Các chuyên gia năng lượng nhận định xu hướng sử dụng than nhập là cần thiết bởi giá rẻ hơn, và quan trọng nhất là giúp phá thế độc quyền ngành than trong nước bấy lâu nay.
Đổi mới công nghệ công nghiệp khai khoáng có trễ hẹn?
- Cập nhật : 08/05/2016
Trong các ngành công nghiệp khai khoáng, công nghệ của ngành khai thác dầu khí Việt Nam được đánh giá là đã tiệm cận trình độ khu vực.
Những bước tiến đáng kể
Theo Bộ Công Thương, trong giai đoạn 2010-2015, Chương trình KH&CN trọng điểm về công nghệ khai thác và chế biến khoáng sản đã thực hiện 69 nhiệm vụ, với tổng kinh phí hỗ trợ từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước là 183,440 tỷ đồng, từ nguồn khác là gần 200 tỷ đồng”.Thực hiện các mục tiêu của đề án “Đổi mới và hiện đại hóa công nghệ trong ngành công nghiệp khai khoáng đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2008, thời gian qua các tập đoàn, tổng công ty lớn của Nhà nước trong lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam đã tích cực đổi mới và có những bước tiến đáng kể trong hiện đại hóa công nghệ. Những bước tiến này đã giúp tăng năng suất lao động, giảm tiêu hao năng lượng, chi phí sản xuất, cải thiện điều kiện lao động, giảm tổn thất tài nguyên khoáng sản và hạn chế NK thiết bị.
Điển hình trong công tác đổi mới công nghệ là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Theo ông Nguyễn Huy Hoàn, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ (KHCN), Bộ Công Thương, thời gian qua Tập đoàn đã dành nguồn lực đáng kể để đầu tư nghiên cứu khoa học, sản xuất thử nghiệm, đổi mới công nghệ, lựa chọn, áp dụng công nghệ phù hợp, tiên tiến, hiện đại của thế giới vào các mỏ như Bạch Hổ, Rạng Đông, Sư Tử Đen... nhằm khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm nguồn tài nguyên dầu khí. Đặc biệt, Tập đoàn đã nghiên cứu, sáng tạo và dần hoàn thiện công nghệ khai thác dầu trong đá móng
granitoit góp phần quan trọng trong khai thác có hiệu quả các mỏ dầu ở thềm lục địa Việt Nam, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, bà Nguyễn Hoàng Yến, Trưởng ban KHCN, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho hay, hàng năm, Tập đoàn dành hàng trăm tỷ đồng từ quỹ phát triển KHCN để nghiên cứu phát triển công nghệ. Các dự án trọng điểm như Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nhà máy đạm Cà Mau... sử dụng nhiều công nghệ mới nhất của các nhà thiết kế công nghệ trong lĩnh vực lọc dầu của thế giới. Liên doanh Việt Nga Vietsovpetro đã đầu tư 250 tỷ đồng/năm để nghiên cứu khoa học và sản xuất thử nghiệm, hơn 340 tỷ đồng cho ứng dụng công nghệ mới nhằm gia tăng hệ số thu hồi dầu và sản lượng khai thác dầu khí.
Tại Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, việc đổi mới, hiện đại hóa công nghệ đã được thực hiện trên tất cả các hoạt động của Tập đoàn như công tác trắc địa và địa chất, khai thác hầm lò, khai thác lộ thiên, sàng tuyển chế biến than – khoáng sản... Tập đoàn đã phê duyệt và thực hiện 10 chương trình KHCN trọng điểm để hiện đại hóa công nghệ. Trong khai thác than, Tập đoàn đã xây dựng các hầm lò mới với độ cơ giới hóa cao, hiện đại, công suất lớn như mỏ than Hà Lầm, Núi Béo, Khe Chàm. Đối với công tác sàng tuyển chế biến than, khoáng sản, các nhà máy có công suất gần 20 triệu tấn/năm được cải tạo và đầu tư công nghệ mới để sản xuất các loại than cám chất lượng tốt để XK và sử dụng trong nước.
Việc áp dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao hiệu quả trong các lĩnh vực khai thác, khoan nổ mìn làm tơi đá, xúc bốc, khai đào, ổn định bờ mỏ cũng đã được Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam thực hiện. Theo đó, các mỏ đá vôi, đất sét lớn công suất trên 1 triệu tấn đá/năm đã được đầu tư xây dựng với dây chuyền hiện đại đạt trình độ cơ giới hóa cao, chấm dứt tình trạng khai thác thủ công.
