tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

M&A 2017: Âm thầm và quyết liệt

  • Cập nhật : 01/06/2017

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế và sự khởi sắc của thị trường tài chính, hoạt động mua bán sáp nhập (M&A) doanh nghiệp chính là cách để nền kinh tế phân phối lại các nguồn lực hiệu quả hơn.

Số liệu năm 2016 cho thấy giá trị M&A tại Việt Nam đạt hơn 6 tỷ USD, những tháng đầu năm 2017 chưa có số liệu thống kê chính thức về giá trị các thương vụ M&A lớn, nhưng theo các chuyên gia con số này không hề nhỏ và đang lặng lẽ diễn ra.

Nước ngoài đang thâu tóm

Năm 2016 xuất hiện hàng loạt vụ M&A đình đám. Điển hình trong số đó là thương vụ Central Group (Thái Lan) mua lại BigC Việt Nam với giá 1,14 tỷ USD, với tham vọng chi phối ngành bán lẻ Việt. Trước đó 1 vụ chuyển nhượng lớn khác là METRO Cash & Carry Việt Nam được bán cho TCC Holdings của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi, trị giá thương vụ ước tính 430 triệu USD.

Nhiều doanh nghiệp nước ngoài chưa tham gia thị trường bán lẻ tại Việt Nam do giá thuê mặt bằng cao. Vì thế, phương án tốt nhất để thâm nhập thị trường là thông qua M&A, thông thường qua việc liên doanh với 1 doanh nghiệp Việt Nam. Năm 2017 được kỳ vọng sẽ xuất hiện các thương vụ lớn.

ÔngAlex Crane,
Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam

Theo Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), tổng giá trị các thương vụ M&A trong 7 tháng đầu năm 2016 tại Việt Nam đạt 3,5 tỷ USD, tăng hơn 28% so với cùng kỳ năm 2015. Ước tính sơ bộ tổng giá trị các thương vụ M&A và có tính chất M&A năm 2016 tại Việt Nam đạt trên 6 tỷ USD.

Trước đó, năm 2015 Việt Nam có 341 thương vụ M&A với tổng giá trị đạt 5,2 tỷ USD. Có thể nói năm 2016 hoạt động M&A diễn ra rất sôi động. Nguyên nhân do ảnh hưởng từ hoạt động M&A trên thế giới đạt mức kỷ lục trong năm này.

Tuy nhiên, yếu tố chính thúc đẩy hoạt động M&A tại Việt Nam là sự phục hồi và chuyển dịch của nền kinh tế. Những quy định mới trong chính sách đầu tư nước ngoài như nới room tỷ lệ sở hữu đã khiến thị trường M&A trở nên hấp dẫn.

Bên cạnh đó, môi trường vĩ mô Việt Nam dần ổn định, Chính phủ cũng đưa ra nhiều cam kết mạnh mẽ trong việc cải cách doanh nghiệp nhà nước, thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Vì vậy, Việt Nam đã thu hút được làn sóng vốn đầu tư khá lớn từ Thái Lan, Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc…

Xét về số lượng trong thời gian qua, các thương vụ M&A giữa doanh nghiệp trong nước chiếm đa số với trên 60%. Tuy nhiên, giá trị các thương vụ chuyển nhượng này chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ quanh mức 100 tỷ đồng.

Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đóng vai trò quan trọng với các thương vụ quy mô lớn từ 30 triệu đến trên 100 triệu USD. Các doanh nghiệp Thái Lan tấn công vào thị trường bán lẻ Việt Nam với những thương vụ M&A lớn vào Nguyễn Kim, Metro, Big C; trong khi doanh nghiệp Singapore mua các doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng không, xăng dầu, dược phẩm; còn doanh nghiệp Trung Quốc, Đài Loan lại yêu thích các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản.

