Đạt 63,5% dự toán tính cho đến giữa tháng 8/2015, song tình hình thu ngân sách sẽ không "dễ thở" khi giá dầu đang ngày càng giảm.
Gánh ngân sách trên vai DN nặng hay nhẹ
- Cập nhật : 05/05/2016
(Tin kinh te)
Nhiều chuyên gia kinh tế đã nói, câu chuyện DN phá sản hàng loạt trong vài năm gần đây có lý do vì chi phí đầu vào cao, trong đó có gánh nặng thuế phí. Nhưng các chuyên gia tài chính lại khẳng định gánh ngân sách công khai không hề nặng. Gánh nặng mà DN phải gánh là phần chi phí ngầm, những khoản chi phí không chính thức.
Thuế nhẹ
Bộ Tài chính cho biết, theo thống kê, tỷ trọng tổng số thu NSNN trên GDP của Việt Nam giai đoạn năm 2011-2015 khoảng 23,3%, trong đó tỷ lệ động viên từ thuế, phí khoảng 20,9%. “Như vậy gánh nặng thuế phí lên nền kinh tế là không cao”, chuyên gia tài chính, TS.Vũ Đình Ánh khẳng định.
“Hiện Việt Nam có 10 sắc thuế và để thấy gánh thuế có nặng với DN hay không thì phải nhìn vào thuế TNDN. Thuế này, hiện có thuế suất từ 20-22% là không cao”, ông Ánh khẳng định. Ông Ánh cũng nói rằng “Không hiểu lấy đâu ra tỷ lệ 40% lợi nhuận của DN dành cho chuyện thuế - phí, và có vẻ như có sự nhầm lẫn khi mang cả các khoản đóng BHXH, bảo hiểm y tế… vào “gánh nặng đóng ngân sách” của DN”.
Tuy nhiên, ngay cả các khoản thuế, phí mà DN, cá nhân đóng với Nhà nước cũng là khoản huy động của Nhà nước nhằm phục vụ tài chính cho các hoạt động của Nhà nước và mang tính chất hoàn trả gián tiếp.
Đã vậy, trong tỷ lệ 90% thu ngân sách từ thuế và phí, còn có cả khoản thu từ dầu thô, từ quyền sử dụng đất, từ bán nhà thuộc sở hữu nhà nước. Trong đó riêng thu từ dầu thô đang được xếp vào khoản thu từ thuế. Số liệu của Bộ Tài chính cũng cho thấy sau khi loại trừ thu từ dầu thô thì tỷ lệ động viên ngân sách từ thuế, phí tính chung ở Việt Nam khoảng 17,2% GDP. Và nếu tiếp tục loại trừ thu từ tiền sử dụng đất thì tỷ lệ động viên ngân sách từ thuế, phí ở Việt Nam vào khoảng 15,6% GDP.
Về tỷ lệ động viên của các sắc thuế chính, Bộ Tài chính cho biết thuế TNDN đã liên tục được giảm và sẽ giảm nữa. Hiện mức thuế suất phổ thông từ 2014 là 22% và từ 1/1/2016 xuống mức 20% và mức thuế suất ưu đãi là 10% và 17% (mức bình quân chung của 83 nước trên thế giới là 27%; ở Philipine là 30%, Trung Quốc 25%, Malaysia 25%). Như vậy, mức thuế suất phổ thông của Việt Nam là thấp.
Khoản thứ 2, tưởng như DN đóng, là thuế GTGT. Nhưng thực tế loại thuế này do người mua hàng, người sử dụng dịch vụ đóng, DN bán hàng, cung cấp dịch vụ chỉ là người thu và nộp hộ. Thuế này có mức thuế suất phổ thông ở Việt Nam là 10%, trong đó nhiều nước có mức thuế suất từ 12%, 17% đến 25%.
