Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 19 phương án sắp xếp doanh nghiệp Nhà nước, trong đó bổ sung 106 doanh nghiệp cổ phần hóa năm 2015 và 109 DN cổ phần hóa giai đoạn 2016 - 2020.
Cân đối lớn nền kinh tế dưới góc nhìn thống kê
- Cập nhật : 30/12/2015
(Tin Kinh Te)
Năm 2015, tăng trưởng đạt 6,68%, năm 2016 đặt mục tiêu tăng trưởng 6,7% là hợp lý và có tính khả thi cao.
Đạt tốc độ tăng trưởng GDP 6,68% trong bối cảnh lạm phát thấp, nền kinh tế Việt Nam trong năm 2015 khẳng định sự phục hồi ngày càng rõ nét. Tuy nhiên, nhập siêu tăng trở lại và thâm hụt ngân sách tiếp tục ở mức cao gây áp lực lên nợ công…
Phân tích vấn đề nêu trên dưới các chuỗi dữ liệu thống kê, ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) lý giải với Thời báo Ngân hàng.
Năm 2015, mặc dù tăng trưởng tiếp tục cải thiện nhưng lạm phát ở mức thấp nhất trong khoảng 15 năm qua. Liệu có vấn đề các chính sách kinh tế đã chưa hợp lý để kích thích tăng trưởng có thể cải thiện hơn nữa?
Thực tế, lạm phát và tăng trưởng có mối quan hệ phi tuyến tính. Có tồn tại ngưỡng lạm phát tác động tích cực đến tăng trưởng. Ngưỡng lạm phát này tùy thuộc vào từng nền kinh tế (quy mô, cơ cấu ngành, cơ cấu chi tiêu, độ mở của nền kinh tế), và trong từng nước thì mỗi giai đoạn phát triển cũng khác nhau.
Đối với Việt Nam, từ cuối năm 2013 đến nay, lạm phát duy trì ở mức thấp. Điều này đã làm nhiều nhà kinh tế lo ngại sẽ tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế lại ổn định ở mức khá và có xu hướng tăng.
Về nguyên nhân, thứ nhất là, mức giá các mặt hàng ở Việt Nam liên tục tăng trong thời gian dài và đã đạt ở mức cao, khó có khả năng tăng cao hơn nữa.
Thứ hai, giá dầu thô trên thế giới từ cuối năm 2014 giảm, dẫn đến giá xăng dầu trong nước giảm làm giảm chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm giảm là cơ hội để giá hàng hóa và dịch vụ giảm. Việt Nam đang tận dụng cơ hội này để thúc đẩy sản xuất phát triển, hạ giá thành sản phẩm, tăng thu nhập và nâng cao đời sống dân cư.
Thứ ba, giá một số mặt hàng chiến lược như điện, nước, dịch vụ giáo dục, y tế, văn hóa… chưa thực sự theo giá thị trường nên tác động thấp đến lạm phát
Ngoài ra, khu vực FDI phát triển mạnh, tăng trưởng của khu vực này cao nhất và cao hơn mức tăng trưởng chung từ 1,5 - 3%; tỷ trọng trong GDP 18%; xuất khẩu chiếm khoảng trên dưới 65% tổng trị giá xuất khẩu. Tuy nhiên, khu vực FDI không phụ thuộc nhiều vào tín dụng trong nước, nên không tác động đến tăng cung tiền vì vậy không tác động nhiều đến lạm phát…
Với nền kinh tế Việt Nam, từ trước đến nay cũng đã có những năm lạm phát thấp nhưng tăng trưởng cao, đó là năm 2000 lạm phát giảm 0,6% nhưng tăng trưởng kinh tế là 6,79%; năm 2001 lạm phát tăng 0,8% song tăng trưởng kinh tế là 6,89%...
Tăng trưởng phục hồi cũng được cho là lý do khiến nhập siêu quay trở lại. Tuy nhiên, nhập siêu của Việt Nam chủ yếu đến từ khối DN trong nước. Phải chăng khối này đã không tận dụng được cơ hội từ hội nhập và nó cũng đặt ra vấn đề về nội lực nền kinh tế?
Khu vực DN (không kể loại hình HTX) đóng góp tỷ trọng khoảng 55% GDP, trong đó DN trong nước chiếm 36%, FDI chiếm khoảng 19%. Như vậy, nhập siêu càng tăng hoặc tăng trưởng thấp của khu vực DN nói chung, DN trong nước nói riêng sẽ làm GDP giảm và ngược lại.
Xét về cơ cấu ngành, DN trong nước chủ yếu hoạt động trong các ngành dịch vụ (thương mại, khách sạn nhà hàng, ngân hàng…) đóng góp tỷ trọng 21% GDP trong tổng tỷ trọng đóng góp 36%. Sản phẩm dịch vụ của các ngành này chủ yếu tiêu dùng trong nước.
DN trong nước sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cũng như sản xuất trong nước là chủ yếu, trong khi nền sản xuất của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào nguyên liệu từ nước ngoài nên DN phải nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất ra sản phẩm và cung ứng cho thị trường nội địa, điều này làm cho nhập siêu của khối DN trong nước tăng.
Hiện tại, DN trong nước còn nhiều hạn chế, bất cập ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Số lượng DN trong nước nhiều, nhưng chủ yếu là DNNVV, hạn chế về đổi mới công nghệ, mở rộng sản xuất; năng lực tổ chức quản lý sản xuất kinh doanh hạn chế; trình độ người lao động; sức cạnh tranh của sản xuất, sản phẩm thấp…
Chênh lệch thu chi ngân sách năm 2015 khoảng 180 nghìn tỷ đồng, so với GDP chiếm khoảng 4,3%. Mặc dù tỷ lệ này giảm so với các năm trước, nhưng trong bối cảnh nợ công gần chạm trần, con số trên vẫn là quá cao. Quan điểm của ông?
