Mất tiền, thêm phí, lộ thông tin bảo mật, khó phân bổ nguồn tiền trong tài khoản... là những băn khoăn của doanh nghiệp khi nộp thuế điện tử.
Tăng trưởng cao, lạm phát thấp nhưng người dân được gì?
- Cập nhật : 08/11/2015
(Tin kinh te)
Nền kinh tế đang có hàng loạt các thách thức và nghịch lý với tình trạng tăng trưởng kinh tế cao, lạm phát thấp nhưng cả doanh nghiệp và người dân đều khó khăn hơn, theo các chuyên gia kinh tế.
Đây là điều cần được các vị đại biểu Quốc hội nhìn nhận khi tiến hành thảo luận ở hội trường vào ngày mai 2-11 về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016.
Báo cáo: tăng trưởng cao, lạm phát thấp
Báo cáo của Chính phủ khẳng định, tốc độ tăng GDP 9 tháng đầu năm đạt 6,5%, là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ 4 năm.
Bên cạnh đó, bình quân 9 tháng đầu năm nay, lạm phát cơ bản chỉ tăng 2,15%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,74% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng giá thấp nhất so với cùng kỳ 15 năm qua.
Tuy nhiên, theo các nhà kinh tế, đang có nhiều câu hỏi phía sau hai con số ấn tượng này.
Báo cáo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, chỉ số sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo năm 2015 ước tăng 10,6%, trong đó sản lượng dầu thô khai thác trong nước ước đạt 15,74 triệu tấn, tăng 1 triệu tấn so với kế hoạch. Năm 2014, sản lượng dầu thô khai thác là 17,4 triệu tấn tăng gần 1,2 triệu tấn so với kế hoạch.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung cho rằng, tăng trưởng GDP như vậy có yếu tố chi phối là khai khoáng. Bên cạnh đó, ông Cung đặt câu hỏi: "Vì sao lạm phát thấp khi cả chính sách tài khóa và tiền tệ đều rộng mở?”.
Theo báo cáo của Chính phủ, dư nợ tín dụng sẽ tăng 17%, cao nhất kể từ năm 2011.
Tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) thực hiện 9 tháng ước đạt 683.000 tỉ đồng. Tổng chi NSNN thực hiện 9 tháng ước đạt 823.900 tỉ đồng, làm bội chi NSNN ước khoảng 140.970 tỉ đồng.
Ông Cung giải thích: ”Lạm phát thấp chủ yếu do giá bên ngoài thấp nên giá trong nước giảm. Lý do là các chính sách tài khóa và tiền tệ đều mở, nên phần giảm do bên ngoài giảm, cầu trong nước không tăng nhiều.
“Nếu sang năm giá thế giới giảm thì lạm phát sẽ vẫn thấp, và giữ ổn định. Nhưng nếu giá bên ngoài tăng, mà ta vẫn tiếp tục mở tiền tệ và đầu tư như thế này thì bất ổn kinh tế vĩ mô sẽ quay trở lại và sẽ tương đối nhanh. Tính bền vững của ổn định kinh tế vĩ mô rõ ràng không tốt, bất ổn kinh tế vĩ mô có thể diễn ra cứ lúc nào khi bên ngoài có vấn đề gì,” ông nói.
Theo ông Cung, đáng ra lúc lạm phát thấp này thì Nhà nước cần tranh thủ giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Song trên thực tế, nhân dịp này, giá của hàng loạt các dịch vụ công lại bị Nhà nước tăng.
“Trong khi thu nhập của người dân không tăng, mà các chi phí này tăng cao nên đời sống của người dân giảm xuống. Điều đáng nói là việc tăng giá không làm thay đổi cơ cấu của thị trường dịch vụ y tế, giáo dục, cấp điện… điều chỉnh như vừa rồi không thay đổi cấu trúc, lại giá chồng giá, phí chồng phí,” ông Cung nói.
Theo ông Cung, lạm phát thấp mà lãi suất cho vay vẫn cao 9-10% là “nghịch lý”.
“Lãi suất không giảm ngay cả khi chính sách tài chính, tiền tệ rất lỏng. Hệ lụy là chi phí tài chính lớn, huy động vốn khó, nên rất khó giúp doanh nghiệp phục hồi qua giai đoạn này,” ông nói.
Doanh nghiệp, người dân điêu đứng
Chính phủ cho biết, trong 9 tháng năm 2015, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 28,5% và vốn đăng ký tăng 31,4% so với cùng kỳ năm 2014. Số doanh nghiệp đang hoạt động là 525.000 đơn vị, gấp hơn 1,5 lần so với cuối năm 2010 .
Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết thực tế là trong 9 tháng năm 2015 đã có 54.566 doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản, giải thể, “tương đương” cả năm 2011, cả năm 2012. Năm 2013 có khoảng 60.000, năm 2014 khoảng 67.800 doanh nghiệp phá sản, giải thể.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, Chính phủ đã báo cáo ra Quốc hội là thu NSNN sẽ vượt dự toán 17.400 tỉ đồng do nguyên nhân chủ yếu là do tăng trưởng GDP dự kiến đạt mức cao 6,5%, và tỷ lệ doanh nghiệp có khả năng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đã tăng lên cao, chiếm 39-42% tổng số doanh nghiệp trong năm nay từ mức chỉ khoảng hơn 30% các năm trước.
Tuy nhiên, ở góc độ của giới doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan lại thấy bức tranh khác.
“Đáng ra lúc lạm phát thấp thì cần nuôi dưỡng nguồn thu, thì Nhà nước lại tận thu doanh nghiệp. Số doanh nghiệp ra đi trong 9 tháng bằng cả năm 2011, 2012 là những năm doanh nghiệp rất khó khăn,” bà Lan nói.
“Bên thu cứ thu mà không quan tâm đến người nộp thì làm sao có thể tăng trưởng bền vững?” bà Lan đặt câu hỏi.
“Dù nền kinh tế báo cáo là tốt đẹp hơn nhưng người dân, doanh nghiệp vẫn chưa được hưởng, nhất là chi phí y tế, học hành đều tăng lên, đè nặng lên người dân,” bà Lan nói.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhìn nhận, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2015 dự kiến chỉ đạt 5,88%/năm, thấp hơn giai đoạn trước và không đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra; chỉ tiêu yếu tố năng suất tổng hợp đóng góp tăng trưởng chỉ ở mức 24-25%, năng suất lao động Việt Nam so với một số nước Đông Nam Á như Singapore chỉ bằng 1/18, Malaysia bằng 1/6,5, Thái Lan bằng 1/2,7.
Tốc độ tăng của khu vực dịch vụ chậm lại trong hai năm gần đây: năm 2014 tăng 5,96% và năm 2015 tăng khoảng 6,4% thấp hơn mức 6,56% của năm 2013; chất lượng giảm nghèo chưa thực sự bền vững, hộ nghèo tập trung ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, có huyện, có xã còn hộ nghèo chiếm đến 50%.
Cung cầu trên thị trường lao động vẫn mất cân đối dẫn tới tỷ lệ sinh viên sau tốt nghiệp chưa có việc làm cao, giai đoạn 2010-2014 trung bình tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp sau 3 tháng có việc làm chỉ đạt khoảng 60%.