tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

DNNVV trước cơ hội phát triển

  • Cập nhật : 02/09/2015

(Doanh nghiep)

Làm thế nào để các DNNVV Việt Nam “tương thích” với những tác động của môi trường kinh tế toàn cầu mới? Đây là câu hỏi mà bản thân các DN Việt cũng như những chuyên gia và nhà hoạch định chính sách luôn quan tâm.

Trước vấn đề đó, để giúp các Hiệp hội DN, các DNNVV sẵn sàng trước những thách thức về cạnh tranh thị trường, chuẩn bị trước lộ trình hội nhập, vừa qua, Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với UBND TP. Đà Nẵng tổ chức hội nghị bàn một số vấn đề cải cách thể chế, hội nhập và nâng cao năng lực cạnh tranh của DN trong bối cảnh mới.

cac dnnvv can dau tu bai ban cho hoat dong thuong mai dien tu

Các DNNVV cần đầu tư bài bản cho hoạt động thương mại điện tử

Những thông tin đáng chú ý được đưa ra là Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cố gắng hoàn thành mục tiêu thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015, và Việt Nam đang nỗ lực tham gia vào các hiệp định thương mại mới như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU.

Những động thái này đem đến cho các DN Việt những cơ hội mới để mở rộng thị trường; thu hút vốn đầu tư nước ngoài cũng như đối diện với những thách thức về sự cạnh tranh mới trong chuỗi cung ứng hàng hóa từ các DN bên ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Theo các chuyên gia, trước những thách thức mới, trong lộ trình hội nhập sắp tới các DN Việt, đặc biệt các DNNVV cần có biện pháp chuẩn bị trước sự tác động của môi trường kinh doanh toàn cầu mới và tăng cường khả năng cạnh tranh của DN trong thương mại quốc tế thông qua các công nghệ trực tuyến như thương mại điện tử.

TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, hiện có khoảng 3 tỷ người trên thế giới truy cập internet. Trong năm 2014, có hơn 300 tỷ USD doanh thu thương mại điện tử tại Mỹ và hơn 1.300 tỷ USD doanh thu thương mại điện tử toàn cầu được thực hiện thông qua mạng internet.

Do đó, trong quá trình hội nhập quốc tế, các DN muốn phát triển tốt và thích ứng với môi trường kinh doanh mới thì không còn cách nào khác là phải tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; đặc biệt là ứng dụng và phát triển hệ thống thương mại điện tử vào hoạt động quản lý, điều hành, cung ứng hàng hóa; thanh toán trực tuyến và quảng bá thương hiệu... Có như thế, các DN Việt mới đủ khả năng hội nhập và cạnh tranh được trong môi trường kinh doanh toàn cầu hóa.

Đại diện một DN tại Đà Nẵng chia sẻ, DN này mất 3 tháng để xây dựng website thương mại điện tử phiên bản di động, nhưng chỉ sau 2 tuần những gì DN này nhận được là số giao dịch thành công tăng thêm 30%.

Như vậy, nếu như DN không có sự đầu tư cần thiết cho việc phát triển thương mại điện tử, điều đầu tiên DN nhận được là bỏ lỡ cơ hội kinh doanh, bỏ lỡ một lượng lớn khách hàng mua sắm trực tuyến.

Đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho hay, trong năm 2014, doanh thu từ các giao dịch thương mại điện tử giữa DN với khách hàng tại Việt Nam khoảng 2,97 tỷ USD.

Nói về lợi ích của thương mại điện tử, ông Nguyễn Thanh Hưng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký VECOM cho biết, thương mại điện tử đang mở ra nhiều cơ hội phát triển cho các DNNVV nhờ khả năng cho phép bán hàng 24/7, giảm thiểu chi phí tiếp thị và giao dịch cùng với khả năng mở rộng thị trường ra nước ngoài…

Vậy nên, các DNNVV cần đầu tư vào xây dựng nhận diện thương hiệu trực tuyến để có thể cạnh tranh trong môi trường kinh doanh mới. Với một thương hiệu trực tuyến mạnh mẽ, DN có thể phát triển thành DN toàn cầu, dễ dàng tiếp cận các đối tác và khách hàng quốc tế, đồng thời tăng lợi nhuận trong dài hạn.

 Để nắm bắt cơ hội này, các DN cần xây dựng và phát triển thương hiệu trực tuyến với một tên miền uy tín. Ông Nguyễn Minh Thái, Giám đốc kinh doanh Công ty Mắt Bão Network phân tích, để xây dựng một thương hiệu trực tuyến thành công, lựa chọn một tên miền phù hợp là bước đầu tiên các DN cần ưu tiên.

Có rất nhiều tên miền để lựa chọn, nhưng tên miền .com luôn là tiêu chuẩn nhất được công nhận trên toàn cầu cho hoạt động kinh doanh trực tuyến của mỗi DN.

Ông Thái khẳng định, Công ty Mắt Bão là một trong những DN có thế mạnh trong lĩnh vực cung cấp tên miền, trong nhiều năm qua, DN vẫn luôn khuyến khích DN lựa chọn tên miền .com nhờ tính sẵn có, đáng tin cậy và có mức độ ổn định cao khi sử dụng để xây dựng thương hiệu trực tuyến, đặc biệt khi muốn vươn ra “biển lớn”.

Theo các chuyên gia, hiện hơn 50% trong số 300.000 DN đang hoạt động ở Việt Nam có website riêng, trong số này có khoảng 50 - 60% trang web hoạt động thương mại điện tử, có tích hợp tính năng mua hàng và thanh toán online. Dự báo đến năm 2020 giao dịch thương mại điện tử Việt Nam đạt khoảng 20 tỷ USD.

Do đó, tương lai thương mại điện tử Việt Nam sẽ tăng tốc rất nhanh trong vòng 5 năm tới. Chính vì vậy, trong quá trình hội nhập, các DN muốn lớn mạnh, muốn phát triển bền vững thì không còn cách nào khác là phải có sự chuẩn bị kỹ, tích cực đầu tư ứng dụng và phát triển giao dịch thương mại điện tử vào hoạt động kinh doanh của chính mỗi DN.

(Theo Thời báo Ngân hàng)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục