Chào mừng tới thế giới hậu Brexit
Đa số cử tri tại Anh đã lựa chọn việc rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU) thay vì tiếp tục làm 1 trong 28 thành viên của tổ chức này.
Thị trường thế giới đã rung lắc dữ dội và tiền tệ có nhiều chuyển biến lớn mặc dù tiến trình chính trị thực tế sẽ mất rất nhiều thời gian để hoàn tất.
Đầu tiên, phải nói về mặt kỹ thuật, cuộc trưng cầu dân ý không có ràng buộc về mặt pháp lý với quyết định của chính quyền Vương quốc Anh. Trên lý thuyết, Thủ tướng David Cameron, người vừa tuyên bố sẽ từ chức, có thể bỏ qua ý kiến của 51,8% số phiếu ủng hộ Brexit và tiếp tục giữ cho Anh là thành viên của EU.
Nhưng điều đó khó có thể xảy ra. Giả sử như ông Cameron tôn trọng tiến trình dân chủ, nhà lãnh đạo này sẽ kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon để bắt đầu quá trình đàm phán chính thức và hợp pháp về việc rời khỏi EU.
Sau đó sẽ là hàng loạt những cuộc đàm phán nhằm tháo gỡ những rắc rối giữa Anh và EU. Quá trình này có thể kéo dài 2 năm hoặc thậm chí lâu hơn nếu Anh và/hoặc EU muốn kéo dài quá trình thảo luận.
Tuy nhiên, ông David Cameron cho rằng quá trình này không thể thay đổi được. Theo ông, cuộc trưng cầu dân ý không phải là lời mời tái tham gia EU mà là quá trình để Anh tách khỏi tổ chức này.
Gần như ngay lập tức, các thị trường đã phản ứng một cách mạnh mẽ. Việc một thành viên rời khỏi tổ chức kinh tế như Brexit chưa từng có tiền lệ trong lịch sử và điều này cũng đồng nghĩa rằng khi nó xảy ra, biến động thị trường có thể xảy ra trên quy mô toàn cầu.
Các chuyên gia hiện nay chỉ có thể đưa ra một dự báo rằng những bất ổn trên thị trường toàn cầu sẽ ngày càng tăng lên. Các nhà quan sát thị trường cho rằng các nhà đầu tư đang hướng tới những “két sắt đầu tư” như vàng hay đồng Yên. Thực tế là giá vàng ngày hôm nay đã có lúc tăng tới 8% để đạt đỉnh 1362.6 USD/ounce. Tính từ đầu năm, giá vàng đã tăng gần 28% và đồng Yên cũng tăng 15,4%.
Diễn biến giá của các loại tài sản khác có thể khiến người nhiều cảm thấy sốc bởi kết quả của cuộc trung cầu dân ý đã nằm ngoài dự báo của đa số.
Chứng khoán toàn cầu có những phiên lao dốc mạnh. Điển hình như việc chỉ số Dow Jones mất tới 700 điểm hay sàn chứng khoán Nikkei (Nhật Bản) phải tạm ngừng giao dịch sau khi giảm khoảng 8%.
Tuy nhiên, ảnh hưởng lớn nhất của kết quả cuộc trưng cầu dân ý này chính là việc đồng Bảng Anh mất giá mạnh, khiến tỷ giá GBP/USD giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1985.
Ngược lại, Reuters cho biết đồng USD lại có phiên tăng điểm mạnh nhất kể từ năm 1978 khi tăng 3%.
Trái phiếu Chính phủ Mỹ cũng đã bị ảnh hưởng không nhỏ. Lợi suất Trái phiếu kỳ hạn 10 năm đã giảm chỉ còn 1,507% - mức thấp nhất kể từ ngày 3/8/2012.
(Theo Người Đồng Hành)