Cần chú trọng khả năng ứng dụng
Mặc dù đã có những bước tiến đáng kể trong hiện đại hóa công nghệ, tuy nhiên, tự đánh giá về trình độ KHCN so với mục tiêu lớn Chính phủ đề ra, chỉ duy nhất Tập đoàn Dầu khí khẳng định công nghệ của Tập đoàn đã “tiệm cận trình độ khu vực”, trong khi đó Tập đoàn Than - Khoáng sản lại đánh giá chung chung “đổi mới, hiện đại hóa công nghệ đã cơ bản hoàn thành mục tiêu định hướng”. Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam không đánh giá về vấn đề này. Không khẳng định có đạt được mục tiêu đề ra hay không, Bộ Công Thương chỉ nhận định “đầu tư đổi mới công nghệ trong ngành khai khoáng cơ bản phù hợp với mục tiêu, định hướng đã được phê duyệt”. Theo các chuyên gia, xét một cách tổng thể, ngành khai khoáng của Việt Nam chưa đạt được mục tiêu đề ra là đạt trình độ khu vực vào năm 2015 .
Về đổi mới công nghệ trong ngành khai khoáng, TS. Nguyễn Hữu Xuyên, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ, Bộ KH&CN nhận định, nhìn chung, công nghệ sử dụng trong khai khoáng còn lạc hậu, quy mô chưa lớn, quy hoạch còn nhiều hạn chế nên hiệu quả chưa cao. Nguyên nhân là do các DN thiếu vốn và không huy động được vốn, thiếu nguồn nhân lực trình độ cao và môi trường chính sách chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho DN đổi mới công nghệ. Số lượng DN tiếp cận và thụ hưởng chính sách rất ít.
Theo ông Nguyễn Huy Hoàn, hạn chế về nguồn lực tài chính dẫn đến đổi mới công nghệ mới chỉ thực hiện đầu tư ở các cơ sở có điều kiện thuận lợi, có năng lực tài chính. Vẫn còn nhiều DN, đặc biệt là các DN trong lĩnh vực than, khoáng sản rắn có công nghệ, thiết bị lạc hậu, chi phí sản xuất cao, tổn thất tài nguyên lớn. Tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa đồng bộ khai thác hầm lò còn thấp, một số sản phẩm chế tạo trong nước có giá thành cao, tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm công nghệ chính chưa cao. Các giải pháp công nghệ được nghiên cứu, đề xuất trong nhiều trường hợp chưa được áp dụng đồng bộ, rộng rãi nên hiệu quả thấp… Do vậy, các DN cần phải có sự quan tâm và đầu tư nhiều hơn nữa cho các nghiên cứu, đổi mới hiện đại hóa công nghệ.
Dưới góc độ của một đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ công nghệ dầu khí, TS. Nguyễn Văn Ngọ, Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và Dịch vụ kỹ thuật, Tổng công ty Dung dịch khoan và Hóa phẩm dầu khí cho biết, không thiếu các vấn đề thực tế cần được nghiên cứu và không thiếu đất cho ứng dụng thực tế kết quả nghiên cứu, thế nhưng, thời gian qua một khối lượng dịch vụ khá lớn lại rơi vào tay các công ty dịch vụ dầu khí nước ngoài và nhiều đề tài ứng dụng lại chưa hoặc không thể đưa vào ứng dụng. Do đó, để tiêu thụ được các sản phẩm nghiên cứu, ứng dụng, cần bám sát các đơn vị sản xuất để dự báo và phát hiện các vấn đề cần đưa vào chương trình nghiên cứu hoặc đưa vào danh mục dịch vụ cần ưu tiên nghiên cứu. Ông cũng lưu ý, chỉ xin đề tài nghiên cứu lớn sau khi đã thăm dò kỹ và thấy “chắc ăn”, đồng thời, cần chú trọng khả năng ứng dụng nghiên cứu hơn là chạy theo hình thức (như các nghiên cứu lớn, có nhiều cái mới, cái khó kiểm soát), bởi các đơn vị sản xuất rất e ngại những ứng dụng mới gây khó khăn trong kiểm soát những công đoạn khác trong sản xuất.
Hoài Anh
(Theo Báo Hải Quan)