tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Giá dịch vụ y tế, giáo dục sẽ làm tăng lạm phát

  • Cập nhật : 23/04/2016

(Kinh te)

Năm 2015 lạm phát ở mức 0,63%, thấp nhất trong 15 năm qua. Tuy nhiên, chỉ những tháng đầu năm 2016 này, đã có dấu hiệu cho thấy nhiều tác động sẽ làm tăng lạm phát.

anh minh hoa

Ảnh minh họa

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2016 tăng 0,57% so với tháng 2 và 1,69% so với cùng kỳ năm 2015. Đây là diễn biến trái chiều so với mọi năm, bởi thông thường sau 2 tháng nghỉ tết, CPI thường tăng chậm lại. Lý giải về vấn đề này, bà Vũ Thị Thu Thủy, Vụ trưởng Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) cho biết, từ 1/3, giá của 1.887 dịch vụ y tế tăng khoảng 30%. Tiếp đó, vẫn còn đợt tăng giá dịch vụ y tế lần 2 dự kiến vào tháng 7 tới.

“Lạm phát năm 2016 có xu hướng tăng trở lại do việc tăng giá các dịch vụ công như y tế, giáo dục. Ngoài ra, do tác động của thiên tai khiến sắp tới giá lương thực tăng”.

Bà Vũ Thị Thu Thủy

Ngày 20/4, PV có mặt khu vực làm thủ tục bảo hiểm y tế của Bệnh viện Ung bướu Trung ương (Hà Nội)... Đưa chồng đi truyền hóa chất tại bệnh viện Ung bướu, chị Nguyễn Thị Hải (Nam Định) cho biết, bệnh của chồng chị hằng tháng phải đi xạ trị định kỳ. Tiền viện phí và hóa chất được bảo hiểm y tế chi trả 95%, gia đình trả 5%. Chị Hải nhẩm tính, khi chưa tăng viện phí, số tiền nộp mỗi lần khoảng 1 triệu đồng, nay tăng thêm 200 - 300 ngàn đồng/lần nhập viện, tùy vào giá tiền hóa chất từng đợt.

Theo quyết định của Bộ Y tế, từ 1/3, giá dịch vụ y tế tăng, trong đó tăng nhiều nhất là giá khám chữa bệnh và giá ngày giường. Đơn cử: Giá ngày giường nằm bệnh thông thường hạng 1 tăng từ 80 ngàn lên 99 ngàn đồng; bệnh viện hạng 2 tăng từ 65 ngàn lên 80 ngàn đồng. Giá giường nằm điều trị hồi sức tích cực của bệnh viện hạng đặc biệt sẽ tăng từ 354 ngàn lên 677 ngàn đồng/ngày.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, lạm phát đúng là có dấu hiệu tăng so với các năm trước nhưng vẫn trong khả năng kiểm soát. Nguyên nhân chính theo ông Long vẫn là do giá dịch vụ y tế, giáo dục tăng. “Đây là mức tăng để bù đắp chi phí, dần tiến tới cơ chế điều tiết giá theo thị trường”, ông Long nói. Đồng thời nhận định: “Dự báo, tới đây lạm phát có thể tăng do giá lúa gạo biến động, vì thiên tai, mất mùa”. Theo ông Long, giá lúa gạo tăng sẽ khiến giá nhiều nhóm mặt hàng, dịch vụ tăng theo. “Để điều tiết giá lúa gạo, nhà nước nên đưa lúa gạo dự trữ sớm ra thị trường, tránh khan hiếm hàng hóa, giá bị lên cao”, ông Long đề xuất.

(Theo CafeF)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục