Chiều 9/9, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Đoàn doanh nghiệp Hoa Kỳ do Đại sứ Hoa Kỳ tại Singapore Kirk Wagar làm Trưởng đoàn đang thăm làm việc tại Việt Nam.
Bệnh viện tư phát triển, hạn chế “chảy máu ngoại tệ”
- Cập nhật : 10/09/2015
(Tin kinh te)
Cả nước hiện có 174 bệnh viện tư nhân, với định hướng phát triển đúng đã từng bước đáp ứng được nhu cầu của người bệnh. Nỗ lực của khối y tế ngoài công lập đang góp phần hạn chế “chảy máu ngoại tệ” theo người dân ra nước ngoài khám chữa bệnh.
Nỗ lực hạn chế “chảy máu ngoại tệ” khám chữa bệnh ra nước ngoài
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết: “Hệ thống khám chữa bệnh trên cả nước hiện có 1.340 bệnh viện, trong đó bệnh viện ngoài công lập là 174. Dù chỉ chiếm hơn 10% trong hệ thống khám chữa bệnh, tuy nhiên các bệnh viện ngoài công lập đang được đầu tư bài bản từ cơ sở hạ tầng, trang thiết bị đến các dịch vụ chuyên môn, kỹ thuật, đủ sức đáp ứng nhu cầu của mọi tầng lớp nhân dân.”
Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ Y tế trong thời gian gần đây, ước tính mỗi năm người Việt ra nước ngoài khám chữa bệnh với tổng chi phí hơn 2 tỷ USD. Để con số này ở lại Việt Nam cần phải tăng niềm tin và sự hài lòng của người bệnh dành cho hệ thống y tế hiện nay, đặc biệt là hệ thống ngoài công lập.
Minh chứng cho khả năng đáp ứng đa dạng nhu cầu của người bệnh, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh chỉ ra, hệ thống bệnh viện tư nhân đang có phân khúc thị trường khác nhau. Những bệnh viện tập trung vào đối tượng khách hàng cao cấp như Bệnh viện Pháp – Việt (FV), Bệnh viện Vinmec hay bệnh viện lựa chọn phân khúc khách hàng bậc trung như chuỗi hệ thống bệnh viện, phòng khám của Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ. Để thu hút được khách hàng, hệ thống bệnh viện tư luôn chăm sóc tận tình, chu đáo, xem người bệnh là “thượng đế”.
Với hệ thống chụp kỹ thuật số xóa nền DSA, MSCT 64 lát, C-Arm, MRI – cộng hưởng từ, dàn phẫu thuật nội soi,… hiện đại, bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, trung bình mỗi ngày thu dung khoảng 1.200 bệnh ngoại trú, hơn 180 ca nội trú. Cũng như các lĩnh vực đầu tư, kinh doanh khác, hệ thống bệnh viện tư nhân đang nỗ lực thực hiện bài toán kinh tế vĩ mô để không bị thua trên sân nhà, hướng đến mục tiêu “người Việt dùng hàng Việt” để không lãng phí đầu tư xã hội và tối ưu hóa được khối lượng tài sản lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.
Chiến lược phát triển đúng giúp bệnh viện tư thành công
Để thu hút được người bệnh, các bệnh viện tư nhân luôn tìm hiểu nhu cầu của cộng đồng, đáp ứng từ thái độ chăm sóc, phong cách phục vụ, đặc biệt là trình độ chuyên môn, khả năng điều trị bệnh lý phức tạp, ứng dụng kỹ thuật y tế cao như phẫu thuật, can thiệp tim mạch, thần kinh sọ não, ung thư,… Do vậy, chiến lược dài hạn của hầu hết các bệnh viện tư đều đi theo hướng phát triển chuyên sâu.
TS.BS. Lê Quốc Sử, Tổng giám đốc Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ chia sẻ: “Sau hơn 18 năm phát triển tại Việt Nam, với cam kết “xem người bệnh là thượng đế” hệ thống Hoàn Mỹ đã bước đầu vượt qua những thách thức về quản trị và tài chính của các đơn vị y tế tư nhân mới thành lập. Hiện nay, với 7 bệnh viện, phòng khám hoạt động tại các thành phố lớn trên cả nước (TP.HCM, Đà Nẵng, Biên Hòa, Cần Thơ, Cà Mau, Đà Lạt), chúng tôi vẫn tiếp tục không ngừng cải tiến chất lượng, đào tạo chuyên môn, đầu tư theo hướng đa khoa và chuyên sâu, đặc biệt về tim mạch, thần kinh, cơ xương khớp, tiêu hóa, sản phụ khoa…
Theo TS Quốc Sử: “Bệnh nhân có quyền được đòi hỏi và thụ hưởng dịch vụ y tế ngày càng an toàn hơn, hiệu quả hơn, nhanh hơn và chi phí hợp lý hơn của hệ thống y tế. Do đó chúng tôi vừa “chạy”, vừa nhìn lại mình, và quan sát bạn bè trong nước cũng như quốc tế để có chiến lược phát triển phù hợp và bền vững bằng chiến lược triển khai khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, mức thu viện phí hợp với túi tiền của giới trung lưu.”
Câu chuyện đầu tư và phát triển hệ thống y tế tư nhân hiện đang được người dân lẫn giới đầu tư theo dõi với mục tiêu lớn nhất là vai trò “thượng đế” của người bệnh được thực sự công nhận và thực thi. Từ đó, niềm tin vào hệ thống y tế Việt Nam mới được gia tăng cũng như những nỗ lực của Nhà nước, với vai trò dẫn dắt, định hướng của Bộ Y tế trong thời gian qua mới phát huy hết hiệu quả.