Ở 2 vùng đất “cò bay thẳng cánh” là Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười, có người đang sở hữu hàng trăm hoặc hơn 1.000 công đất
Thủ tướng đưa ra phương châm '5 nhà' để phát triển nông nghiệp
- Cập nhật : 08/04/2017
Sáng 8/4, Hội nghị xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tỉnh Thái Bình đã diễn ra tại TP Thái Bình với sự có mặt của hàng trăm nhà đầu tư, doanh nghiệp, nhà quản lý, chuyên gia nông nghiệp.
Thủ tướng Chính phủNguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Quốc Vượng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải và lãnh đạo nhiều bộ, ngành Trung ương đã tới dự hội nghị có quy mô lớn nhất từ trước đến nay trên quê hương 5 tấn Thái Bình, trung tâm lúa gạo vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Địa chỉ "đỏ” của đầu tư nông nghiệp
Là tỉnh có 3 mặt giáp sông, 1 mặt giáp biển, thuộc vùng ảnh hưởng trực tiếp của tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Thái Bình có điều kiện tự nhiên, sinh thái thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng thâm canh và công nghệ cao.
Với 105.755 ha đất nông nghiệp màu mỡ, hơn 1 triệu lao động cần cù, chịu khó, sáng tạo cùng tiềm năng về du lịch sinh thái, trải nghiệm đồng quê và du lịch văn hóa tâm linh, đặc biệt là các cơ chế, chính sách ưu việt, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, Thái Bình đang trở thành địa chỉ “đỏ” của nhà đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp.
Nỗ lực xây dựng nông thôn mới trong những năm qua đã giúp cho hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất của tỉnh được cải thiện rất nhiều, trên 90% diện tích canh tác lúa và rau màu đã chủ động tưới, tiêu. Thái Bình phấn đấu giai đoạn 2018 - 2020 sẽ mở rộng các mô hình và các vùng sản xuất hiện có trên tổng diện tích 250 ha rau và 500 ha lúa thực hiện sản xuất sản phẩm cây trồng an toàn theo chuỗi, xây dựng được thương hiệu sản phẩm lúa gạo. Mục tiêu của tỉnh đến năm 2025 trên địa bàn sẽ có 25% diện tích rau an toàn.
Để phát huy những tiềm năng và lợi thế trong nông nghiệp, Thái Bình đang hoàn thiện các cơ chế, chính sách hướng tới mục tiêu đến năm 2020 đưa Thái Bình lên tốp 15 tỉnh có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI cao nhất cả nước.
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Hồng Diên khẳng định: Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thái Bình luôn xem doanh nghiệp là động lực đầu tàu để phát triển kinh tế địa phương. Lãnh đạo tỉnh Thái Bình cam kết luôn đồng hành cùng doanh nghiệp; hỗ trợ các doanh nghiệp thuận lợi nhất trong các khâu để thực hiện đầu tư tại tỉnh, đồng thời áp dụng đầy đủ các các cơ chế, chính sách hiện hành của Nhà nước. Theo ông Diên, căn cứ đề xuất của từng doanh nghiệp, quy mô, tính chất của từng dự án, tỉnh sẽ ban hành những cơ chế phù hợp trên cơ sở không trái với quy định hiện hành của Nhà nước.
Tin tưởng vào quyết tâm phát triển nông nghiệp
Thủ tướng Nguyễn Xuân chứng kiến Lễ ký kết các văn bản ghi nhớ giữa UBND tỉnh Thái Bình với các tổ chức hỗ trợ và đầu tư vào tỉnh. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Phát biểu tại hội nghị, vui mừng trước sự có mặt của đông đảo các doanh nghiệp, nhà đầu tư, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, mặc dù năm 2016, tai ương dồn dập, nhưng xuất khẩu nông nghiệp của đất nước vẫn đạt 32,1 tỷ USD; trong đó, xuất siêu đạt 7,5 tỷ USD, điều này khẳng định tiềm năng to lớn của nền kinh tế nông nghiệp nước nhà.
Bày tỏ cảm động về khí thế lạc quan, sôi nổi trong đầu tư sản xuất nông nghiệp trên khắp các vùng, miền cả nước qua hàng loạt hội nghị chuyên ngành về lĩnh vực này, Thủ tướng cho rằng, bài học kinh nghiệm để nông nghiệp thành công chính là sức mạnh tiềm ẩn của nền sản xuất nông nghiệp của đất nước và tinh thần doanh nhân, tinh thần khởi nghiệp của người Việt Nam.
