Câu chuyện về ngành công nghiệp ô tô và giấc mơ về một sản phẩm ôtô "made in Vietnam" dường như vẫn là nỗi trăn trở đối với Việt Nam...
Tăng trưởng GDP quý III có thể đạt 6,14%
- Cập nhật : 26/07/2016
Tăng trưởng kinh tế quý III có thể đạt mức 6,14%. Tăng trưởng xuất khẩu dự báo ở mức 6,8%; thâm hụt thương mại ở mức 0,4 tỷ USD. Mức tăng giá tiêu dùng trong quý III là khoảng 1,31%.
Những dự báo trên được đưa ra trong Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý II/2016 vừa được Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế trung ương (CIEM) công bố sáng nay (26/7).
Báo cáo cho biết, Quý II chứng kiến bước chuyển giao đầu tiên của bộ máy Chính phủ. Chính phủ mới đã đưa ra một loạt các thông điệp với tư tưởng tạo lập môi trường chính sách dễ tiên liệu hơn, khuyến khích và nuôi dưỡng tinh thần kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế...
“Những chuyển biến này “đánh trúng” kỳ vọng của cộng đồng DN và dân cư. Đây chính là nền tảng để kỳ vọng về khả năng tái lập tăng trưởng kinh tế cao và bền vững hơn trong nửa cuối năm 2016 và những năm tới”, theo TS. Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng CIEM.
Tuy nhiên, Báo cáo thẳng thắn đưa ra bức tranh toàn cảnh về nền kinh tế Việt Nam với nhận định tăng trưởng kinh tế chưa lấy lại được đà phục hồi và việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 6,7% năm 2016 hầu như không khả thi.
Bên cạnh đó, mặc dù khu vực DN ít nhiều có chuyển biến (khi số DN đăng ký thành lập mới trong quý II và 6 tháng đầu năm tăng tương ứng 16,6% và 20%) chủ yếu nhờ tác động tích cực của Luật DN, Luật Đầu tư và hiệu quả ban đầu của các giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, cộng thêm niềm tin đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam và cơ hội từ các FTA thế hệ mới. Tuy nhiên, theo CIEM, khu vực DN chưa thực sự hết khó khăn khi số DN giải thể trong quý tăng 20,7% so với cùng kỳ 2015.
Về lạm phát, Báo cáo cho rằng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quý II vẫn giữ đà tăng nhanh như quý I và lạm phát tổng thể 6 tháng đầu năm tăng chủ yếu do các yếu tố chi phí đẩy.
Báo cáo của CIEM cũng dự báo, công tác điều hành giá cả vẫn gặp một số rủi ro trong nửa cuối năm 2016 do tác động từ việc tăng giá các mặt hàng và dịch vụ do nhà nước quản lý giá và tác động từ biến động dòng vốn nước ngoài. Điều đó khiến "mặt bằng lãi suất khó có thể giảm tiếp", Báo cáo cho biết.
Kết quả dự báo cho thấy tăng trưởng kinh tế quý III có thể đạt mức 6,14%. Tăng trưởng xuất khẩu quý III dự báo ở mức 6,8%. Thâm hụt thương mại ở mức 0,4 tỷ USD. Mức tăng giá tiêu dùng trong quý III là khoảng 1,31%.
“Chính phủ đã không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng năm nay, và như thế là hay bởi nếu cuối năm không đạt được mục tiêu thì khi họp tổng kết mới đánh giá, phân tích xem tại sao không đạt được mục tiêu, tìm giải pháp. Nếu điều chỉnh mục tiêu, cuối năm tổng kết thấy đạt được là vỗ tay”, ông Cung nói.
TS.Lưu Bích Hồ cũng cho rằng, vấn đề đang nằm ở tư duy bởi vẫn đánh giá tình hình theo kiểu “đạt được kết quả khá trong bối cảnh nhiều khó khăn…” , nói thế là đúng nhưng không ổn. “Nhận diện nguyên nhân như thế thì “bốc thuốc không đúng”, và vẫn cứ dùng “liều thuốc” từ nhiều năm nay kiểu tập trung vốn cho tăng trưởng là không ổn. Phải làm sao tăng trưởng dựa vào vốn tư nhân và những nền tảng tăng trưởng là thể chế tốt”, ông Hồ khuyến nghị.
Thảo luận chung tại Hội thảo cho thấy, bộ máy Chính phủ mới đã nhanh chóng bắt tay vào công tác điều hành phát triển kinh tế - xã hội, gắn với thúc đẩy cải cách nền tảng kinh tế. Không khó để nhận diện những chuyển động chính sách. Việc các kết quả kinh tế - xã hội trong quý II chưa đạt được kỳ vọng không làm mờ những nỗ lực của Chính phủ.
Thực tế, quý II chứng kiến những khó khăn, biến động không nhỏ, với sức ảnh hưởng sâu rộng đến kinh tế thế giới và khu vực. Những hạn chế cố hữu trong mô hình tăng trưởng của Việt Nam cũng cần thời gian để có xử lý. Bản thân những kết quả tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vẫn tương đối tốt so với không ít quốc gia trong khu vực.
Chính phủ không nên hướng tới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá mà vẫn nên kiên định với các ưu tiên đề ra về cải cách kinh tế vi mô, giữ gìn và củng cố dư địa điều hành chính sách kinh tế vĩ mô.
Báo cáo cũng cụ thể hóa những kiến nghị về các nhóm giải pháp liên quan đến tiền tệ, tài khóa, thương mại, giá cả - tiền lương. Giải pháp quan trọng nhất cốt yếu nhất là đẩy nhanh việc cụ thể hóa định hướng tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với một chính sách ngành tập trung hơn, phát huy vai trò của đổi mới khoa học – công nghệ và cải thiện năng suất lao động.
Linh Đan
Theo Thời báo Ngân Hàng