Chiều 28/7, Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2014. Nhiều ý kiến lo ngại vấn đề chi ngân sách Nhà nước chưa đảm bảo đúng các quy định của pháp luật và nghị quyết Quốc hội…
Trạm BOT thu gần 2 tỷ đồng báo cáo 1,2 tỷ đồng: Đại biểu Quốc hội đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc
- Cập nhật : 26/07/2016
(Kinh te)
Không chỉ yêu cầu các nhà đầu tư BOT phải làm rõ và minh bạch những gian lận, các đại biểu Quốc hội khẳng định sẽ đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc để trả lời cho cử tri biết về những gian lận trong thu phí BOT.
Trước những bức xúc của dư luận về việc thu phí BOT ở nhiều trạm trên cả nước còn nhiều bất cập, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) cho rằng thực tế của trạm thu phí Pháp Vân – Cầu Giẽ, có mức thu chênh lệch mỗi ngày lên tới 800 triệu đồng, đã cho thấy việc thu phí BOT đang có vấn đề. Chính phủ phải điều tra, làm rõ và quy trách nhiệm, xử lý trong thời gian tới.
Theo đó, Đại biểu Phương cho rằng phải làm rõ những đơn vị liên quan đến xét duyệt dự án, vì việc xét duyệt dự án này là không minh bạch. Đồng thời, việc thu phí chênh lệch như trên cũng đặt ra vấn đề: Liệu có kẽ hở tạo điều kiện cho các BOT luồn lách, từ đó làm thất thoát tiền của Nhà nước, đặc biệt là làm tăng thêm lệ phí đối với người dân khi tham gia giao thông trên các tuyến đường BOT.
Trạm thu phí gian lận, dày đặc là gánh nặng lớn
Bên cạnh đó, đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) chỉ ra thêm một thực tế là quy định hiện nay cho phép cứ 70 km có một trạm thu BOT, nhưng thực tế lại không làm vậy. Điều này dẫn tới người dân phải chịu gánh nặng chi phí, làm cho cạnh tranh của nền kinh tế từ phí vận chuyển, chuyên chở quá lớn, ảnh hưởng tới tăng trưởng.
"Nếu không điều chỉnh thì sau này việc đầu tư BOT không rõ ràng, minh bạch và không kêu gọi được nhà đầu tư. Người dân phải gánh chịu phí quá lớn như vậy sẽ ảnh hưởng đến đời sống cũng như sự phát triển của đất nước" - Đại biểu Phong bày tỏ quan ngại.
Dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội trong năm 2017 cũng đưa ra bốn nội dung, trong đó có việc giám sát hoạt động đầu tư và thu phí BOT hiện nay. Do đó, đại biểu Phương cho biết Quốc hội sẽ có những ý kiến tại Nghị trường, dựa trên các thông tin đại chúng đã phản ánh, yêu cầu phải minh bạch.
"Chúng tôi sẽ buộc các nhà đầu tư BOT phải làm rõ, minh bạch những gian lận của mình và đồng thời các cơ quan chức năng phải vào cuộc, làm rõ, trả lời cho các đại biểu trong vấn đề thực hiện thu phí BOT hiện nay" - Đại biểu Phương nhấn mạnh.
Bởi theo vị đại biểu này, trong vấn đề BOT, ngoài việc báo cáo không trung thực về số thu phí thì còn một điểm mà cử tri cũng như ĐBQH rất quan tâm đó là gian lận trong quá trình lập dự án. Có thể, dự án đó đã được nâng khống lên để yêu cầu phải kéo dài thời gian thu phí.
Theo đó, chương trình giám sát của Quốc hội về hoạt động đầu tư và thu phí BOT sẽ dựa trên cơ sở: Quốc hội có yêu cầu các cơ quan chức năng như kiểm toán, tài chính, các cơ quan của Chính phủ, của Quốc hội sẽ làm rõ vấn đề này.
Giám sát BOT là cần thiết
Mặc dù còn nhiều bất cập song nhiều đại biểu cũng nhấn mạnh BOT là một hoạt động đầu tư rất có ích cho sự phát triển của xã hội, đặc biệt là phát triển cơ sở hạ tầng. Việc đầu tư BOT thời gian qua đã giúp cơ sở hạ tầng có những bước tiến rất vượt bậc, làm cho giao thông phát triển nhanh hơn, tốt hơn, thuận lợi hơn.
Do đó, với những bất cập mà BOT đang bộc lộ liên quan đến chất lượng công trình còn hạn chế, sự thiếu minh bạch trong thẩm tra, thẩm định dự án, thu phí BOT... nhiều đại biểu nhất trí việc giám sát BOT trong chương trình của Quốc hội là cần thiết.
Trước đó, văn bản kiểm tra đột xuất của Tổng cục Đường bộ đối với trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ cho biết đã có sự chênh lệch trong thu phí của trạm này. Theo đó, kết quả doanh thu thu phí 10 ngày tại cao tốc này được công bố là 19,85 tỉ đồng, bao gồm doanh thu thu vé lượt 17,5 tỉ đồng; vé tháng của tháng 7 là 1,7 tỉ đồng và vé quý III là 640,7 triệu đồng. Chia bình quân một ngày trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ thu được 1,985 tỉ đồng.
Trong khi trước đó, báo cáo của Công ty cổ phần Pháp Vân - Cầu Giẽ về công tác thu phí từ khi tuyến này đi vào hoạt động, đến tháng 1/2016, doanh thu thu phí chỉ đạt 41 tỉ đồng/tháng (bình quân là gần 1,4 tỉ đồng/ngày). Đáng chú ý là trong đợt cao điểm Tết Bính thân, doanh thu thu phí lại bị giảm xuống chỉ còn 35,9 tỉ đồng (bình quân chỉ đạt gần 1,2 tỉ đồng/ngày).
Mức chênh lệch trong kết quả kiểm tra của Tổng cục Đường bộ với con số báo cáo của đơn vị đầu tư tại trạm Pháp Vân - Cầu Giẽ đã gây nhiều bức xúc cho dư luận và đặt ra câu hỏi liệu có hay không sự gian lận và yêu cầu phải làm minh bạch với thông tin này.