Đầu tư trong giai đoạn vừa qua có xu hướng giảm, tỷ lệ đầu tư/GDP giảm mạnh từ 40% giai đoạn trước xuống còn 31-32% trong những năm gần đây, trong khi đó tích lũy (tiết kiệm) của nền kinh tế vẫn duy trì ở mức 29-30% GDP. Điều này đồng nghĩa với việc chúng ta đang đầu tư cơ bản bằng tiền tiết kiệm được, bằng nội lực của nền kinh tế và giảm dần tỷ lệ vay (lệ thuộc).
Trong khi đó, hiệu quả sử dụng đồng vốn tốt hơn, hệ số ICOR giai đoạn 2011 - 2015 khoảng 6,91 trong khi giai đoạn 2006 - 2010 là 6,96. Còn trong giai đoạn 2011 - 2015, ICOR cũng có xu hướng giảm, riêng 2015 khoảng 6,88. Điều này hoàn toàn phù hợp với thực tế, là kết quả bước đầu của chủ trương về việc tái cơ cấu đầu tư, đầu tư có trọng tâm trọng điểm, tránh dàn trải, lãng phí…
Về rủi ro đối với nợ công, giai đoạn 2011 - 2015, tốc độ tăng GDP đạt 5,91%, trong khi đó vốn đầu tư thuộc khu vực Nhà nước tăng 4,66% (theo giá so sánh). Điều đó cho thấy tốc độ tăng của vốn đầu tư thuộc khu vực Nhà nước thấp hơn tốc độ tăng GDP, vì vậy nợ công so với GDP khó vượt ngưỡng an toàn hiện đặt ra.
Một trong những thách thức của kinh tế Việt Nam trong bối cảnh hội nhập hiện nay là năng suất lao động thấp. Nhìn trên các con số thống kê, chúng ta có khả năng cạnh tranh với các nền kinh tế khác?
Nếu nhìn trên các con số thống kê, năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) tăng nhanh và có tỷ trọng đóng góp vào tăng trưởng GDP cao trong những năm gần đây. Giai đoạn 2011 - 2015, TFP đóng góp khoảng 33,4% GDP, trong khi 2006 - 2010 là -4,52%.
Điều này cho thấy đầu tư vào máy móc thiết bị, khoa học công nghệ mới đã phát huy; các khâu, quy trình sản xuất được đổi mới, cải thiện năng suất; trình độ tay nghề của công nhân được cải thiện; và đặc biệt là các cải cách về thể chế kinh tế của Chính phủ đã tạo điều kiện cho các ngành, loại hình kinh tế phát triển: Luật Đầu tư công, Luật DN sửa đổi, giảm các thủ tục hành chính về thuế, hải quan...
Quốc hội đã thông qua mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% cho năm kế hoạch 2016. Tổng cục Thống kê có bình luận gì về tính khả thi của mục tiêu này?
Năm 2015, tăng trưởng đạt 6,68%, năm 2016 đặt mục tiêu tăng trưởng 6,7% là hợp lý và có tính khả thi cao.
Bước vào năm kế hoạch 2016, nền kinh tế nước ta có những thuận lợi và thách thức đan xen. Thứ nhất, năng lực sản xuất của nhiều ngành kinh tế còn dư địa để tăng trưởng cao trong năm 2016. Năm 2015 do ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng kéo dài, hạn hán ở miền Trung và Tây Nguyên; giá cả nông sản thấp nên mức tăng trưởng của ngành nông nghiệp, thủy sản đạt thấp nhất kể từ năm 2011 đến nay, kỳ vọng sang năm 2016 những khó khăn khách quan trên sẽ giảm tạo đà cho khu vực nông nghiệp tăng trưởng cao hơn.
Đồng thời, một số ngành có mức tăng trưởng khá trong năm 2015 như: chế biến, chế tạo; xây dựng; thương mại; ngân hàng… sang năm 2016 vẫn còn dư địa để tiếp tục tăng trưởng cao hơn.
Thứ hai, giá dầu dự báo tiếp tục giảm sẽ ảnh hưởng nhất định đến nguồn thu ngân sách từ dầu thô và các khoản thu có liên quan sẽ giảm; nhưng sẽ làm giảm chi phí đầu vào của hầu hết các ngành kinh tế, giảm giá thành sản phẩm tạo điều kiện để sản xuất phát triển, kích thích tiêu dùng, từ đó các khoản thu từ sản xuất trong nước tăng sẽ bù đắp phần thiếu hụt thu từ dầu thô. Tuy nhiên, nếu giá dầu thô tiếp tục giảm thấp nữa, sản lượng dầu thô khai thác có thể sẽ phải tiết giảm ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.
Thứ ba, tác động của một số chính sách mới ban hành và sắp ban hành trong năm 2016 đến tăng trưởng như: tăng lương cho công chức; điều chỉnh giá dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục; giá điện… Điều này sẽ làm tăng chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá sản xuất, nếu trong giới hạn nhất định sẽ có tác động vào tăng trưởng GDP; ngược lại làm giảm tăng trưởng GDP… Vì vậy, mức tăng trưởng đặt ra cho năm 2016 như vừa qua là có tính khả thi.
Xin cảm ơn ông!
Anh Quân thực hiện
Theo Thời báo Ngân hàng