Sự bền bỉ, sâu sát, nhạy bén và kiến tạo đã đồng hành cùng doanh nghiệp và người nông dân. Doanh nghiệp, người nông dân đã bước đầu sát cánh, tin tưởng vào quyết tâm, nỗ lực thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn đổi mới, đi lên do Chính phủ khởi xướng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá.
Thủ tướng cũng bày tỏ vui mừng trước việc các doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực khác vốn chỉ kinh doanh những ngành nghề truyền thống nhưng nay còn khởi nghiệp ở một ngành nghề mới là kinh tế nông nghiệp.
Chúng ta cần sử dụng tư duy quản trị mới trong nông nghiệp, điều này rất quan trọng. Chúng ta cũng cần những bàn tay, khối óc với tư duy trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để đưa nông nghiệp, nông thôn tiến lên, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng nêu rõ, tinh thần cải cách nông nghiệp ngày nay là cởi trói, kiến tạo, giải phóng, phát huy toàn diện mọi tiềm năng của doanh nghiệp ở mọi công đoạn của chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp.
Ở Thái Bình và các địa phương, kinh tế nhà nước chiếm tỷ lệ lớn, từ giai đoạn này trở đi nhà doanh nghiệp chính là lực lượng chủ lực trong việc xây dựng nền nông nghiệp kiểu mới, kiến tạo lại thị trường nông sản, hàng hóa phù hợp với nhu cầu tiêu dùng, chi phí của thế giới dựa trên những trên những tư duy sản phẩm hàng hóa, độc đáo mang bản sắc của Việt Nam.
Vai trò của doanh nghiệp, hợp tác xã kiểu mới đưa doanh nghiệp về nông thôn sẽ quyết định sự thành công của sản xuất nông nghiệp chứ không phải kinh tế hộ nhỏ lẻ trong nền kinh tế thị trường, Thủ tướng nêu rõ.
Phương châm '5 nhà'
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm các gian hàng trưng bày sản phẩm tại hội nghị. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Cũng tại hội nghị này, Thủ tướng đưa ra phương châm 5 nhà để thành công trong phát triển nông nghiệp gồm: Nhà nước, nhà đầu tư, nhà nông, nhà khoa học và nhà băng.
Trên cơ sở niềm tin sâu sắc vào bề dày truyền thống của quê hương tiếng trống năm 30, Thủ tướng đưa ra một tầm nhìn cho phát triển nông nghiệp của Thái Bình và các địa phương có cơ cấu nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao: “Thái Bình cần phấn đấu trở thành tỉnh tiên phong, khơi nguồn cho những đổi mới trong phát triển;
Là tỉnh trù phú giàu có dựa trên nền tảng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, chất lượng cao và công nghiệp, dịch vụ phục vụ nông nghiệp trên cơ sở phát huy lợi thế tự nhiên sẵn có gắn với cách mạng công nghiệp 4.0 tập trung đầu tư theo chuỗi giá trị sản phẩm, chế biến, tạo ra những thương phẩm có giá trị gia tăng lớn ở tầm cỡ quốc gia, đại diện tiêu biểu cho nông nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế, góp phần hình thành nên diện mạo mới của nền nông nghiệp Việt Nam, bức tranh nông thôn Việt Nam trong thời kỳ mới".
Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị Thái Bình mạnh dạn chuyển đổi tư duy từ an ninh lương thực sang tư duy an ninh dinh dưỡng nghĩa là cả lương thực, thực phẩm và vitamin; tạo cơ hội cho nông dân có sự lựa chọn sát hơn với thị trường.
Mở ra cơ chế mới về hạn điền
Biểu dương Thái Bình trong thời gian ngắn đã có cách làm mới để vừa thực hiện Luật Đất đai đồng thời mở ra một cơ chế mới về hạn điền. Đó là chính quyền đứng ra ký hợp đồng cho người dân thuê đất sản xuất nông nghiệp với thời hạn từ 20 năm trở lên. Bằng cơ chế này đến nay Thái Bình đã tích tụ được trên 5000 ha đất nông nghiệp, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nông nghiệp tiếp tục nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn, mô hình kinh tế trang trại; phát huy lợi thế kinh tế nhờ quy mô; tạo đột phát cho việc ra đời thị trường thứ cấp về đất nông nghiệp, gắn với việc bảo đảm lợi ích của người nông dân.
