"Không nên vội vàng, nếu cứ bán tống bán tháo thì sẽ bị thiệt. Nên ta phải thận trọng, cổ phần hóa chậm sốt ruột nhưng cũng không nên bán rẻ..."
Không đổi mới công nghệ, DN Việt Nam tụt hậu
- Cập nhật : 11/06/2016
Thực tế thời gian qua cho thấy, trong tất cả các giải pháp hỗ trợ DN thì phát triển công nghệ tuy đã được chú trọng nhưng diễn biến còn chậm.
DN gặp khó
Năm 2016 được đánh giá là năm của DN. Rất nhiều quyết sách hỗ trợ từ Chính phủ cũng như các bộ ban ngành đều hướng tới đối tượng này như Nghị quyết 35, Nghị quyết 19… nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN.
Chủ tịch HĐQT CTCP Kim khí Thăng Long Phạm Hữu Hùng rất phấn khởi: đây là một sự đổi mới toàn diện của Chính phủ và các ban ngành về nhận thức tầm quan trọng của cộng đồng DN, coi DN là động lực phát triển đất nước. Các DN tin tưởng với các chính sách của Chính phủ và các ban ngành được ban hành thời gian qua sẽ tạo ra một đội ngũ DN có chất lượng, góp phần phát triển đất nước thời gian tới, đưa Việt Nam thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại năm 2020.
Nếu như trước đây nhắc đến nâng cao năng lực, hỗ trợ cho DN phát triển, ta thường đề cập tới vấn đề vốn, lãi suất, thì nay, vấn đề không chỉ nằm ở đó mà điều DN đang lo lắng nhất hiện nay, theo ông Hùng chính là việc mở rộng, khai thác thị trường, cả trong và ngoài nước. Một khi có thị trường, DN sẽ mở rộng được hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.
Tuy nhiên, khả năng am hiểu về thị trường của DN còn hạn chế, công nghệ thiết bị chưa được đổi mới cập nhật nên sản phẩm chưa có tính cạnh tranh cao; trình độ quản lý chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập. Vì vậy, để phát triển bền vững, các DN phải đầu tư đổi mới công nghệ để sản xuất những sản phẩm có giá trị gia tăng cao thì mới có thể cạnh tranh được.
Theo ông Hùng, chính sách của Nhà nước tuy đã thông thoáng, nhưng chưa được triển khai hiệu quả. Do đó, rất mong thời gian tới Chính phủ chỉ đạo các ban ngành đưa Nghị quyết vào thành các kế hoạch thực hiện cụ thể và hướng dẫn DN triển khai.
Không đổi mới công nghệ, DN Việt Nam sẽ chết yểu
Đó cũng là vấn đề mà TS. Lê Xuân Nghĩa - Giám đốc Viện BDI tỏ ra băn khoăn, lo ngại nhất đối với DN Việt Nam trước ngưỡng cửa hội nhập. TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, DN Việt Nam khó khăn nhất là phát triển công nghệ. Mà sức mạnh lớn nhất trong cuộc cạnh tranh hội nhập lại chính là công nghệ.
Trong Nghị quyết 35 của Chính phủ có yêu cầu tăng cường phát triển đầu tư công nghệ nhưng mới chỉ là đưa ra vấn đề. Mà thực tế thời gian qua cho thấy, trong tất cả các giải pháp hỗ trợ DN thì phát triển công nghệ tuy đã được chú trọng nhưng diễn biến còn chậm.
Quỹ hỗ trợ DN khởi nghiệp, quỹ hỗ trợ công nghệ đều triển khai chậm, không hiệu quả. Do đó, nếu chúng ta không vạch ra chiến lược bài bản với những bước đi thích hợp thì cuộc cạnh tranh sắp tới dự báo rất khốc liệt đối với Việt Nam. Bởi theo TS. Nghĩa, ngay cả các nước đối thủ của Việt Nam trong khu vực chưa nói rộng ra khu vực châu Âu, Mỹ… đã bước vào thời kỳ công nghệ hoàn toàn mới.
Chỉ cần tới Thái Lan, Singpore… chúng ta đã thấy rõ sự khác biệt về tư duy công nghệ đối với sự phát triển của DN. Kinh tế Việt Nam trong vòng 5 năm tới nếu không thay đổi về công nghệ cho dù có tìm ra các hạn chế khác của DN trong nước để khắc phục thì họ vẫn sẽ thua thiệt khi hội nhập sâu rộng.
Có một thực tế bất cập tại Việt Nam là trong khi trên thế giới đang tập trung tuyển dụng những người biết sử dụng công nghệ thông tin trong tất cả các ngành công nghiệp, thì tại Việt Nam cán bộ làm công nghệ thông tin lại dư thừa. Do vậy, nhiều ý kiến đề xuất Chính phủ cần cải cách mạnh mẽ tư duy đào tạo phát triển nguồn nhân lực.
Người dân, DN phải nhận ra rằng đổi mới công nghệ là con đường duy nhất để duy trì năng lực cạnh tranh lâu dài. Giám đốc CTCP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Phú Điền Lê Thanh đưa ra dẫn chứng: Có nhiều DN chú trọng đầu tư công nghệ ngay từ ban đầu, nhưng nếu không nắm vững, không có giải pháp triển khai phù hợp thì hiệu quả vẫn thấp. Thực tế có nhiều trường hợp cùng áp dụng một công nghệ, nhưng do mức độ nắm vững khác nhau dẫn đến chênh lệch chi phí đầu tư, chi phí vận hành tăng khoảng 2-3 lần...
“Tất cả các ngành, lĩnh vực đều phải đầu tư phát triển trên nền tảng công nghệ hiện đại thì mới có thể tạo ra sức mạnh mới, tăng khả năng cạnh tranh cho DN Việt Nam trong dài hạn. Còn nếu chỉ loanh quanh điều chỉnh chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ DN thì không thể giúp họ trưởng thành để vươn mạnh ra nước ngoài”, một vị chuyên gia góp ý thêm.
Huy Vũ
(Thời báo Ngân hàng)