Sáng 8/12, gần 30 doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp do ông Atsuke Kawada, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản tại Hà Nội, làm trưởng đoàn đã đến tìm kiếm cơ hội đầu tư tại tỉnh Hà Nam.
Cổ phần hóa Vinamotor: Vẫn chưa lộ diện nhà đầu tư chiến lược
- Cập nhật : 08/12/2015
(Doanh nghiep)
Sau khi Chính phủ cho phép thoái toàn bộ vốn Nhà nước tại Tổng Công ty Công nghiệp ôtô Việt Nam (Vinamotor), Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt phương án thoái vốn Nhà nước theo lô với 97% số cổ phần Nhà nước hiện có tại doanh nghiệp sẽ được tính là một lô và được định giá khởi điểm là 1.250 tỷ đồng.
Sau khi Chính phủ cho phép thoái toàn bộ vốn Nhà nước tại Tổng Công ty Công nghiệp ôtô Việt Nam (Vinamotor), Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt phương án thoái vốn Nhà nước theo lô với 97% số cổ phần Nhà nước hiện có tại doanh nghiệp sẽ được tính là một lô và được định giá khởi điểm là 1.250 tỷ đồng. Dự kiến việc bán đấu giá sẽ hoàn tất trước ngày 31/12/2015.
Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hải Trung, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinamotor khẳng định, đến thời điểm này, việc thực hiện bán cổ phần theo lô phải đợi cho đến khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước “chốt” tất cả phương án vì không chỉ riêng giá mà còn điều kiện bán… và đồng nghĩa với việc chưa lộ diện được nhà đầu tư chiến lược.
Chưa “chốt” được giá cổ phần
- Vinamotor bắt đầu tiến hành bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) hồi tháng 3/2014 nhưng thất bại. Vậy, ông kỳ vọng gì về phương án thoái vốn lần này?
Ông Nguyễn Hải Trung: Vinamotor bắt đầu tiến hành bán cổ phần lần đầu (IPO) hồi tháng 3/2014. Khi ấy, Nhà nước công bố bán ra 51% cổ phần nhưng chỉ bán được 3,1% số cổ phần, thu về 15,7 tỷ đồng với giá trúng đấu giá bằng đúng mệnh giá là 10.000 đồng/cổ phần.
Sau ngày cổ phần hóa, dù vốn nhà nước ở đây vẫn chiếm đa số nhưng kết quả kinh doanh của Vinamotor đã khởi sắc hơn trước. Cụ thể, lợi nhuận ròng trong giai đoạn từ 30/5 đến 31/12/2014 là 50,5 tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra; còn tính cả năm 2014, Vinamotor lãi 70,4 tỷ đồng so với mức 16,7 tỷ đồng của năm 2013.
Năm 2015, Vinamotor đặt kế hoạch doanh thu 871 tỉ và lợi nhuận trước thuế 72 tỉ đồng. Chỉ tính riêng chín tháng của năm 2015, Vinamotor đã đạt lợi nhuận trước thuế 70,4 tỷ đồng, tổng doanh thu 633,2 tỷ đồng.
Khi Chính phủ cho phép Bộ Giao thông Vận tải thoái toàn bộ vốn nhà nước còn lại ở Vinamotor theo lô, đã có rất nhiều nhà đầu tư gửi văn bản bày tỏ sự quan tâm. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chưa có quy định về phương án bán cổ phần theo hình thức này để doanh nghiệp làm theo nên Bộ Giao thông Vận tải đã phải làm văn bản gửi Thủ tướng đề nghị các bộ ngành liên quan không làm chậm tiến độ bán cổ phần tại doanh nghiệp.
Mãi cho đến ngày 19/11 vừa qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước mới ký quyết định 999 ban hành Quy chế mẫu bán đấu giá cổ phần theo lô tại Sở Giao dịch chứng khoán để Vinamotor và các doanh nghiệp khác thực hiện.
Lô 85,58 triệu cổ phần tại Vinamotor sẽ không được bán với giá khởi điểm như giá trúng đấu giá bình quân hồi tháng 3/2014 mà được định giá lại với mức khởi điểm 14.612 đồng/cổ phần. Như vậy tổng giá lô cổ phần này lên đến 1.250 tỷ đồng.
- Tại sao giá cổ phần của Vinamotor lại có sự chênh lệch so với trước thưa ông?
Ông Nguyễn Hải Trung: Sau 2 năm hoạt động có hiệu quả về doanh thu và lợi nhuận, đơn vị tư vấn thẩm định giá đã xác định lại giá trị doanh nghiệp của Tổng công ty nên giá cổ phiếu có sự điều chỉnh theo hướng tăng lên.
Tuy vậy, mức giá khởi điểm 14.612 đồng/cổ phần vẫn chưa có sự phê duyệt bởi vẫn cònchờ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước “chốt” lại thì mới được đưa ra con số cuối cùng.
Vinamotor đã nộp phương án thoái vốn lên Ủy ban chứng khoán Nhà nước vào đầu tháng 11/2015 vừa qua sau khi đã được Bộ Giao thông Vận tải cũng phê duyệt về mức giá xây dựng khởi điểm 14.612 đồng/cổ phần. Hiện tại, chỉ chờ Ủy ban chứng khoán Nhà nước phê duyệt các điều kiện đấu giá bán như thế nào và “chốt” con số giá cổ phần cuối cùng.
Dòm ngó và chưa lộ diện
- Vinamotor bỗng trở nên đắt hàng khi các đối tác dồn dập bày tỏ nguyện vọng trở thành nhà đầu tư chiến lược. Vậy, Tổng công ty đã có quá trình đàm phán, trao đổi cụ thể với các đối tác để chọn ra nhà đầu tư chiến lược tiềm năng hay chưa?
Ông Nguyễn Hải Trung: Ngay khi có chủ trương bán toàn bộ cổ phần Nhà nước đang nắm giữ tại Vinamotor, đã có bốn doanh nghiệp lớn trong nước đã “xếp hàng” đăng ký và “đánh tiếng” trở thành nhà đầu tư chiến lược tại Tổng công ty nhưng về mặt pháp lý thì không có cơ sở.
Khi nào Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phê duyệt giá cổ phần và niêm yết công khai giá cổ phiếu lên Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội thì mới xuất hiện những nhà đầu tư nào nộp hồ sơ đấu giá. Do đó, đến thời điểm này, vẫn chưa xác định được nhà đầu tư chiến lược.
Nhà đầu tư bỏ ra hơn 1.000 tỷ đồng để mua thì sẽ cạnh tranh nhau để đưa ra mức giá hợp lý nhất. Bản thân các nhà đầu tư, nếu họ muốn mua thật sẽ giấu thông tin để tránh tình trạng bị đội giá lên cao nên Vinamotor cũng không thể biết được doanh nghiệp nào sẽ tham gia mua cổ phần.
Có thể nói rằng, nhà đầu tư đang bảo mật thông tin tối đa và dòm ngó nhau để tham gia mua cổ phần của Vinamotor.
- Ông có lo ngại việc nhà đầu tư sau khi “mua đứt” Vinamotor có cam kết tiếp tục kinh doanh ngành nghề của Tổng công ty hay lại chuyển đổi mục đích sử dụng?
Ông Nguyễn Hải Trung: Bộ Giao thông Vận tải cũng công bố tiêu chí nhà đầu tư tham gia đấu giá là nhà đầu tư tổ chức trong và ngoài nước, có ngành nghề kinh doanh trực tiếp liên quan hoặc hỗ trợ ngành nghề kinh doanh chính của công ty mẹ-Vinamotor.
Mặt khác, nhà đầu tư phải có vốn chủ sở hữu tối thiểu 926 tỷ đồng, không lỗ lũy kế theo báo cáo tài chính tại thời điểm 30/6/2015. Lô cổ phần này không được chuyển nhượng trong 5 năm.
Mỗi một nhà đầu tư quan tâm, nhìn thấy tiềm năng của Vinamotor thì mới mua. Còn tiềm năng chỗ nào thì tùy từng nhà đầu tư, có người vì mục đích khác nhưng phần đa là tạo cơ hội việc làm cho người lao động.
Nhà đầu tư phải phù hợp với tất cả các tiêu chí, phù hợp với quy chế Hội đồng thẩm định năng lực nhà đầu tư. Họ sẽ sàng lọc, đối chiếu các quy định kỹ càng để lựa chọn nhà đầu tư.
Nhà đầu tư phải có yếu tố hỗ trợ cam kết nghành nghề phát triển, quy chế mua cổ phần theo lô này chặt chẽ hơn khi ngày trước chỉ quan tâm đến tài chính nhưng hiện nay đã ràng buộc, loại bỏ bớt nhà đầu tư muốn mua doanh nghiệp nhưng không chú trọng phát triển doanh nghiệp mà làm việc khác.
- Việc thí điểm bán cổ phần theo lô có gặp khó khăn gì không, thưa ông?
Ông Nguyễn Hải Trung: Tôi khẳng định không khó khăn gì bởi bán theo lô tạo điều kiện hấp dẫn nhà đầu hơn, họ nắm quyền kiểm soát doanh nghiệp đồng thời yên tâm đầu tư và có toàn quyền định đoạt. Đây là một hướng đi mới, tích cực, người mua khẳng định quyền làm chủ của họ.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi.
Trước đó, có 4 nhà đầu tư nội ngỏ ý “xếp hàng” mua cổ phần Vinamotor gồm Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển Sacom, doanh nghiệp chuyên sản xuất dây cáp đồng, cáp quang, dây điện từ và vật liệu xây dựng. Công ty Trách nhiệm hữu hạn Motor N.A Việt Nam và Công ty Cổ phần Thành Công Ninh Bình. Công ty cổ phần ô tô TMT-một đơn vị mà chính Vinamotor tham gia góp 21,5% vốn điều lệ.