Ngày 31/7, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 7 và nhận định, mặc dù tình hình kinh tế đạt được kết quả tích cực, song vẫn còn những khó khăn vướng mắc cần sớm được tháo gỡ như nông nghiệp, xuất khẩu...
600.000 tỉ đồng bơm ra nền kinh tế liệu có 'lạc đường'?
- Cập nhật : 12/09/2017
Nếu tăng tín dụng lên 20-22% thì 4 tháng cuối năm nền kinh tế sẽ được bơm thêm 600.000 tỉ đồng, điều quan trọng là dòng tiền chảy vào đâu mới thúc đẩy được tăng trưởng.
Ông Ngô Đăng Khoa, giám đốc Toàn quốc Khối Dịch vụ ngoại hối và thị trường vốn HSBC Việt Nam, cho biết nếu nới tăng trưởng tín dụng lên 20-22%, có nghĩa là gần 600.000 tỉ sẽ được bơm thêm vào nền kinh tế trong 4 tháng cuối năm.
Ông Khoa đưa ra nhận định trên trong báo cáo triển vọng kinh tế Việt Nam tháng 9/2017 của ngân hàng HSBC vừa phát hành hôm 11/9.
Hiện tại, thanh khoản tiền đồng của Việt Nam khá tốt, một phần nhờ 160.000 tỉ mà các Kho bạc đang gửi tại các Ngân hàng thương mại.
Nếu thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, theo ông Khoa, Kho bạc sẽ phải đẩy nhanh tốc độ giải ngân, nguồn vốn và lượng thanh khoản tiền đồng giảm đi, sẽ tạo áp lực lớn lên mặt bằng lãi suất để huy động đủ số tiền cần bù vào.
Tăng trưởng tín dụng để đạt tăng trưởng kinh tế
Theo nhóm nghiên cứu, Việt Nam đang kêu gọi tăng mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 18% lên 21% với hy vọng đạt được mức tăng trưởng GDP 6,7% cho cả năm 2017.
Trong nửa đầu năm 2017, nền kinh tế chỉ tăng trưởng 5,7% với mức nợ công cao, các nhà làm chính sách Việt Nam khẳng định muốn đạt được tăng trưởng cao hơn thông qua kênh tín dụng.
Tuy vậy, cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có một thông báo chính thức nào về việc mục tiêu tăng trưởng tín dụng đã được nâng lên.
HSBC tin rằng Việt Nam có thể dễ dàng đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 21% vào cuối năm, tuy nhiên điều này có thể gây ra nhiều thách thức trong bối cảnh tình hình giải quyết nợ xấu vẫn còn chậm và chất lượng tín dụng có thể được tạo ra trong việc đạt được mục tiêu mới.
Hơn nữa, việc phân bổ tín dụng là rất quan trọng vì các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam phải cạnh tranh về vốn với các doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp tư nhân lớn khác.
Không những thế tăng trưởng tín dụng nhanh có thể tạo ra những rủi ro mới cho ngành ngân hàng, đặc biệt nếu tín dụng mới được phân bổ cho các ngành công nghiệp kém hiệu quả.
"Với cơ cấu nền kinh tế Việt Nam, dòng vốn rất dễ chạy vào bất động sản. Mà điển hình là các lĩnh vực liên quan đến bất động sản dường như cho thấy vẫn đang góp phần nhiều nhất cho tổng tăng trưởng tín dụng cả nước mặc dù trong những tháng gần đây thì sự đóng góp của bất động sản đã giảm", ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định trong một hội thảo do HSBC tổ chức gần đây.
Tiền chảy vào doanh nghiệp Nhà nước?
Những nghiên cứu gần đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đều ghi nhận rằng các doanh nghiệp nhà nước hiện đang hấp thụ một lượng tín dụng không cân xứng trong nền kinh tế Việt Nam so với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ví dụ, ở Hà Nội, phần lớn các khoản vay vẫn dành cho các doanh nghiệp nhà nước.
Một nghiên cứu thực nghiệm của IMF cũng cho thấy các doanh nghiệp nhà nước vay với lãi suất thấp hơn so với các doanh nghiệp tư nhân.
Điều này cho phép các doanh nghiệp yếu tiếp cận nguồn vốn ngân hàng để tránh tình trạng thu hẹp bảng cân đối kế toán.
Video: 15 thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng có gì đặc biệt?
Trong khi đó, một cuộc khảo sát của WB về các doanh nghiệp Việt Nam cho thấy chỉ có 29% số doanh nghiệp nhỏ (có từ 1-20 nhân viên) có một hạn mức tín dụng chủ động, trong khi các doanh nghiệp và các công ty lớn trong nước có thị phần tín dụng lớn nhất trên thị trường.
"Dữ liệu cho thấy tăng trưởng tín dụng cao không đủ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Việc phân bổ tín dụng sai lệch và giảm bớt đầu tư tư nhân nếu không được kiểm soát có thể sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP và tăng nguy cơ nợ xấu trong tương lai", nghiên cứu nhấn mạnh.
Ngoài ra, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ giảm trong những năm gần đây phần nào gây hiểu lầm về mức nợ thật sự của các khoản vay có vấn đề trong nền kinh tế.
Nguồn: Tuổi Trẻ, VTC