Chính dòng vốn ra vào sẽ làm tăng các bất ổn vĩ mô và khi các bất ổn vĩ mô nổi lên đi kèm với các yếu kém sẵn có của nền kinh tế, đặc biệt là tính mong manh dễ đổ vỡ của hệ thống tài chính sẽ tạo nên nguy cơ sụp đổ như những gì đã diễn ra sau WTO.
Giá cao su lao dốc: Trồng nhiều, lỗ nặng, chặt bỏ
- Cập nhật : 05/10/2015
(Thi truong)
Chỉ trong chín tháng đầu năm 2015, với khoảng 740.000 tấn cao su xuất khẩu, ngành cao su Việt Nam bị mất hơn… 40.000 tỷ đồng nếu so với giá bình quân cùng thời điểm vào năm 2011.
Với giá mủ cao su liên tục lao dốc, mỗi năm ngành cao su Việt Nam bị “bốc hơi” hàng chục ngàn tỉ đồng. Doanh thu từ bán mủ không đủ trả chi phí cạo mủ, nhiều hộ cao su tiểu điền phải chặt bỏ cao su để chuyển sang loại cây trồng khác, trong khi các doanh nghiệp hạn chế khai thác và chăm sóc, cắt giảm lao động để tồn tại.
Chặt cao su để trồng điều, khoai mì...
Dẫn chúng tôi tham quan vườn cao su 6 năm tuổi, anh Lê Minh Tùng (Lộc Ninh, Bình Phước) cho biết dù cao su đã đến tuổi cạo mủ nhưng gia đình anh không thu hoạch cũng không đầu tư chăm sóc nữa. “Với giá mủ hiện nay sau khi trừ công thợ, tiền phân bón... không có lời, thậm chí lỗ”, anh Tùng cho biết.
Theo anh Tùng, trung bình 1ha cao su được chăm sóc tốt cho khoảng 60kg mủ nước. Giá bán 6.500 - 6.700 đồng/kg mủ nước, mỗi hecta sau khi trừ tiền công cạo (160.000 - 170.000 đồng), chủ vườn còn lại khoảng 200.000 đồng/lần cạo.
“Cầm chắc lỗ nên những hộ nào không có công nhà đều không khai thác hay chăm bón vườn cây”, anh Tùng giải thích.
Cách đó không xa, hơn 20ha cao su của ông N.L. đã được chặt bỏ, bãi đất đã được dọn sạch cỏ, cho máy cày xới bung để chuẩn bị trồng khoai mì. Ông L. cho biết vườn cây cao su chưa tới tuổi thanh lý, nhưng do giá mủ thấp nên ông quyết định chặt bỏ để chuyển sang trồng khoai mì.
“Mì là loại cây ngắn hạn, lại cho thu hoạch sớm thay vì chờ nhiều năm như các loại cây trồng khác”, ông L. cho hay.
Ông Vũ Văn Bường (thị xã Phước Long) cũng chặt bỏ 2ha cao su 12 năm tuổi để chuyển sang trồng điều, vừa khỏi tốn công và chi phí chăm sóc vừa có khoản tiền kha khá nhờ bán gỗ cao su. Theo ông Bường, tiền bán gỗ cũng được 140 - 160 triệu đồng/ha, một khoản tiền khá lớn.
Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước, thời gian qua trên địa bàn có tới hơn 1.800ha cao su bị chặt bỏ để chuyển sang trồng các loại cây trồng khác, trong đó chủ yếu là hồ tiêu (1.000ha), điều, cây ăn trái... và mục đích khác.
Còn tại Bình Dương, các doanh nghiệp và hộ dân cũng đã chặt bỏ gần 2.400ha cao su do giá mủ xuống thấp.
Cây cao su thành trụ sống trồng tiêu
Hiện tại, nhiều hộ dân tại Đắk Nông tỉa cành, chắn rễ cao su để làm trụ sống trồng tiêu. Ông Đỗ Trọng Hinh (xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức) cho biết vườn tiêu của gia đình được trồng quanh các gốc cao su sống và đang “phát triển tốt”.
“Nhiều người cảnh báo rằng sử dụng cây cao su làm trụ sống hồ tiêu sẽ gây ra nhiều bệnh tật nhưng hiện cây tiêu vẫn phát triển, không có vấn đề gì” - ông Hinh nói.
Theo ông Hinh, trong khi giá mủ cao su quá thấp, giá tiêu lại rất hấp dẫn, lên tới 200.000 đồng/kg nên gia đình ông quyết định sử dụng vườn cây cao su sống làm nọc tiêu thay vì để khai thác mủ. “Giá trụ gỗ tiêu đang đội lên rất cao, trên 200.000 đồng/trụ. Nếu tận dụng cây cao su làm trụ sẽ giảm được hơn một nửa chi phí trồng tiêu”, ông Hinh tính toán.
Tương tự, gia đình bà Phạm Thị Tề (xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức) đã rong tỉa cành của toàn bộ cây cao su trong vườn, chắn rễ và đào hố xung quanh để chuẩn bị trồng tiêu, sau khi tham khảo mô hình của những hộ đi tiên phong.
“Chỉ sau khi cây tiêu cho thu hoạch mới có thể đánh giá được hiệu quả của nó, nhưng trước mắt là giảm được nhiều chi phí chuyển đổi cây trồng mà vẫn có thể giữ được cao su”, bà Tề nói.
Dẫn chúng tôi thăm vườn cao su gần 2ha đang tuổi khai thác của gia đình ông Nguyễn Văn Toản (xã Đắk Búk So) bị bỏ hoang suốt mấy năm nay và đang được rao bán, anh Vũ Văn Tuấn cho biết khi mủ cao su tăng giá mạnh, nhiều người dân ở đây đã dồn hết tài sản vào để trồng cao su.
“Thế nhưng đến thời kỳ khai thác, giá mủ cao su lại xuống quá thấp, không đủ tiền chi trả cho nhân công nên không ai còn mặn mà khai thác nữa”, anh Tuấn nói.
Doanh nghiệp điêu đứng, lao động mất việc
Ông Nguyễn Văn Hiền - Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Krông Búk (Đắk Lắk) - cho biết: “Thời gian qua doanh nghiệp đã tạo điều kiện cho các chủ hộ trồng xen các loại cây lương thực ngắn ngày hoặc các loại cây công nghiệp khác như cà phê, hồ tiêu... trong khoảng 300ha cao su. Dự kiến trong năm tới, chúng tôi sẽ cho trồng xen thêm khoảng 360ha nữa để cho người dân vượt qua những khó khăn hiện tại và yên tâm chăm sóc, phát triển cây cao su”.
Trao đổi với chúng tôi, tổng giám đốc một công ty cao su tại Dầu Tiếng (Bình Dương) thừa nhận đang rất khó khăn do diện tích và sản lượng cao su khá lớn, trong khi giá mủ đang ở mức quá thấp.
“Tiền bán mủ chỉ đủ chi phí duy trì hoạt động, trong khi chúng tôi vừa phải chăm sóc, duy trì vườn cây cao su, vừa phải cân bằng kinh phí nên buộc phải cắt giảm tối đa chi phí hoạt động. Chẳng hạn, trước đây vườn cây được bón phân 2 - 3 đợt/năm nhưng nay rút xuống chỉ còn khoảng một đợt để cầm chừng”, vị này nói.
Ông cũng bày tỏ lo lắng rằng đời sống của công nhân cao su gặp nhiều khó khăn hơn khi các doanh nghiệp thay đổi chế độ cạo mủ.
Thay vì cạo mủ hai ngày một lần (chế độ d2) như trước, hầu hết doanh nghiệp đều áp dụng chế độ ba ngày, thậm chí bốn ngày mới cạo mủ một lần. Nhu cầu cạo mủ cao su giảm xuống, lao động bị cắt giảm, chưa kể thu nhập cũng giảm theo.
“Việc giảm phân bón, công chăm sóc để tiết giảm chi phí chắc chắn năng suất cây cao su cũng giảm theo, về lâu dài lại càng bất lợi”, vị này lo lắng.
Giám đốc một nông trường cao su tại Bình Dương cho biết trước đây lương cho một người thợ cạo mủ cao su khoảng 5,2 triệu đồng/tháng nhưng hiện chỉ còn 2 - 3 triệu đồng/tháng nhưng việc cũng ít nên công nhân bị sa thải hoặc tự nguyện nghỉ việc hàng loạt.
Chẳng hạn, chỉ riêng năm 2014 trên địa bàn này đã có hơn 2.000 lao động tại các công ty, nông trường cao su của Nhà nước nghỉ việc, chưa kể những người cạo mủ thuê cho các vườn cao su tư nhân.
Ông Đinh Vạn Tiến (nguyên Trưởng ban xuất khẩu của Tập đoàn Cao su Việt Nam):
Không nên nóng vội chặt cao su
Thật ra việc cao su giảm giá quá thấp, không bán được đã từng xảy ra nhiều lần trong lịch sử nhưng sau đó sẽ tăng trở lại.
Chúng tôi đã trải qua những giai đoạn khó khăn như năm 1993 và 2001 khi cao su thu hoạch về phải chất đầy trong sân và lối đi của các nhà máy. So với thời đó thì giá cao su hiện nay chưa là gì.
Do đó, người dân cũng không nên phá bỏ diện tích cao su chuyển sang trồng các loại cây khác vì có thể theo chu kỳ cao su tăng giá lại. Một khi kinh tế thế giới hồi phục, giá dầu thô thế giới tăng lên, nhu cầu cao su thiên nhiên cũng tăng lên.
TR.MẠNH ghi
Giá sản phẩm chế biến từ cao su giảm ít
Dù giá cao su thiên nhiên giảm 60 - 70% nhưng giá các loại sản phẩm chế biến từ cao su như vỏ ruột xe, nệm... vẫn ở mức rất cao. Phó tổng giám đốc một công ty sản xuất nệm cho biết không thể giảm giá bán do sợ ảnh hưởng đến... giá trị sản phẩm và bất lợi đến thương hiệu.
Thay vào đó, doanh nghiệp tăng chiết khấu cho các đại lý, nhà phân phối cũng như khuyến mãi với quà tặng có giá trị. Chẳng hạn, mua nệm sẽ được tặng thêm hai cái gối có giá khoảng 1,2 triệu đồng, bộ drap giường 500.000 - 700.000 đồng...
Ông Nguyễn Quốc Anh, chủ tịch Hội Cao su nhựa TP.HCM, thừa nhận các nhà sản xuất hầu như chưa giảm giá cho các sản phẩm có nguồn gốc từ cao su thiên nhiên dù giá nguyên liệu giảm mạnh là do các năm trước doanh nghiệp phải mua cao su với giá rất cao để sản xuất khiến nhiều doanh nghiệp lao đao, không có lợi nhuận trong nhiều năm liền.
Khi giá nguyên liệu giảm mạnh, các doanh nghiệp đều “tranh thủ” tích cóp lãi “để tái đầu tư, hoặc cố gắng thu lại những thất thoát trước kia”.
TRẦN VŨ NGHI