Marc Faber: Hãy mua vàng, chuẩn bị cho nới lỏng định lượng lần 4
Nhà đầu tư Marc Faber, tác giả của báo cáo nổi tiếng Gloom, Boom & Doom, cho rằng sau Brexit, nhà đầu tư nên tăng cường nắm giữ vàng.
Theo ông Faber, Anh rời EU sẽ khiến các NHTW phải tăng cường nới lỏng tiền tệ, gây tác động tiêu cực đến các đồng tiền và đó là môi trường có lợi cho giá vàng. Faber cho rằng thậm chí Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể triển khai thêm một vòng nới lỏng định lượng nữa.
Vì nhà đầu tư đổ xô đi tìm “hầm trú ẩn an toàn” để tránh “cơn bão” Brexit, trong những phiên giao dịch vừa qua giá vàng đã tăng rất mạnh. Dòng vốn đổ vào các quỹ ETF vàng đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 9/2013 trong bối cảnh hàng loạt các ngân hàng (trong đó có Goldman Sachs) nâng dự báo về giá vàng.
“Nếu Brexit được sử dụng như một cái cớ, các NHTW sẽ in thêm tiền, Mỹ chuẩn bị triển khai nới lỏng định lượng lần 4 (QE4) và sức mua của các đồng tiền sẽ tiếp tục sụt giảm. Trong trường hợp đó, bạn nên nắm giữ vàng”, Faber nói.
Phiên hôm nay (29/6), giá vàng giao ngay tăng 0,7%, lên 1.321,55 USD/ounce. Trong ngày lịch sử 24/6 có lúc giá lên tới 1.358.54 USD – cao nhất trong hơn 2 năm.
Kể từ đầu năm đến nay, khi mà NHTW châu Âu và NHTW Nhật Bản đồng loạt áp dụng lãi suất âm và Fed liên tiếp trì hoãn nâng lãi suất để kích thích tăng trưởng kinh tế, giá vàng đã tăng tổng cộng 25%.
Bắt đầu từ năm 2008, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã triển khai 3 vòng nới lỏng định lượng (QE) để khắc phục hậu quả của khủng hoảng tài chính toàn cầu. Hôm qua một quan chức Fed là Jerome Powell phát biểu rằng Brexit tạo nên những “làn gió ngược” cho các nền kinh tế trong đó có Mỹ. Giờ đây các trader nhận định khả năng Fed hạ lãi suất còn nhiều hơn so với khả năng tăng lãi.
Tuy nhiên, không phải ai cũng lạc quan như vậy. Cách đây ít ngày Jim Rogers vừa tuyên bố ông ưa chuộng USD hơn so với vàng vì vàng đã tăng giá thẳng đứng suốt từ đầu năm đến nay. Ngân hàng Credit Suisse cũng đưa ra đánh giá trung lập về giá vàng trong 3-6 tháng tới.
“Tăng trưởng kinh tế toàn cầu bị suy giảm, thậm chí nhiều quốc gia đã bước vào thời kỳ suy thoái. Xu hướng này có trước cả khi Brexit xảy ra. Thực chất thì Brexit không đặt dấu chấm hết cho toàn cầu hòa, đó chỉ là cuộc nổi dậy chống lại tầng lớp tinh hoa kiêu căng ngạo mạn đang thống trị các trung tâm tài chính”, Faber nói.
Theo CafeF