Khoản thuế thứ 3 DN nộp là thuế xuất – nhập khẩu (nếu DN có hoạt động xuất – nhập khẩu), tỷ trọng thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu trong tổng thu NSNN có xu hướng giảm (từ bình quân 9,51% giai đoạn 2005 -2010 giảm xuống còn bình quân 8,31% giai đoạn 2011-2014). Thực hiện các cam kết quốc tế, hàng năm Việt Nam đều thực hiện cắt giảm hàng nghìn dòng thuế xuất nhập khẩu để thực hiện các cam kết quốc tế.
Chi phí nặng
Một khoản nữa, mà người dân và DN nói nhiều, kêu nhiều đó là các loại phí và lệ phí. Ông Ánh giải thích đây là khoản chi phải trả nếu có sử dụng dịch vụ, phí cầu đường, cước vận tải… Nhưng nếu là phí cầu đường và cước vận tải, DN có trả nhưng cũng hạch toán ngược lại vào giá thành sản phẩm, tuy như thế cũng làm giá thành sản phẩm cao thêm. Và theo Luật Phí và lệ phí có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2017, sẽ có 26 khoản phí, 68 khoản lệ phí được bãi bỏ; 45 khoản phí chuyển sang thực hiện theo cơ chế giá.
“Có chăng là chi phí ngầm” ông Ánh đưa ra một lý giải cho thông tin tỷ lệ 40% lợi nhuận của DN dành cho chuyện thuế - phí mà DN phản ánh, chuyên gia phê phán. Ông cũng không ngại ngần nói rằng trong chi phí ngầm.
Ông kể “Khi tôi hỏi DN bất động sản tại sao lại không giảm giá bất động sản. Họ bảo, dự án đầu tư hết nghìn tỷ đồng, nhưng để có dự án đó họ đã mất một khoản chi phí tương đương thế mà về không thể quyết toán được. Vì vậy DN phải phân chia phần phí ngầm đó vào giá bất động sản cộng thêm ít nhất 10% lợi nhuận kỳ vọng DN phải lên giá bán bất động sản đảm bảo thu 2.200 tỷ đồng.
Từ thực tiễn từ DN, ông Ánh chỉ ra 2 chi phí ngầm nổi cộm. Thứ nhất là môi trường, bất kể lúc nào cán bộ môi trường nào cũng đến DN và phạt được về cái tội phá hoại môi trường. Để thoát được cái tội ấy, “thôi thì 50-50 hay bao nhiêu đó là do sự thỏa thuận hai bên”.
Chuyện chi phí ngầm – chi phí không chính thức đâu có gì là mới lạ, nó liên quan đến nạn tham nhũng “đã trở thành bệnh mãn tính”. Ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, theo PCI 2015 vừa công bố, tỷ lệ DN chi trả chi phí này tăng qua các năm, năm 2013 là 50%, 2014 là 64,5% và năm 2016 là 66%. Hơn 11% số DN cho biết khoản này tốn hơn 10% doanh thu của họ. 65% DN cho biết tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho DN.
Diễn biến này cũng đồng chiều với báo cáo PAPI 2015 vừa công bố: Chỉ số “kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” giảm 3% điểm so với năm 2014. “Điểm số càng giảm, mức độ tệ hại càng tăng”, ông Tuấn nói. “Kết quả khảo sát PAPI năm 2015 tiếp tục cho thấy tính chất “kinh niên” của tình hình tham nhũng ở Việt Nam”, PAPI nhấn mạnh.
TS.Vũ Đình Ánh thì kết luận “Như vậy, toàn bộ câu chuyện gánh nặng chi phí không phải ở chỗ DN đóng bao nhiêu cho ngân sách mà là gánh nặng ngầm. Mà gánh nặng ngầm không thể xử lý bằng câu chuyện chính sách được mà phải bằng câu chuyện khác”.
Khảo sát DN thì DN nào cũng phải chi những khoản đấy. Nhưng hỏi đích danh nộp cho ai và nộp bao nhiêu thì chẳng DN nào dám tiết lộ!
TS.Vũ Đình Ánh
Linh Đan
(Thời báo Ngân hàng)