Việt Nam đã dần chuyển từ biện pháp hành chính sang biện pháp dân sự đối với các vụ việc vi phạm sở hữu trí tuệ...
Người dân bắt giữ người dán quảng cáo, rao vặt có được không?
- Cập nhật : 23/08/2015
(Phap luat)
Ngày 5-8, trong báo cáo sơ kết sáu tháng thực hiện Chỉ thị 43 của Đà Nẵng về “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015” đã có ghi nhận một cách làm được cho là khá hiệu quả trong việc xóa nạn dán quảng cáo rao vặt. Đó là kêu gọi người dân phát hiện,chụp ảnh và bắt giữ người dán quảng cáo, rao vặt rồi báo cho UBND huyện hoặc các cơ quan chức năng đến xử lý.
Mô hình này, theo ông Nguyễn Hữu Chiến - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL là rất hiệu quả và đang được thực hiện trên toàn TP Đà Nẵng:“Khi người dân phát hiện ra đối tượng dán quảng cáo, rao vặt trái phép thì bắt giữ giao cho chính quyền, công an địa phương“.
Từ cách làm này, theo báo cáo, đến nay thành phố Đà Nẵng gần như đã không còn tình trạng quảng cáo rao vặt sai quy định và tình trạng chèo kéo, đu bám khách du lịch xảy ra.
Đã có ý kiến bày tỏ sự lo ngại khi cho rằng việc phát động và cho phép người dân bắt giữ người vi phạm dán quảng cáo, rao vặt như vậy là không ổn, không đúng với quy định của pháp luật vì có thể khiến người dân vô tình vi phạm pháp luật mà không biết. Ngoài ra, khi triển khai thực hiện có thể sẽ xảy ra tình trạng lạm quyền, gây ảnh hưởng về an ninh trật tự xã hội.
Theo quy định pháp luật, “người nào bắt, giữ hoặc giam người trái luật thì bị xem là tội phạm và có thể bị phạt cảnh cáo, thậm chí phạt tù từ ba tháng đến 10 năm-Điều 123 Bộ Luật hình sự)". Như vậy, có thể thấy nếu không may người dân do sốt sắng, nhiệt tình quá khi muốn thực hiện một việc tốt thì vô tình lại vi phạm pháp luật và có thể sẽ bị người bị bắt giữ khởi kiện về việc bắt giữ người trái luật.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác lại đồng thuận với cách làm này của Đà Nẵng và cho rằng, trong tình trạng bùng phát nạn dán chi chít quảng cáo, rao vặt khắp nơi, không từ một chỗ nào và vô cùng mất thẩm mĩ như hiện nay thì việc làm này rất đáng để nhân rộng.
“Đà Nẵng đã làm một việc rất hay, các địa phương khác nên học hỏi cách này. Đối với những người vi phạm pháp luật thì người dân có quyền bắt giữ lại và báo Công An đến giải quyết, người dân có giam giữ tội phạm đâu. Giống như chúng ta thấy kẻ trộm xe máy thì mình phải bắt giữ lại giao cho Công an chứ” (ý kiến bạn Trần Công Sơn).
“Không nên áp dụng luật 1 cách cứng ngắc, ở đây phát động như vậy cũng như phát động vì an ninh tổ quốc thôi. Chúng ta phải có định nghĩa hành động và chủ ý trong việc làm. Đất nước sẽ loạn khi cứ suy nghĩ cứng nhắc. Tuy vậy chính quyền Đà Nẵng cũng nên tuyên truyền kỹ và cẩn thận trước khi áp dụng thực hiện” (ý kiến bạn Ba Long).
Theo bạn, việc áp dụng mô hình phát động người dân bắt giữ người dán quảng cáo, tờ rơi như thành phố Đà Nẵng có nên nhân rộng ra thực hiện không? Việc cho phép người dân bắt giữ người vi phạm quả tang như vậy là có ổn về pháp lý?... Mọi ý kiến đóng góp xin gửi vào mục Bạn đọc bình luận bên dưới. PLO hoan nghênh mọi đóng góp của bạn đọc.