Mô hình này đã mang lại cho các quốc gia cơ hội thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tiếp nhận các tri thức, công nghệ mới, phương thức quản lý hiện đại...
Cuộc cạnh tranh khốc liệt của thị trường bán lẻ
- Cập nhật : 10/01/2019
Chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú nhận định, điểm nổi bật của thị trường bán lẻ Việt Nam năm 2018 chính là sự cạnh tranh. Mặc dù cạnh tranh sẽ đem đến nhiều điểm lợi cho người tiêu dùng, song cũng làm xuất hiện nhiều mảng tối.
Sự cạnh tranh mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, nhưng trong sự cạnh tranh cũng hàm chứa nhiều bất cập. Ảnh minh họa: Quang Phúc.
Thị trường bán lẻ Việt Nam năm 2018 diễn ra tương đối sôi động với nhiều vụ mua bán sáp nhập cũng như sự tăng trưởng mạnh mẽ về quy mô của các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.
Số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, doanh thu bán lẻ hàng hóa năm 2018 ước tính đạt 3,3 triệu tỷ đồng, tăng 12,4% so với năm 2017. Con số này đã phần này chứng minh cho cả một năm tăng trưởng của thị trường bán lẻ.
Ghi nhận sự phát triển của các doanh nghiệp bán lẻ một năm qua, song trao đổi với VnEconomy, chuyên gia Vũ Vinh Phú cho rằng, đó chỉ là một điểm sáng trong bức tranh có nhiều điểm tối.
Đặc điểm nổi bật nhất được ông Phú đúc kết trong năm 2018 về thị trường bán lẻ là sự cạnh tranh. Đó là sự cạnh tranh giữa kênh truyền thống và hiện đại, cạnh tranh giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, cạnh tranh giữa bán hàng trực tiếp và bán hàng online.
"Đối với kênh thương mại truyền thống và hiện đại, doanh số bán lẻ từ chợ đã sụt giảm 30%, trong khi kênh thương mại hiện đại đang có tốc độ phát triển vượt trội. Dù vậy, kênh bán lẻ truyền thống hiện lại chiếm đến 80% doanh số, điều đó cho thấy sự phát triển lệch pha về bán lẻ", ông Phú nói.
Nguyên nhân khiến doanh số các chợ truyền thống sụt giảm trong năm 2018, theo ông Phú, vừa do bản thân các tiểu thương, vừa do chính quyền sở tại. Ông lấy ví dụ, Hà Nội không rót tiền cải tạo chợ nên những chợ trung tâm như Thành Công, Giảng Võ nhếch nhác, giá cả không được niêm yết rõ ràng nên không thể tạo được sức cạnh tranh được.
Một số chợ ở Hà Nội đã cải tạo nhưng đều thất bại như chợ Hàng Da, Ô Chợ Dừa, Cửa Nam, Chợ Mơ... "Bà con tiểu thương bỏ hàng trăm triệu, cả tỷ đồng vào sạp chợ nhưng cuối cùng kinh doanh không hiệu quả nên phải ra ngoài", ông Phú nói.
Trong khi đó, kênh bán lẻ hiện đại đang cho thấy sự phát triển mạnh mẽ khi doanh nghiệp lớn như Vingroup mở hàng trăm cửa hàng tiện lợi Vinmart+ trong vòng một tháng. Các doanh nghiệp nước ngoài như Aoen, Lotte, K-Circle, Co.op Mart... cũng ngày càng thu hút được người tiêu dùng Việt.
"Hà Nội công bố phát triển hàng nghìn siêu thị, trong khi đó 470 chợ không được chú ý, mà chợ vẫn còn sống với chúng ta hàng trăm năm. Đến năm 2030, kênh bán lẻ hiện đại mới chỉ chiếm khoảng 40%, nên vẫn còn đến 60% là chợ, trong đó có những chợ sống với con người suốt đời như chợ Đồng Xuân, chợ Bến Thành, chợ Đông Ba, chợ Tầng Nha Trang. Điều đó cho thấy công tác quản lý đang lệch pha rất lớn", ông Vũ Vinh Phú nói.
Sự cạnh tranh khốc liệt thứ hai trong bức tranh bán lẻ, theo ông Phú, là cạnh tranh giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Theo đó, với lợi thế về vốn, về kinh nghiệm, vị chuyên gia này cho rằng, các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài đã tung ra những chương trình khuyến mại rất mạnh mà doanh nghiệp bán lẻ hiện đại của Việt Nam khó có thể cạnh tranh.
"Bằng chứng là các doanh nghiệp trong nước như Fivimart đã đóng cửa, Phú Thái cũng đã bán. Mặc dù Bộ Công Thương nói rằng, doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài mới chỉ chiếm 17% thị phần bán lẻ hiện đại, nhưng theo tôi và nhiều chuyên gia khác thì chúng ta đã mất 50% thị phần bán lẻ hiện đại vào tay doanh nghiệp nước ngoài. Đấy là chưa kể đến các kênh khác như bán hàng online. Điều nguy hại xảy ra là hàng hóa ngoại sẽ tràn lấn vào thị trường Việt Nam, cạnh tranh với hàng trong nước", ông Phú nói với VnEconomy.
Sự cạnh tranh tiếp theo là giữa kênh bán hàng trực tiếp và bán hàng online. Ông Phú cho biết, mặc dù bán hàng online chỉ chiếm 5-6% doanh số nhưng tương lai sẽ rất phát triển.
Các tập đoàn lớn như Alibaba, Amazon, Adayroi, Tiki... đang phát triển rất mạnh mẽ và kênh bán online đã xâm lấn thị trường bán lẻ trong nước. Từ đó, ông Phú đưa ra lời khuyên, các nhà bán lẻ trực tiếp cần phục vụ người tiêu dùng một cách "tử tế" nếu không muốn thị trường rơi vào tay các doanh nghiệp bán hàng online.
"Có cạnh tranh thì mới có phát triển. Ở khía cạnh nào đó, sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, các kênh bán hàng đều mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, khách hàng sẽ được phục vụ tốt hơn, có nhiều sự lựa chọn hơn. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, bất cập trong bức tranh bán lẻ mà tôi đã nêu. Cần thiết lúc này là sự quản lý sát sao, sự điều hành, định hướng đúng cách từ cơ quan quản lý nhà nước, mà ở đây là Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp trong thời gian tới", ông Phú đúc kết.
Duyên Duyên
Theo Vneconomy.vn