Brexit và bài học cho ASEAN và châu Á
Việc nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn được gọi là Brexit, có thể làm cho EU mất đi một trong những thành viên lớn nhất của khối nhưng sự kiện đó sẽ không làm chậm lại tiến trình hội nhập kinh tế và chính trị đang diễn ra ở châu Á – khu vực đang có sức hấp dẫn nhất đối với kinh tế thế giới.
Dù chặng đường để các quốc gia châu Á hình thành một cộng đồng vẫn còn nhiều gian nan, song châu Á nói chung và ASEAN nói riêng có thể rút ra các bài học từ sự kiện Brexit, nên làm gì và không nên làm gì khi suy nghĩ về tương lai.
Một thời “thần tượng” châu Âu...
Một hoặc hai thế hệ trước, các bài giảng bậc đại học ở Đông Nam Á đã so sánh các quan hệ hợp tác còn non trẻ của ASEAN với tiến trình hội nhập đầy ấn tượng của châu Âu.
Chủ nghĩa khu vực đầy khát vọng này của Đông Nam Á sau đó được truyền cảm hứng và tiếp nhận kiến thức từ sự vươn lên có phương pháp của châu Âu, từ một liên minh thuế quan sau chiến tranh nhằm mở rộng thành "thị trường duy nhất" và cuối cùng là một thực thể chính trị và kinh tế chính thức với chính sách an ninh, quốc phòng tập thể, các cộng đồng dân cư gần như không biên giới và một đồng tiền chung.
Giờ đây, mọi thứ lại không còn như thế. Brexit - quyết định ra đi của Vương quốc Anh sau 43 năm làm thành viên EU - chỉ đơn thuần là biểu hiện mới nhất về sự thiếu hấp dẫn của châu Âu như vấn đề nợ công và khủng hoảng tài chính, dòng người di cư và tị nạn, khủng bố ở nước này hay nước khác.
Đối với các nước ASEAN, được cho là nền tảng trung tâm cho việc xây dựng trật tự khu vực ở châu Á, “châu Âu sau Brexit” là bài học về phương hướng và việc định hướng trong tương lai cho nhóm 10 nước thành viên Đông Nam Á cũng như phần còn lại của châu Á.
... đến kinh nghiệm từ Brexit
Theo “The Jakarta Post”, bài học thứ nhất là “Thúc đẩy, nuôi dưỡng cảm giác thuộc về cộng đồng cho công chúng”. Sự thực chứng minh cần phải có một ý thức về cộng đồng nếu muốn cộng đồng hoạt động. Người Anh luôn luôn cảm thấy miễn cưỡng về việc mình là thành viên EU và không tham gia một số chương trình như thị thực chung và đồng tiền chung, chính điều này đã làm giảm ý thức về cộng đồng.
Bài học thứ hai là “Hội nhập và xây dựng cộng đồng có thể ngăn chặn các cuộc chiến tranh và xung đột”. Đây được cho là bài học quan trọng nhất cho châu Á. Trước khi hình thành EU, trong thế kỷ 20, châu Âu đã trải qua hai cuộc chiến tranh tồi tệ và việc hình thành EU đã ngăn chặn được cuộc chiến tranh thế giới lần thứ ba.
Châu Á hiện đang là nơi có nhiều điểm “nóng”, nếu không kiểm soát tốt có thể những điểm nóng này sẽ trở thành nơi xung đột thậm chí thành thế chiến ba. Các tranh chấp ở Biển Đông và biển Hoa Đông, căng thẳng ở eo biển Đài Loan, bán đảo Triều Tiên, khu vực Kashmir như một “lời nhắc nhở” rằng châu Á vẫn còn rất nhiều việc phải giải quyết. Bên cạnh đó, mối đe dọa về chiến tranh hạt nhân vẫn tồn tại khi mà một vài quốc gia châu Á đã và đang chế tạo vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Theo báo trên, việc nước Anh rời khỏi EU cho thấy quá trình xây dựng cộng đồng là rất khó khăn và nhiều thử thách. Ở châu Á thậm chí việc này còn lớn hơn, ít đồng nhất và phức tạp hơn châu Âu. Tuy nhiên, những điều này sẽ không ngăn cản các nước châu Á gắn kết và hội nhập với nhau một cách tốt hơn về mặt chính trị và kinh tế. Không giống nước Anh, các quốc gia châu Á cần bắt đầu xây dựng ý thức về cộng đồng lớn hơn.
Trong khi đó, tờ “The Nation” (Thái Lan) trích lời cựu Chủ tịch Sàn giao dịch chứng khoán Thái Lan, Tiến sỹ Sathit Limpongpan cho rằng Brexit cho thấy EU đã thất bại trong việc cải thiện lợi ích kinh tế cho tất cả mọi người.
Tiến sỹ Sathit cũng cho rằng Brexit có thể báo hiệu một cuộc khủng hoảng đối với sự tồn vong của EU và ASEAN cần phải lưu tâm việc tôn trọng chủ quyền của các nước thành viên và không lặp lại sự sai lầm của EU, khi bỏ qua sự thiếu tin tưởng và không hài lòng của cộng đồng. Đây cũng là bài học thứ ba mà khu vực cần rút ra.
Cũng theo ông Sathit, vấn đề bắt đầu nảy sinh khi EU hướng đến việc hình thành một cộng đồng chung và cố gắng kết hợp cả khối thành một thực thể chính trị. Việc này đã tạo ra nhiều mâu thuẫn và bất đồng bởi vì không phải tất cả các quốc gia đều đồng ý hình thành một cộng đồng kinh tế chung.
Ông Sathit cho rằng ASEAN không cần một đồng tiền chung hay cố gắng vượt quá giới hạn kinh tế của mình, thay vào đó, hiệp hội cần phải xác định được các đối tác thương mại tự nhiên và tăng cường quan hệ với các đối tác này. Đây là cách dễ nhất để cùng nhau phát triển.
Trong khi đó, luật sư Syahredzan Johan trong bài viết cho tờ “The Star” (Malaysia) đã nhận định rằng cuộc trưng cầu dân ý ở nước Anh là một bài học cho người Malaysia để “không bao giờ cho rằng phiếu của bạn không có ý nghĩa gì”.
Ông Johan cũng lưu ý sự giận dữ của giới trẻ ở nước Anh khi biết kết quả mặc dù tỷ lệ tham gia bỏ phiếu của những người trẻ tuổi là không cao, qua đó kêu gọi những người trẻ tuổi ở Malaysia hãy có trách nhiệm hơn với lá phiếu, với tương lai của chính mình - đây chính là bài học thứ tư mà các công dân châu Á, nhất là các cử tri trẻ, cần rút ra từ Brexit.
Bên cạnh đó, ông Johan cũng cảnh báo những người trẻ tuổi về một tương lai tối kém nếu họ coi thường việc bỏ phiếu. Ông Johan phân tích thêm: “Nếu bạn nghĩ rằng chuyện bỏ phiếu chỉ đơn thuần mang tính chính trị và chính trị thì không quan trọng với bạn, một ngày nào đó bạn thức dậy và nhận ra rằng đất nước của bạn đang hướng đến một tương lai mà bạn không mong muốn.
Một tương lai mà đất nước ngập chìm trong nợ nần các thế hệ tiếp theo phải trả, cùng với suy thoái kinh tế, giá cả sinh hoạt tăng, thất nghiệp và người dân bị chia rẽ bởi sắc tộc và tôn giáo”.
KD tổng hợp
(Thời báo Ngân hàng)