Thủ tướng cho rằng đây là cách làm rất sáng tạo của Thái Bình trong lúc các địa phương trong cả nước còn lúng túng về mở rộng hạn điền; cần nghiên cứu, tổng kết, đánh giá. Song, Thủ tướng cũng lưu ý Thái Bình cần có biện pháp hợp lý để người dân không bị mất đất mà vẫn tạo ra sản xuất hàng hóa theo cách làm trên.
Thủ tướng gợi ý Thái Bình tập trung mở rộng không gian phát triển hướng ra biển Đông, chứ không phải chỉ “đứng trước biển”, trong đó, nuôi trồng, đánh bắt hải sản là một trong những trụ cột.
Thủ tướng cũng đề nghị Thái Bình đổi mới đầu tư công, dịch vụ công để thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư; tiếp tục tập trung đào tạo nguồn nhân lực, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, thu hút nhiều hơn nữa các chuyên gia giỏi về nông nghiệp đến với địa phương.
Lưu ý Thái Bình phải đầu tư nhiều hơn nữa vào việc xây dựng thương hiệu nông nghiệp, hệ thống tiêu thụ hiệu quả, Thủ tướng cũng mong muốn các doanh nghiệp và nhà đầu tư cần có chiến lược kinh doanh lâu dài, khép kín về chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến theo tinh thần 3 bên cùng thắng trong kinh doanh.
Tại Hội nghị đã diễn ra lễ trao các quyết định cho 33 dự án với tổng số vốn đăng ký lên đến 25.658 tỷ đồng; trong đó trao quyết định chủ trương đầu tư cho 11 dự án với số vốn đăng ký trên 2.016 tỷ đồng; trao quyết định chấp thuận nghiên cứu dự án đầu tư cho 19 dự án với số vốn đăng ký 20.925 tỷ đồng, chủ yếu để sản xuất sản phẩm nông nghiệp ứng dụng cao, nuôi trồng thủy hải sản…
Hội nghị cũng tiến hành trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 3 dự án BT, BOT về xây dựng công trình đường giao thông với số vốn đăng ký 2.717 tỷ đồng.
* Nhân dịp về thăm Thái Bình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 1 tại huyện Tiền Hải, Thái Bình. Dự án được khởi công xây dựng ngày 22/2/2014, có tổng vốn đầu tư trên 26,5 nghìn tỷ đồng. Nhà máy gồm 2 tổ máy, với tổng công suất 600 MW (2x300 MW) do Tập đoàn Marubeni - Nhật Bản làm tổng thầu EPC. Sau khi đưa vào vận hành thương mại, nhà máy sẽ cung cấp sản lượng điện hằng năm đạt khoảng 3,276 tỷ kWh.
Tại đây, nói chuyện với tập thể kỹ sư, người lao động tại công trường, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc căn dặn chủ đầu tư, nhà thầu chú ý đến các yếu tố an toàn trong thi công chăm sóc và đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Bên cạnh đó, cần đặc biệt chú trọng đến nhiệm vụ bảo vệ, gìn giữ môi trường trong khu vực, đảm bảo cuộc sống bình thường của người dân trong vùng.
Thủ tướng cũng tới thăm hỏi động viên cán bộ, kỹ sư Xí nghiệp phân phối khí thấp áp miền Bắc - Công ty cổ phần phân phối khí thấp áp dầu khí Việt Nam, thuộc Tổng Công ty Khí Việt Nam. Đây cũng là một đơn vị thành viên của Tập đoàn dầu khí Việt Nam đóng trên địa bàn huyện Tiền Hải.
Việc ra đời, hoạt động của Xí nghiệp phân phối khí thấp áp miền Bắc này là dấu mốc quan trọng, không chỉ tiếp tục duy trì, gia tăng lượng khí cung cấp cho tỉnh Thái Bình mà còn các tỉnh lân cận, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Thủ tướng cũng đã tới thăm hỏi, tặng quà và động viên các gia đình chính sách trên địa bàn xã Tây Lương, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, gồm các gia đình: Ông Tô Ngọc Lanh và Mẹ Việt Nam Anh hùng Bùi Thị Cúp có hai con hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Quang Vũ - Xuân Tiến (TTXVN)