đẩy mạnh cải cách bộ máy hành chính để cắt giảm chi tiêu, tuyệt đối tránh tình trạng tận thu để bảo đảm tăng chi. Thay vào đó, một số chính sách miễn giảm, hoãn, giãn thuế hợp lý cho doanh nghiệp nên được tiếp tục để phục hồi và phát triển doanh nghiệp, nuôi dưỡng nguồn thu sau này.

Cũng quan trọng không kém là phải ngăn chặn việc đặt ra các loại phí sai quy định tại nhiều địa phương hiện nay. Các khoản phí cầu đường, giao thông .v.v. cũng cần được quản lý chặt chẽ.

Tóm lại, việc rà xét, điều chỉnh, giảm nhẹ gánh nặng thuế-phí, chi phí đầu vào cũng như các chi phí hành chính là rất cần thiết để doanh nghiệp Việt Nam có thể nâng cao hiệu quả kinh doanh và trụ vững trong bối cảnh khó khăn, cạnh tranh rất gay gắt như hiện nay. Bên cạnh đó, cũng cần tạo lập thị trường cạnh tranh để giảm các chi phí đầu vào đối với các khoản phí và dịch vụ mà nhà nước không quy định trực tiếp.

Đề nghị Thủ tướng giao cho Hội đồng phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và các cơ quan chuyên môn tính toán một cách khoa học, có đề xuất cụ thể để Quốc hội, Chính phủ quyết định.

Đối với nhóm giải pháp thứ hai: Tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển doanh nghiệp

Ngoài việc hoàn thiện thể chế thông qua tăng cường chỉ đạo, giám sát thực thi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư mới, xây dựng và thực hiện nghị quyết 19+ như đã đề cập ở trên, để tạo môi trường thuận lợi cho phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, tôi đề nghị Chính phủ ban hành ngay các chính sách thúc đẩy khởi nghiệp, khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp, chuyển các hoạt động kinh tế phi chính thức sang chính thức trên diện rộng. Ví dụ, bằng biện pháp miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, chính sách ưu đãi tín dụng… trong thời gian vài ba năm cho các hộ kinh doanh đăng ký chuyển thành doanh nghiệp.

Nước ta hiện có gần 5 triệu hộ kinh doanh phi nông nghiệp, trong đó có gần  2 triệu hộ kinh doanh có đăng ký. Đó là lực lượng tiềm năng của đội ngũ doanh nghiệp trong tương lai gần. Nếu có chính sách khuyến khích họ chuyển sang mô hình tổ chức doanh nghiệp thì mục tiêu có được 1,5 đến 2 triệu doanh nghiệp trước năm 2020 là trong tầm tay. Hơn thế, con đường chính thức hóa hoạt động kinh doanh lại là cứu cánh cho các hộ kinh doanh trước sức ép của hội nhập.

Bởi, chúng ta đều biết, nhỏ lẻ, “tiểu nông”, “tiểu công”, không minh bạch rất khó vươn tới chuẩn mực quốc tế, rất khó tạo ra năng suất và hiệu suất cao và rất khó trụ vững trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh gay gắt. Chính sách hỗ trợ chuyển dịch hộ kinh doanh thành doanh nghiệp như một mũi tên có thể trúng cả hai đích.

Cần có chính sách thúc đẩy tăng cường kết nối doanh nghiệp, thực hiện chính sách hỗ trợ theo chuỗi liên kết vùng, ngành, cụm công nghiệp. Chú trọng thúc đẩy kết nối khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam với doanh nghiệp nhỏ và vừa của nước ngoài, để doanh nghiệp Việt Nam tham gia được vào các chuỗi giá trị toàn cầu; Khuyến khích kết nối khu vực doanh nghiệp trong nước với các FDI, chứ không chỉ tập trung nỗ lực vận động thu hút đầu tư  FDI như hiện nay; Ban hành và thực hiện các chính sách khuyến khích hoạt động mua bán, sáp nhập, tích tụ và tập trung doanh nghiệp quy mô lớn, hình thành mô hình sản xuất lớn, phát triển các công ty cổ phần đại chúng.

Để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bảo đảm bình đẳng cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, một nội dung quan trọng của công tác cải cách hành chính, cải cách bộ máy của chính phủ là xóa bỏ chế độ chủ quản của các bộ ngành và chính quyền địa phương đối với các doanh nghiệp nhà nước.

Việc xóa bỏ chế độ chủ quản sẽ bảo đảm giải phóng được doanh nghiệp nhà nước ra khỏi sự can thiệp sự vụ của các bộ ngành vào hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện để doanh nghiệp nhà nước năng động hơn và sáng tạo hơn.

Mặt khác, tạo điều kiện mở đường cho một môi trường cạnh tranh bình đẳng hơn giữa các doanh nghiệp nhà nước với nhau và với khu vực tư nhân.  Chủ trương này đã được đề ra từ gần 15 năm trước nhưng vẫn chưa được triển khai tốt.

Theo yêu cầu của nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII và yêu cầu của thực tiễn kinh tế, chúng tôi đề nghị thực hiện chủ trương này cũng là một yêu cầu trọng tâm của chính phủ mới. Muốn thực hiện việc này, không nên thiết kế chức năng chủ quản trong nhiệm vụ của các bộ ngành nhiệm kỳ tới mà cần tăng cường và đổi mới SCIC theo mô hình Temasek hay GIC của Singapore, hoặc thành lập Bộ doanh nghiệp nhà nước theo mô hình của Indonesia. Các cơ quan này không làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về kinh doanh, chỉ làm chức năng chủ sở hữu của doanh nghiệp nhà nước.

Để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp rất phấn khởi khi biết rằng Chính phủ đang soạn thảo Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây là một chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, chúng tôi đề nghị Chính phủ chỉ đạo chặt chẽ quan điểm thiết kế của bộ luật, tránh Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trở thành bộ luật của cơ chế xin cho.

Có hai yêu cầu quan trọng trong thiết kế của bộ luật rất cần lưu ý: Các điều kiện thụ hưởng, các biện pháp hỗ trợ phải thật sự minh bạch, đơn giản, phù hợp với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Và cơ quan quản lý chính sách phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa không nên đồng thời là cơ quan trực tiếp triển khai thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tương tự như vậy, cần bảo đảm nguyên tắc cơ quan quản lý nhà nước về xúc tiến thương mại, đầu tư không đồng thời là cơ quan tổ chức các hoạt động xúc tiến. Cơ quan quản lý các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp nói chung cũng không thể đồng thời là cơ quan cung ứng dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. Dứt khoát không “đẻ thêm” bộ máy dịch vụ xúc tiến, hỗ trợ doanh nghiệp ở các bộ ngành và địa phương.

Cũng theo xu hướng này, cần đẩy mạnh thực hiện chủ trương chuyển giao các dịch vụ công từ cơ quan quản lý nhà nước sang cho các tổ chức xã hội và thị trường, để tập trung sức mạnh của nhà nước vào thực hiện chức năng nhà nước kiến tạo, nhà nước vận hành thể chế, nhà nước trọng tài để bảo đảm thị trường hoạt động một cách công bằng, Nhà nước phục vụ người dân và doanh nghiệp bằng thể chế chứ không ôm việc, bao việc làm thay.


Công Sang
(Theo Báo Đầu Tư)
Trở về

Bài cùng chuyên mục