Giá tour quá cao là nguyên nhân chính khiến khách quốc tế đến VN sụt giảm không phanh trong nhiều năm gần đây.
Ông Vũ Tiến Lộc: 'Thể chế kinh tế Việt Nam sẽ theo chuẩn chung của thế giới'
- Cập nhật : 25/01/2016
(Tin kinh te)
Văn kiện Đại hội Đảng XII đặt mục tiêu xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, song phải theo các chuẩn phổ biến, hiện đại... khiến Chủ tịch VCCI tin rằng lựa chọn thể chế tới đây của Việt Nam sẽ đi chung con đường với nhân loại.
Trao đổi với báo chí bên hành lang Đại hội Đảng lần thứ XII, Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Vũ Tiến Lộc bày tỏ nhiều kỳ vọng vào những thay đổi về thể chế kinh tế trong giai đoạn mới.
- Đại hội lần thứ XII của Đảng đặt mục tiêu nhìn lại quá trình 30 năm Đổi mới. Cá nhân ông cho rằng đâu là thành tựu cũng như tồn tại của giai đoạn này?- Tôi nghĩ một trong những thành công quan trọng của công cuộc Đổi mới là hình thành một đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân ngày càng đông đảo. Việt Nam đã có hơn 500.000 doanh nghiệp và hàng triệu doanh nhân. Chính khu vực này đã đóng góp lớn vào sự phát triển của nền kinh tế, tạo ra công ăn việc làm và ý chí khởi nghiệp. Tinh thần doanh nhân chưa bao giờ cao như hiện nay. Chính điều đó tạo ra động lực cho phát triển.
Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng mục tiêu quan trọng của 5 năm tới là xây dựng được thể chế kinh tế hiện đại, hội nhập. Ảnh: N.M
Về thể chế, chúng ta đang có những nền tảng cơ bản của nền kinh tế thị trường, dù còn những điểm cần phải hoàn thiện, đổi mới cũng như có những bước đột phá như trong nghị quyết đại hội lần này đưa. Phải nói trong những năm qua, các yếu tố manh nha cho làn sóng đổi mới đã xuất hiện như việc thực hiện một số chủ trương đột phá, đẩy mạnh hội nhập quốc tế và tham gia các hiệp định thương mại tự do ở cấp hàng đầu thế giới. Chúng tôi hy vọng những nghị quyết được thông qua tại Đại hội lần này sẽ phát động làn sóng đổi mới thứ hai trong kinh tế Việt Nam, hướng tới thúc đẩy sự nghiệp làm kinh tế của toàn dân.
- Làn sóng Đổi mới lần 2 như ông nói có gì khác trước?
- Tôi nghĩ trong dự thảo văn kiện có một điểm rất quan trọng. Đó là Việt Nam phải xây dựng một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhưng phải theo tiêu chuẩn phổ biến của kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập. Điều đó đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ đi chung con đường của nhân loại trong việc xây dựng thể chế, hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh. Đây là xu hướng chủ đạo của nền kinh tế thị trường.
- Ông có thể chỉ ra những điểm chung nào với thế giới mà Việt Nam có thể lựa chọn?
- Thật ra, chúng ta vẫn đang xây dựng một nhà nước pháp quyền, toàn bộ nhưng khuôn khổ điều hành kinh tế được quy định bởi pháp luật, quyền tự do kinh doanh của người dân được đảm bảo. Chỉ có Quốc hội mới có quyền hạn chế những quyền đó. Việt Nam cũng xác định cần thúc đẩy sự phát triển của khu vực doanh nghiệp tư nhân để trở thành động lực để nâng cao năng lực cạnh tranh. Rồi việc tham gia những hiệp định thương mai tự do ở tầm cao nhất cũng có nghĩa là xác định chơi chung luật của thế giới. Đây là điều rất quan trọng.
Đại hội lần này sẽ tiếp tục thúc đẩy xu hướng Việt Nam phải vươn tới những chuẩn mực cao nhất của thế giới. Kinh tế thị trường là tinh hoa của trí tuệ nhân loại và đã có những thực tiễn tốt. Chúng ta đang hướng tới thực tiễn đó. Các văn kiện cũng nhấn mạnh vai trò của khu vực dân doanh, khu vực tư nhân phải trở thành động lực phát triển của nền kinh tế. Với sức mạnh của người dân, với những tinh hoa của nhân loại, tôi tin là Đại hội sẽ tạo ra động lực cho giai đoạn phát triển sắp tới.
- Một điểm mới trong văn kiện lần này là không đặt ra mốc thời gian cụ thể để trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, mà chỉ yêu cầu đạt được sớm nhất có thể. Việc này nói lên điều gì?
- Tôi nghĩ là trong 5 năm tới, mục tiêu quan trọng hơn là cơ bản xây dựng được một thể chế kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập. Cái đó quan trọng, tạo động lực cho kinh tế Việt Nam phát triển, đạt được mục tiêu kia. Chứ trong 5 năm, chúng ta có trở thành nước công nghiệp hiện đại như mục tiêu 2020 trước đây sẽ là rất khó. Việt Nam cần một chặng đường dài hơn, chưa thể định lượng chính xác, nhất là trong bối cảnh thế giới đang có nhiều biến động hiện nay.
Ngược lại, chúng ta đặt mục tiêu phải hoàn thiện được thể chế kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập. Đấy là quyết tâm rất cao. Nếu làm được thì mục tiêu kia trong dài hạn có thể đạt được.
- Góp ý thêm cho văn kiện, ông sẽ đóng góp điều gì?
- Trước hết, tôi đề nghị bổ sung chỉ tiêu tạo việc làm vào trong báo cáo chính trị và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội thời gian tới. Bởi công ăn việc làm là yếu tố quan trọng nhất trong chiến lược phát triển của các quốc gia. Mà Việt Nam có dân số trẻ, số bước vào tuổi lao động hằng năm rất đông (1,6-1,7 triệu). Thứ hai, chúng ta đang trong quá trình tái cơ cấu mạnh mẽ nền kinh tế, khu vực nông nghiệp hiện có 70% người dân hoạt động và cần được tái cấu trúc theo hướng hiện đại.
Hiện nay, dự thảo văn kiện mới đề cập việc kiềm chế tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị không quá 4%, nhưng tôi đề nghị cần có thêm chỉ tiêu hạn chế tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm ở khu vực nông nghiệp.
Thứ hai, tôi đề nghị đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, phi chủ quản hóa các đơn vị còn lại để giải phóng cho họ khỏi các lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ, thành lập một cơ quan chuyên quản vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp. Tôi muốn yêu cầu đó phải có lộ trình cụ thể, ví dụ như trong thời gian 2 năm tới chẳng hạn.
Nhật Minh - Huyền Thư
Theo Vnexpress