“Việc chuyển giá là vấn đề bức xúc của xã hội, Quốc hội và cử tri” - Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng.
Nghị định 124/2017/NĐ-CP: Tạo thuận lợi nhưng doanh nghiệp phải thận trọng
- Cập nhật : 19/11/2017
Chính phủ vừa ban hành một nghị định riêng quy định về đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động kinh doanh dầu khí (Nghị định 124/2017/NĐ-CP). Với các quy định vừa chi tiết, chặt chẽ vừa tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư dầu khí Việt Nam khi tham gia vào hoạt động dầu khí quốc tế bảo toàn, phát triển đồng vốn...
Cụ thể hóa mức đầu tư ra nước ngoài
Nghị định 124/2017/NĐ-CP về đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí có hiệu lực từ ngày 01/8/2017, sẽ thay thế Nghị định 121/2007/NĐ-CP và Nghị định 17/2009/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 121/2007/NĐ-CP.
Theo đó, để chuẩn bị đầu tư hoặc triển khai dự án dầu khí tại nước ngoài, nhà đầu tư được phép thành lập hoặc tham gia thành lập công ty điều hành tại Việt Nam, tại nước tiếp nhận đầu tư hoặc tại nước thứ ba theo quy định của pháp luật có liên quan, hợp đồng dầu khí và thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế được chấp nhận chung.
Trường hợp nhà đầu tư quyết định thành lập công ty điều hành nhằm mục đích thay mặt nhà đầu tư tham gia hoặc triển khai dự án dầu khí ở nước ngoài, công ty điều hành sẽ được ghi tên trong giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài.
Công ty điều hành được sử dụng giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài để phục vụ các hoạt động liên quan đến triển khai dự án dầu khí. Nhà đầu tư chịu trách nhiệm về việc triển khai dự án phù hợp với giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài và quy định của pháp luật có liên quan.
Theo quy định tại Nghị định 124/2017/NĐ-CP, nhà đầu tư được chuyển ngoại tệ, máy móc, thiết bị ra nước ngoài để nghiên cứu thị trường, tìm kiếm cơ hội và chuẩn bị đầu tư, trước khi giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài được cấp.
Tuy nhiên, hạn mức chuyển ngoại tệ nhỏ hơn hoặc bằng 500.000 USD và được tính vào tổng vốn đầu tư ra nước ngoài. Nếu nhà đầu tư là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn, thì nếu khoản ngoại tệ chuyển ra nước ngoài vượt quá 500.000 USD thì phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, sau khi có ý kiến của cơ quan đại diện chủ sở hữu.
Nếu khoản ngoại tệ chuyển ra dưới 500.000 USD, thì người đại diện chủ sở hữu trực tiếp tại doanh nghiệp phải có văn bản cam kết bằng văn bản tới các cơ quan đại diện chủ sở hữu về việc chuyển ngoại tệ ra nước ngoài đúng mục đích.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng nêu rõ, kể cả không phải là doanh nghiệp mà Nhà nước nắm 100% vốn, thì cứ chuyển ngoại tệ ra nước ngoài trên 500.000 USD đều phải có sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước.
Ngoài ra, nhà đầu tư được thực hiện các giao dịch trước khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài để tham gia đấu thầu quốc tế hoặc các hình thức bảo đảm khác trước khi tiến hành đàm phán chính thức với đối tác, như đặt cọc, ký quỹ hoặc các hình thức bảo lãnh khác… Tuy nhiên, giá trị giao dịch này phải nhỏ hơn 2 triệu USD.
Trong trường hợp lớn hơn 2 triệu USD, mà lại là của doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn thì phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận sau khi có ý kiến của cơ quan đại diện chủ sở hữu.
Doanh nghiệp cần thận trọng
Tính đến ngày 31/12/2015, riêng lĩnh vực dầu khí, Việt Nam đã có 28 dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, với tổng mức đầu tư ra nước ngoài là 7.990,9 triệu USD. Trong đó, 17 dự án đang hoạt động và 11 dự án tìm kiếm thăm dò đã, hoặc đang thực hiện việc chấm dứt do hoạt động tìm kiếm thăm dò rủi ro cao.
Hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam đã tích cực thực hiện công tác đầu tư tìm kiếm thăm dò dầu khí ra nước ngoài phù hợp với Chiến lược, Kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. So với thực tiễn, hoạt động đầu tư tìm kiếm thăm dò dầu khí ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang giữ ở mức “vừa phải”, đồng đều cả về chiều rộng lẫn chiều sâu và bước đầu có hiệu quả.
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, do nhiều nguyên nhân, các dự án đầu tư vào các mỏ dầu ở nước ngoài của Việt Nam có chi phí cao và rủi ro lớn. Trong khi đó, các mỏ dầu khí ở Biển Đông - ngay trên "sân nhà" thì chúng ta lại phải liên doanh đầu tư và phân chia sản phẩm với nước ngoài.
Vì vậy, để đảm bảo an toàn đồng vốn đầu tư, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp dầu khí đầu tư ra nước ngoài thuận lợi thì việc sửa đổi, bổ sung các quy định mới là hết sức quan trọng trong bối cảnh hiện nay.
Theo nhận định của một số chuyên gia, các quy định tại nghị định được Chính phủ ban hành là khá chi chi tiết, chặt chẽ và tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư dầu khí Việt Nam khi tham gia vào hoạt động dầu khí quốc tế.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn tài chính của các doanh nghiệp chưa dồi dào, cùng với những diễn biến bất định của kinh tế thế giới thì các doanh nghiệp cần hết sức thận trọng và tính toán, cân nhắc khi đầu tư ra nước ngoài.
Chính vì vậy, các chuyên gia cho rằng, đây là thời điểm cần thiết để rà soát, bổ sung chiến lược phát triển (bao gồm quan điểm, định hướng, mục tiêu phát triển theo hướng thích nghi với tình hình thay đổi nhanh trong lĩnh vực dầu khí). Đồng thời, đây là giai đoạn cần đặt vấn đề hiệu quả toàn chuỗi hoạt động dầu khí và nâng cao năng lực hoạt động của toàn hệ thống lên trên hết.
Theo Tapchitaichinh.vn