Đầu năm 2017, một số vụ M&A được quan tâm như việc ông Bùi Nhơn, Chủ tịch Novaland, bày tỏ ý định muốn đầu tư vào Sacombank nhưng bất thành. Trong giới bất động sản cũng có nhiều thương vụ M&A đáng chú ý là việc Quốc Cường Gia Lai đang hoàn tất việc bán dự án Phước Kiển cho CTCP Sunny Island, với giá trị chuyển nhượng lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Một vụ M&A khác là Công ty tài chính cổ phần Vinaconex - Viettel (VVF) đã chính thức sáp nhập vào Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB).

Đa dạng các loại hình

Thống kê năm 2016 cho thấy M&A trong ngành bán lẻ, tiêu dùng diễn ra sôi động và chiếm tỷ lệ tới 38,46% tổng giá trị. Điển hình trong số đó là các thương vụ M&A từ các công ty của Thái Lan.

Theo đó, ngoài việc Central Group mua lại BigC Việt Nam và mua 49% cổ phần của Nguyễn Kim, một số thương vụ có nhà đầu tư Thái Lan nổi bật khác là Singha mua Masan Consumer Holdings (25%) và Masan Brewery (33,3%) với tổng giá trị 1.100 tỷ đồng; TCC Holding mua Metro Vietnam Cash&Carry với giá 430 triệu USD… Một thương vụ M&A trong ngành bán lẻ đáng chú ý khác là việc Vingroup mua lại hệ thống siêu thị Maximark, tuy không được tiết lộ giá trị nhưng theo giới chuyên môn đây cũng là thương vụ lớn.

Bán lẻ được xem là ngành rất tiềm năng ở Việt Nam với thị trường trên 90 triệu dân. Hơn nữa, với thu nhập ngày càng tăng, xu thế tiêu dùng của Việt Nam đang thay đổi nhanh chóng. Người dân đô thị chuyển dần việc mua sắm từ chợ truyền thống, cửa hàng sang các siêu thị, trung tâm mua sắm lớn. Vì vậy, trong những năm qua tăng trưởng của ngành hàng này luôn ở mức rất cao và thu hút nhiều nhà đầu tư mới.

Tuy vậy, cũng có nhà đầu tư đã phải ra đi bởi làm ăn thua lỗ hoặc đã đạt được mục tiêu lợi nhuận. Thay vào đó là những nhà đầu tư mới với chiến lược mới và lợi thế mới. Trước đây doanh nghiệp bán lẻ trong nước thường lép vế trước doanh nghiệp nước ngoài, nhưng hiện nay cán cân đang dần thay đổi. Đại gia mới nổi Vingroup đã đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng vào chuỗi bán lẻ của mình sau khi M&A với một số doanh nghiệp trong nước.

Ngoài bán lẻ, ngành hàng khác cũng thu hút được sự quan tâm của giới đầu tư là thực phẩm và đồ uống. Đây là ngành trong thời gian qua có tốc độ tăng trưởng rất mạnh. Xu thế M&A trong ngành này nhằm mở rộng hoạt động và kết hợp để gia tăng chuỗi giá trị. Trước đây Masan đã sử dụng chiến lược M&A để thâu tóm nhiều doanh nghiệp trong ngành này, nhưng xem ra nhiều doanh nghiệp nước ngoài cũng đang có ý định thâu tóm lĩnh vực này. Những doanh nghiệp có tiếng trong nước như Sabeco, Habeco, Vinamilk, Tân Hiệp Phát… dự báo sẽ thu hút nhà đầu tư nước ngoài là các tập đoàn lớn từ Hoa Kỳ, châu Âu và Nhật Bản.

M&A trong ngành năng lượng cũng rất đáng chú ý. Tiêu biểu là thương vụ doanh nghiệp Nhật Bản JX Nippon Oil & Energy mua lại 10% Petrolimex, Koizumi mua lại 23% CTCP QH Plus, Saisan Stock Company mua 51% CTCP Tập đoàn Dầu khí An Pha. Động thái này của các doanh nghiệp Nhật Bản được cho là bước đi nhằm tìm kiếm thị trường tiêu thụ mới. Trong lĩnh vực tài chính, sau một thời gian hoạt động M&A diễn ra sôi động, gần đây đã trở nên khá trầm lắng.

