Chiều 6/6, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Liên đoàn công nghiệp Cộng hòa Czech và Đại sứ quán Cộng hòa Czech tại Việt Nam tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp Việt - Czech
Chủ tịch Quốc hội: Không nước nào quản lý nợ công giống Việt Nam
- Cập nhật : 30/05/2017
Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng nhất thiết phải giao một đầu mối quản lý, chịu trách nhiệm về nợ công, thay vì phân tán, cắt khúc cho 3 cơ quan như hiện nay.
Tham gia tại buổi thảo luận tổ chiều nay (30/5) về dự án Luật nợ công (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, tồn tại lớn nhất về quản lý nợ công hiện nay đó là có tới 3 cơ quan cùng quản lý. “Một người đi đàm phán đi vay, một người phân bổ số nợ vay, một người đi trả nợ. Đây là điểm bất hợp lý mà chẳng quốc gia nào giống như chúng ta”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng sự phân tán đầu mối quản lý nợ công đang là bất cập lớn nhất cần sửa. Ảnh: H.T
Chủ tịch Quốc hội phân tích ở các nước, Bộ Tài chính thường là cơ quan được cử tham gia sự kiện của các tổ chức quốc tế như WB, IMF, ADB..., vốn là đầu mối của các khoản vay ODA. Trong khi ở Việt Nam, cơ quan đại diện này thường là Ngân hàng Nhà nước. Khi vay vốn về thì trách nhiệm phân bổ, quản lý, trả nợ lại có vai trò của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Tài chính...
Điểm tồn tại này, theo nhận xét của bà Ngân, là “nói mãi không sửa được bởi “cái gì ai đã làm quen rồi không ai buông, họ khó nhả ra lắm”. Và dự thảo Luật quản lý nợ công lần này vẫn phân giao trách nhiệm quản lý nợ công cho 3 cơ quan: Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch & Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nếu điểm bất cập này được sửa, thu gọn lại theo hướng một đầu mối duy nhất quản lý, chịu trách nhiệm thì sẽ là “một cuộc cách mạng”.
Cần giao cho một đầu mối duy nhất quản lý, chịu trách nhiệm về nợ công cũng là quan điểm của nhiều đại biểu khi thảo luận về dự luật này.
Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho rằng, theo tờ trình dự thảo, Chính phủ đề nghị để nguyên để không xáo trộn bộ máy, nhưng nếu để nguyên 3 đầu mối thì sẽ rất hạn chế trong quản lý và bị động trong quản lý nợ.
Vị đại biểu dẫn chứng, thể hiện rõ nhất là ODA, Bộ Kế hoạch & Đầu tư là nơi tổng hợp của các bộ, ngành, chưa gắn với trách nhiệm quyết định chi, quyết định vay với trách nhiệm trả nợ.
Ông Hàm cho rằng, nếu như dồn 3 cơ quan này về một đầu mối quản lý nợ công thì không những giảm được biên chế, giảm thủ tục hành chính, giảm phiền hà mà đàm phán nợ công cũng trở nên thuận lợi. Khi đó, cũng sẽ có được bức tranh tổng thể của nợ công bao gồm cả nợ trong nước và ngoài nước, chứ không phải là phân mảnh rồi ghép lại như bây giờ.
Dẫn ví dụ thực tế trong quá trình thực hiện kiểm toán Nhà nước về nợ công, đại biểu Hồ Đức Phớc (Nghệ An) – Tổng kiểm toán Nhà nước cho biết, cơ quan kiểm toán gặp nhiều khó khăn muốn lấy số liệu về nợ công để thực hiện kiểm toán. “Chúng tôi sang Bộ Tài chính thì được chỉ sang Bộ Kế hoạch & Đầu tư; sang Bộ Kế hoạch & Đầu tư thì lại nói sang Ngân hàng Nhà nước. Cuối cùng phải làm gắt thì các bên mới công bố số liệu cho đoàn kiểm toán một tuần trước khi tới hạn”, ông Phớc chia sẻ và đề nghị dự luật lần này cần phân định rõ một cơ quan – Bộ Tài chính làm đầu mối quản lý, chịu trách nhiệm về nợ công.
Trong khi đó, theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP HCM), nợ công vừa qua trở thành nguồn cho tham nhũng và lãng phí, do đó cần xem lại trách nhiệm và lương tâm cho thế hệ sau. Trong quản lý nợ công, ông Nghĩa cho rằng cần đưa vào trách nhiệm của nợ doanh nghiệp Nhà nước để theo dõi, giám sát. “Chúng ta không thể nào "phủi tay" với hơn 400 tỷ USD mà doanh nghiệp Nhà nước đang nợ hiện nay”, vị đại biểu TP HCM nói.
Cũng tại phiên thảo luận ở tổ, với tư cách là một trong số tư lệnh ngành được phân giao quản lý nợ công, Bộ trưởng Bộ Tài chính – Đinh Tiến Dũng một lần nữa thừa nhận nợ công vừa qua chỉ cải thiện mức độ và hiện đã gần chạm trần. Năm 2016, nợ công 63,7% sát trần quy định. Giai đoạn 2011-2015 nợ công tăng nhanh do nhiều yếu tố, trong khi thu thì có mức độ.
Năm nay, nhiều khả năng GDP chỉ đạt mức 6,2%, trong khi dự toán là 6,7%. Theo quy định tại Luật Ngân sách nhà nước, nếu thu không đạt dự toán thì phải giảm chi. Tuy nhiên, những năm qua, Việt Nam không làm được điều đó khi GDP không đạt mà thậm chí còn tăng chi, nên gánh nặng dồn vào nợ công.
"Nếu nói thẳng không thu được thì đừng có chi, như thế quá đơn giản, song cuộc sống không phải vậy. Nói không làm thì đừng có ăn nhưng thực tế không làm vẫn phải ăn chứ. Cuối cùng cứ dồn vào ngân sách. Nhưng ngân sách không phải cái giỏ ai muốn đổ vào đó thì đổ”, ông nói.
Anh Minh
Theo Vnexpress