Giải pháp nào để ngăn chặn tình trạng thâm hụt ngân sách, nợ công đang ngày càng phình ra? Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Phạm Thế Anh, Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, phân tích:
Chuyên gia cao cấp Cao Viết Sinh: Nền kinh tế đối mặt với 4 thách thức lớn
- Cập nhật : 02/10/2015
(Tin kinh te)
Khẳng định về sự hồi phục rõ nét của nền kinh tế, song chuyên gia cao cấp Cao Viết Sinh vẫn nhắc tới những thách thức khiến kinh tế Việt Nam sẽ còn khó khăn trong giai đoạn tới.
Thưa ông, trong các chỉ số kinh tế vĩ mô 9 tháng đầu năm vừa được công bố, đâu là điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam?
Dễ thấy nhất là sự phục hồi khá rõ nét của nền kinh tế, với tốc độ tăng trưởng cao hơn so với kế hoạch đề ra và cao hơn so với dự báo trước đây. Cụ thể, tốc độ tăng GDP 9 tháng đầu năm đạt 6,5%, là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ 4 năm trước. Với kết quả này, dự báo năm nay, tăng trưởng kinh tế sẽ vượt mức 6,5% - mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 5 năm qua.
Ngoài tăng trưởng kinh tế, lạm phát cũng là một chỉ số đáng lưu ý, bởi sau 9 tháng, chỉ số giá tiêu dùng mới tăng 0,4% so với tháng 12 năm trước. Nhưng trái với quan ngại của dư luận, tôi có thể khẳng định, dù chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp, nhưng nền kinh tế Việt Nam không có biểu hiện giảm phát. Nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước cũng đồng tình với quan điểm này.
Chuyên gia cao cấp Cao Viết Sinh cho rằng, kinh tế Việt Nam sẽ còn khó khăn, thách thức trong giai đoạn tới
Không thể là giảm phát khi kinh tế vẫn tăng trưởng khá cao; tiêu dùng trong nước, sức mua và tổng cầu tăng khá mạnh, với tổng mức bán lẻ hàng hóa 9 tháng đầu năm sau khi trừ yếu tố giá vẫn tăng 9,1%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước.
Theo ông, đâu là động lực cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong 9 tháng qua?
Không chỉ là 9 tháng, mà là cả năm, theo tôi, động lực tăng trưởng chủ yếu là sự phục hồi và tăng trưởng cao của sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo; sự tăng nhanh của sản xuất và xuất khẩu của khu vực doanh nghiệpcó vốn đầu tư nước ngoài.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng, tuy giá dầu thô giảm đã làm giảm thu ngân sách nhà nước, nhưng ngay từ đầu năm, chúng ta đã chủ động có giải pháp ứng phó. Trong khi đó, mặt tích cực của việc giá dầu giảm là làm giảm chi phí đầu vào của hầu hết các sản phẩm và dịch vụ, vì vậy có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi của nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô và chủ động kiểm soát lạm phát.
Bên cạnh đó, cũng phải kể đến yếu tố tiêu dùng trong nước, sức mua và tổng cầu được cải thiện nhờ lòng tin vào ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi tăng trưởng kinh tế và lạm phát thấp. Và khá quan trọng, đó là những tác động bước đầu của việc triển khai thực hiện các luật mới được Quốc hội thông qua có liên quan đến cải thiện môi trường kinh doanh, như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư sửa đổi; các hiệp định thương mại tự do (FTA) vừa được ký kết và việc triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh theo Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ.
Kinh tế Việt Nam đang diễn biến theo chiều hướng tích cực, nhưng đây đó vẫn còn những quan ngại về rủi ro, thách thức của nền kinh tế, khi mà kinh tế toàn cầu cũng đang bất ổn. Ông nghĩ sao về điều này?
Đúng là nền kinh tế Việt Nam đang có những diễn biến tích cực, với kinh tế vĩ mô ổn định và từng bước vững chắc, tăng trưởng kinh tế khá cao, dự trữ ngoại hối tăng cao..., nhưng rủi ro, thách thức thì vẫn nhiều.
Dễ thấy nhất là, tuy lạm phát đang ở mức thấp, nhưng lãi suất lại không giảm được, trong khi lãi suất ở các nền kinh tế trong khu vực như Thái Lan, Malaysia... đang ở mức thấp. Điều này sẽ khiến nền kinh tế Việt Nam trở nên kém cạnh tranh hơn, hiệu quả sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp thấp hơn và như thế sẽ tác động tới tăng trưởng kinh tế.
Thách thức thứ hai là kinh tế Trung Quốc có thể sẽ tăng trưởng không như dự báo và điều này sẽ tác động tới kinh tế toàn cầu, làm giảm sức mua của không chỉ thị trường Trung Quốc, mà cả toàn cầu, khiến xuất khẩu của Việt Nam gặp khó khăn.
Thứ ba, dù mới đây, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định không tăng lãi suất, nhưng điều này có thể xảy ra vào cuối năm nay và sẽ tác động tiêu cực tới dòng vốn gián tiếp vào Việt Nam, tạo sức ép lên tỷ giá hối đoái ở Việt Nam...
Thêm một thách thức quan trọng khác, đó là những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, năng lực cạnh tranh sản phẩm của khu vực này còn kém, giá giảm mạnh, thị trường bị thu hẹp, trong khi đây được coi là điểm tựa của nền kinh tế.
Những yếu tố trên cộng thêm những yếu kém nội tại của nền kinh tế sẽ tác động tới kinh tế Việt Nam trong quý cuối cùng của năm, cũng như năm 2016. Tuy nhiên, tôi cho rằng, nếu nỗ lực, chúng ta sẽ chống chọi được với những thách thức này. Trong kế hoạch năm 2016, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã dự thảo mục tiêu tăng trưởng 6,7%. Tôi cho là chúng ta sẽ đạt được mục tiêu này.
Hà Nguyễn
Theo Báo Đầu Tư