Theo ghi nhận trên thị trường, ngoài thương vụ Vietcombank ký thỏa thuận ghi nhớ bán 7,73% cổ phần cho đối tác chiến lược GIC (Singapore), không có thương vụ M&A lớn diễn ra trong thời gian qua. Đây được xem là điều bất thường, bởi ngân hàng vẫn đang được xem là ngành cần phải tái cấu trúc một cách mạnh mẽ.
 

thuong hieu nguyen kim da duoc mot doanh nghiep thai lan thau tom.

Thương hiệu Nguyễn Kim đã được một doanh nghiệp Thái Lan thâu tóm.


Bùng nổ trong 2017?

Mới đây, EuroCham đưa ra nhận định hoạt động M&A tại Việt Nam sẽ còn tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong năm 2017, có thể bùng nổ trong năm 2018. Theo giải thích của EuroCham, đây là thời điểm nhà đầu tư nước ngoài tìm cách vào Việt Nam để có thể tận dụng cơ hội tăng trưởng nhanh của nền kinh tế và các chính sách đang ngày càng cởi mở.

Theo đó, Luật Đầu tư 2014 và Luật Doanh nghiệp 2014 là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển của khung pháp lý dành cho hoạt động M&A ở Việt Nam. Bên cạnh đó, việc nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa của nhà đầu tư nước ngoài tại các công ty đại chúng từ mức 49% lên đến 100%, cũng là cơ hội lớn cho nhà đầu tư nước ngoài.

Những nhận định của EuroCham khá sát với thực tế đang diễn ra. Trong những năm vừa qua, tổng giá trị các thương vụ M&A không ngừng tăng và hiện nay xu hướng này vẫn đang tiếp diễn. Cho đến nay dù chưa có nhiều vụ M&A đáng chú ý trong ngành ngân hàng, nhưng với động thái bộc lộ chưa rõ ràng thời gian qua, dự báo M&A trong ngành tài chính sẽ diễn ra mạnh mẽ trong thời gian tới.

Xu hướng M&A năm 2017 còn diễn ra ở nhiều lĩnh vực khác, khi nhiều doanh nghiệp nhà nước lớn thuộc các ngành như năng lượng, cơ sở hạ tầng và viễn thông sẽ tiến hành cổ phần hóa. Đặc biệt, với chủ trương xử lý nợ một cách mạnh mẽ, thị trường mua bán nợ hứa hẹn sẽ có những bước phát triển mới. Điều này đồng nghĩa với việc quá trình M&A dự án, doanh nghiệp cũng sẽ diễn ra mạnh hơn. Đây là một trong những lực hấp dẫn để thu hút các dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào thị trường Việt Nam.

Một trong những lực hấp dẫn không thể không nhắc đến là dòng vốn đầu tư có thể đổ vào các start up sẽ diễn ra mạnh hơn. Cứ mỗi năm, các thương vụ rót tiền vào doanh nghiệp tăng lên gấp đôi cả về giá trị lẫn số lượng. Hiện có 4 lĩnh vực được nhà đầu tư quan tâm nhất là thương mại điện tử, truyền thông, tài chính trên nền tảng công nghệ (fintech), giáo dục trên nền tảng công nghệ (edtech). Việc nhà đầu tư chú ý đến nhiều doanh nghiệp start up cũng là cơ hội không nhỏ đối với nền kinh tế và cộng đồng khởi nghiệp ở Việt Nam.

70% số người tham gia khảo sát dự đoán trong 12 tháng tới hoạt động M&A sẽ ở trong tình trạng “nhiều người mua hơn người bán”. Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước sẽ là nguồn cung cấp chính cho các thương vụ đầu tư. Với chủ trương hiệu quả và minh bạch, các hoạt động cổ phần hóa trong năm 2017 được kỳ vọng tập trung vào chất lượng hơn là số lượng. Quỹ đầu tư tư nhân nước ngoài tiếp tục đứng đầu danh sách về cạnh tranh trong các giao dịch M&A.

Grant Thornton Vietnam

 

Minh Xuân
Theo Sài gòn đầu tư tài chính

Trở về

Bài cùng chuyên mục