Đến cuối tháng 11/2015, các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP.HCM đã đạt mức tăng trưởng tín dụng 11% trong khi huy động vốn tăng 12% so với cuối năm 2014.
Chủ tịch TP lên kế hoạch "giành" lại thị trường bán lẻ
- Cập nhật : 30/05/2016
(Kinh te)
Thị trường bán lẻ đang rơi vào tay của các ông chủ nước ngoài; người dân thì lại bất an với nạn trộm, cướp liều lĩnh gây án
Sáng 30-5, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đã chủ trì cuộc họp định kỳ tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, thu chi ngân sách TP tháng 5, 5 tháng và công tác trọng tâm tháng 6-2016.
Mất thị phần
Đánh giá về thị trường bán lẻ tại TP HCM, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến nhìn nhận thời gian tới sẽ rất phức tạp nếu không đầu tư đúng mức sẽ khó nữa. Sau khi làm việc với Satra và Saigon Coop, ông Tuyến thấy sự liên kết ở các công ty nhà nước rất hạn chế.
Theo Chánh Văn phòng UBND TP Võ Văn Hoan, thị trường bán lẻ TP đang bị "tấn công" rất tinh vi. Các doanh nghiệp nước ngoài hình thành nên mạng lưới, sau đó thôn tính, nhiều hệ thống bán lẻ nước ngoài làm cả một chuỗi sản phẩm để đưa ra thị trường.
Trước tình hình này, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết sẽ chủ trì cuộc họp cùng với ông Tuyến để làm sao giữ vững thị trường bán lẻ của TP. “Bởi vì chúng ta không kiểm soát và định hướng thị trường bán lẻ thì chúng ta sẽ bị tác động bởi nhà bán lẻ nước ngoài” – ông Phong nói.
Nêu cụ thể, ông Phong cho biết các nhà bán lẻ Hàn Quốc thì xem Việt Nam là thị trường bán lẻ nước ngoài tiềm năng nhất. Họ có ý định xuất khẩu hàng hóa từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ vào Việt Nam, thông qua những hình thức như nhập khẩu nhà hàng giá rẻ, những nhãn hàng riêng…
Lo lắng, ông Phong liệt kê một loạt hệ thống bán lẻ chiếm thị phần lớn tại TP HCM như CP (Thái Lan) thuộc sở hữu của tỷ phú giàu nhất Thái Lan đang có mặt trên địa bàn TP. Rồi Metro được doanh nghiệp Thái Lan mua lại hay B’Smart của Thái Lan – thuộc một tỷ phú giàu thứ hai Thái Lan. Còn Nguyễn Kim, Robins, Big… cũng thuộc tỷ phú giàu Thái Lan.
Ông Phong cũng thông tin AEON Nhật Bản phấn đấu đưa Việt Nam trở thành thị trường bán lẻ thứ nhì khu vực, sau Malaysia.
Nêu một thực tế đáng lo ngại là cơ cấu thị phần chúng ta chỉ chiếm 36%, trong khi nhà đầu tư nước ngoài 51%, ông Phong lo lắng với định hướng của các nhà đầu tư nước ngoài mà TP không có chiến lược đối sách thì sẽ mất thị trường bán lẻ.
“Các nhà đầu tư nước ngoài sẽ chi phối thị trương bán lẻ của chúng ta. Nó sẽ tác động đến sản xuất” – ông Phong trăn trở . Theo ông Phong, TP phải chủ động ngay từ bây giờ. Bây giờ là chậm nhưng chậm còn hơn thấy mà chịu thua; phải tính toán, liên kết như thế nào, bàn giải pháp cụ thể để triển khai trong thời gian tới.
Bất an với trộm, cướp
Liên quan đến quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội, báo cáo của UBND TP khẳng định tình hình tội phạm trên một số lĩnh vực đã giảm so cùng kỳ.
Đặc biệt, công tác an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn TP luôn ổn định trong suốt quá trình diễn ra bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XI, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 và thời gian Tổng thống Mỹ đến TP HCM.
Đi sâu từng lĩnh vực, về phạm pháp hình sự xảy ra 370 vụ (so cùng kỳ giảm 115 vụ, tỷ lệ gần 24%); đã điều tra khám phá 246 vụ (đạt 66,5%) và bắt 266 tên. Tội phạm ma túy đã điều tra, khám phá 148 vụ, bắt 312 tên, thu giữ 1,5 kg heroin, 13,25 kg ma túy tổng hợp; qua đó khởi tố110 vụ, 157 bị can và xử lý hành chính 38 vụ với 155 đối tượng.
Theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, tình hình trấn áp tội phạm mấy tháng qua chuyển động tốt nhưng vẫn còn phức tạp. “Tôi đọc báo sáng nay thấy báo chí giật tít “Sài Gòn bất an do trộm cướp”. Công an là chủ lực trong cuộc chiến chống tội phạm nhưng cả hệ thống chính trị phải vào cuộc” – ông Phong nói và yêu cầu lực lượng công an các quận huyện phải quyết liệt vấn đề này.