tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Gia tăng tội phạm giả danh công an

  • Cập nhật : 01/07/2016

Thời gian gần đây, tại miền Trung liên tiếp xuất hiện nhiều trường hợp đối tượng xấu giả danh công an để lừa đảo. Theo đó, với một bộ quân phục cảnh sát, công an cùng với những kịch bản lừa tinh vi... các đối tượng đã dễ dàng thực hiện trót lọt các phi vụ lừa đảo. Chiêu lừa giả danh công an đã nhiều lần bị phanh phui, thế nhưng vì cả tin, mất cảnh giác vẫn có những nạn nhân “sập bẫy”.

can quan ly chat trang phuc cac luc luong vu trang

Cần quản lý chặt trang phục các lực lượng vũ trang

Hàng loạt công an “rởm”

Trên địa bàn Thừa Thiên - Huế, cơ quan điều tra công an huyện Phú Lộc từng quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng Hoàng Hồng Phước, về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Đối tượng này tự xưng là “giám đốc nhân sự”, công tác tại khu nghỉ dưỡng của Bộ Công an ở Lăng Cô. Sau đó, Phước lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của một số người cần việc làm, để lừa đảo. Chỉ trong thời gian ngắn, Phước đã lừa 20 nạn nhân, chiếm đoạt số tiền hàng trăm triệu đồng.

Cũng trên địa bàn Phú Lộc, còn có đối tượng Nguyễn Kháng, chuyên đóng giả cảnh sát giao thông để lừa đảo. Theo đó, do là người địa phương nên Kháng nắm rõ hoạt động của lực lượng cảnh sát giao thông. Thế rồi khi có điều kiện thuận tiện, đối tượng liền “vào vai” cảnh sát giao thông.

Kháng đã tự trang bị cho mình camera, sổ sách, bút viết… Khi thấy phương tiện giao thông vi phạm, đối tượng này liều lĩnh ra hiệu dừng xe, rồi thu tiền “mãi lộ”, khoảng 500 nghìn đồng/lượt. Với hành vi này, Nguyễn Kháng đã bị TAND Phú Lộc tuyên xử 9 tháng tù giam.

Trước đó, công an TP. Đà Nẵng cũng đã tạm giữ hình sự nghi can Bùi Văn Tiến, trú Lạc Sơn (Hòa Bình). Tại thời điểm bị bắt giữ, Tiến đang mang trên mình sắc phục cảnh sát hình sự với quân hàm thiếu tá, cùng một khẩu súng bắn đạn bi, nhiều giấy tờ giả mạo ngành công an.

Tại cơ quan công an, đối tượng khai nhận đã mua trang phục cảnh sát và lon thiếu tá… trên đường Điện Biên Phủ (TP. Đà Nẵng) với giá 700 nghìn đồng, nhằm thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản các cá nhân...

Mới đây nhất là vụ việc công an Quảng Nam bắt giữ đối tượng Trần Đình Cường, trú Can Lộc (Hà Tĩnh), cũng liên quan đến hành vi giả danh công an. Theo đó, vốn là một công nhân xây dựng, nhưng Cường lên mạng, rồi tự khoe mình là công an đang công tác tại TP. Đà Nẵng. Sau đó, thông qua mạng Zalo, Cường quen biết với chị N.T.Tr. nhân viên kế toán của một cơ quan Nhà nước ở Tây Giang (Quảng Nam).

Thấy Cường ăn nói khéo léo, với vẻ bề ngoài lịch thiệp cùng với cái “mác” công an nên sau một thời gian trò chuyện trên mạng, chị Tr. đã xiêu lòng trước sự tán tỉnh của anh ta. Sau khi chinh phục được người đẹp, Cường đã lên kịch bản lừa nạn nhân số tiền 550 triệu đồng, rồi cao chạy xa bay.

Tăng cường cảnh giác

Cũng liên quan đến việc giả danh công an, gần đây trên địa bàn TP. Đà Nẵng còn xuất hiện vấn nạn giả danh cán bộ kiểm tra của Cảnh sát PCCC TP. Đà Nẵng để lừa đảo. Theo đó, một số đối tượng gọi điện thoại đến cơ sở kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ, công ty… trên địa bàn để thông báo thời gian kiểm tra công tác PCCC hoặc thông báo thời gian tập huấn nghiệp vụ PCCC.

Sau đó, yêu cầu chủ cơ sở phải cử người tiếp đoàn kiểm tra, gửi tiền tập huấn nghiệp vụ vào tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, sau khi lấy được tiền các đối tượng sẽ tắt máy điện thoại rồi…  biến mất!

Từ thực tế các vụ án liên quan đến hành vi giả danh công an để lừa đảo, các đối tượng thường nhằm vào những người có hành vi vi phạm giao thông, gia đình có con, em đang trong vòng lao lý có nhu cầu cần “chạy án”. Nạn nhân của các “công an rởm” này thường là sinh viên mới ra trường nôn nóng tìm việc làm… Các đối tượng lừa đảo thường đánh vào vào tâm lý lo sợ của người bị hại, thiếu cảnh giác khi giải quyết công việc của mình.

Đại tá Trần Mưu, Phó giám đốc Công an TP. Đà Nẵng từng cảnh báo, khi có những sự việc liên quan, thì người dân nên hỏi rõ tên tuổi, đơn vị công tác và kịp thời báo cho cơ quan công an nơi gần nhất, khi phát hiện những dấu hiệu khả nghi.

Thêm một yếu tố nữa khiến vấn nạn giả danh công an thêm mức báo động, còn do thủ đoạn lừa đảo cũng hết sức tinh vi, kịch bản được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng. Điều này cũng khiến nhiều nạn nhân nhẹ dạ, cả tin dễ rơi vào tình cảnh tiền mất, tật mang. Ngoài ra, việc buông lỏng quản lý trang phục, công cụ hỗ trợ của lực lượng công an cũng gián tiếp “hỗ trợ” cho các đối tượng.

Đơn cử, trên thị trường bán quá nhiều các trang phục, tư trang giống y như của cảnh sát giao thông từ quần áo, bảng hiệu, ngay cả đến còi, đèn của xe đặc chủng cũng bày bán tràn lan... Chính điều này, đã tạo điều kiện cho các đối tượng xấu lợi dụng.

Tại cơ quan điều tra nhiều đối tượng đã khai nhận, không quá khó để mua quần áo, thậm chí cả quân hàm, phù hiệu công an. Nhiều vụ giả danh công an bị phát hiện khi đối tượng mặc trang phục của ngành với đầy đủ các công cụ hỗ trợ cần thiết. Trong khi đó, việc xử lý buôn bán trang phục của lực lượng công an hay quân đội còn nhiều khó khăn, do đây chủ yếu là hàng “nhái”.


Bài và ảnh Nghi Anh
(Thời báo Ngân hàng)

Trở về

Bài cùng chuyên mục