Phạm Công Danh khai tốt nghiệp bằng cử nhân ngành quản trị kinh doanh vào thời gian 1987 – 1991. Tuy nhiên lý lịch cho biết thời gian này, Danh sống và làm việc tại Quảng Ngãi. Xác minh tại Đại học Kinh tế TP.HCM không có sinh viên nào tên Phạm Công Danh.
Dựa vào đâu mà Phạm Công Danh nói khắc phục được 100% hậu quả?
- Cập nhật : 18/08/2016
(Phap luat)
Hơn 9.000 tỷ là một con số khổng lồ, gấp 3 lần vốn điều lệ của Ngân hàng Xây dựng, thế nhưng Phạm Công Danh lại tin tưởng có thể khắc phục được và xin Hội đồng xét xử cho bị cáo cơ hội.
Vụ án xét xử Phạm Công Danh đã qua phần xét hỏi, đang tạm nghỉ để chờ VKS luận tội và bước vào phiên tranh tụng từ ngày 16/8.
Theo cáo trạng, Phạm Công Danh và 35 đồng phạm đã gây thất thoát hơn 9.100 tỷ ở Ngân hàng Xây dựng, trong đó hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng là hơn 7.000 tỷ và vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng là hơn 2.000 tỷ.
Hơn 9.000 tỷ là một con số khổng lồ, gấp 3 lần vốn điều lệ của Ngân hàng Xây dựng, thế nhưng Phạm Công Danh lại tin tưởng có thể khắc phục được và xin Hội đồng xét xử cho cơ hội. Tại phiên xét hỏi cuối cùng ngày 12/8, khi được hỏi có nguyện vọng gì, ông Danh nói mong muốn được khắc phục 100%.
Vậy dựa vào đâu mà Phạm Công Danh lại tin có thể làm được điều đó?
Bán đất để đền bù thiệt hại
Tại thời điểm bị bắt, cơ quan điều tra đã thu giữ tài sản trên người Phạm Công Danh cùng số tiền để ở khách sạn tổng cộng khoảng 12 tỷ đồng. Cơ quan điều tra đồng thời kê biên 37 bất động sản, gồm 14 bất động sản tại Tp.HCM, số còn lại tại các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Nam và Đà Nẵng. Các tài sản này đang được đảm bảo cho khoản vay 7.100 tỷ đồng ở 3 ngân hàng là SouthernBank, VNCB và Agribank.
Trong các tài sản nói trên, các lô đất ở SVĐ Chi Lăng là có giá trị hơn cả. Theo định giá mà cơ quan điều tra cho rằng có lợi nhất cho bị cáo thì chỗ đất này có giá hơn 2.600 tỷ. Tính ra, khoản vay 4.700 tỷ đồng ở VNCB trừ đi tài sản đảm bảo thì ngân hàng còn bị thiệt hại gần 2.100 tỷ.
Nhưng Phạm Công Danh đã xin tòa án cho bàn với vợ và em trai để bán phần đất này nhằm khắc phục tối đa. Bị cáo cho biết đã có người trả 250 triệu USD tức hơn 5.000 tỷ đồng nhưng trước khi bị bắt bị cáo chưa có cơ hội bán. Nếu được tạo cơ hội cho bán thì ông Danh tin rằng sẽ được giá hơn ngân hàng bán và dư sức trả nợ.
Còn các phần tài sản khác, không bao gồm kỷ vật gia đình là nhẫn và đồng hồ cùng 3 căn nhà mà vợ chồng Phạm Công Danh khai rằng đó là tiền vay mượn bên ngoại để mua, không liên quan vụ án, Phạm Công Danh nói rằng sẵn sàng dùng để trả nợ theo các hợp đồng tín dụng.
Đòi 3.600 tỷ đồng từ phía bà Phấn
Phạm Công Danh khai rằng đã trả cho nhóm bà Hứa Thị Phấn hơn 3.600 tỷ đồng nhưng phía bà Phấn lại không bàn giao hết tài sản (mà theo ông có giá tới 7.000 tỷ đồng ở khu vực Quận 2 và Nhà Bè Tp.HCM) cho nên ông không bán được để trả nợ.
Phạm Công Danh còn cho rằng hợp đồng với bà Phấn là vô hiệu nên đề nghị Hội đồng Xét xử xem giúp bị cáo đòi tiền từ phía bà Phấn về để có thêm nguồn khắc phục hậu quả.
Khoản tiền 5.490 tỷ đồng của nhóm Trần Ngọc Bích là quan hệ vay mượn cá nhân?
Trong vụ án này, khoản tiền 5.490 tỷ liên quan nhóm Trần Ngọc Bích chiếm hơn một nửa tổng số tiền mà các bị cáo bị cho là đã gây thất thoát cho ngân hàng. Tuy nhiên Phạm Công Danh khẳng định quan hệ vay mượn giữa bị cáo và phía bà Bích là quan hệ dân sự chứ không liên quan đến ngân hàng. Các bị cáo khác thì cho rằng có sự đồng thuận giữa ông Danh và bà Bích nên khoản tiền ấy mới có thể chuyển được khỏi tài khoản của bà Bích.
Nhóm bà Bích trong khi đó vẫn quả quyết bà không ủy nhiệm chi cho ai sử dụng số tiền trong tài khoản. Cả hai bên đều đã cung cấp thêm cho tòa án những chứng cứ liên quan đến việc gửi và vay mượn tiền của đôi bên.
Nếu Phạm Công Danh và các bị cáo khác chứng minh được rằng việc rút tiền 5.490 tỷ đồng kia là có sự đồng ý của bà Bích, hoặc là quan hệ dân sự thì ngân hàng sẽ vô can, tức các bị cáo cũng không gây thất thoát khoản tiền này và Phạm Công Danh sẽ phải trả lại cho nhóm Trần Ngọc Bích số tiền kia. Cho đến nay, ai nói cũng có lý nhưng ai đúng, ai sai, có phải đền bù không và phải đền bù thiệt hại bao nhiêu thì phải chờ kết luận của Tòa án.