Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) cho phép cá nhân được sử dụng bí danh, bút danh nhưng không được gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác. Tên của công dân Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam; không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ.
Vì sao phải biểu quyết hoãn thi hành Bộ luật Hình sự 2015?
- Cập nhật : 28/06/2016
Do có nhiều nội dung bị phát hiện sai sót nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin biểu quyết hoãn thời gian thi hành Bộ luật Hình sự từ 1/7 tới.
Ngày 27/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp với các trưởng đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố khóa XIII. Đây là cuộc họp bất thường, để trao đổi, thống nhất một số vấn đề liên quan đến những sai sót phát hiện được trong Bộ luật Hình sự 2015 khi chỉ còn chưa đầy một tuần nữa là đến hạn thi hành (ngày 1/7/2016).
Sau cuộc họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi đến các vị đại biểu Quốc hội khóa XIII phiếu biểu quyết về nội dung hoãn thời gian có hiệu lực thi hành của Bộ luật Hình sự 2015 đến ngày 1/1/2017. Trong thời gian đó, Bộ luật Hình sự hiện hành vẫn có hiệu lực thi hành.
Phiếu biểu quyết đã được chuyển đến tận tay từng vị đại biểu và các văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội được yêu cầu cử cán bộ trực tiếp mang phiếu bằng phương tiện nhanh nhất và bỏ vào hòm phiếu tại Nhà Quốc hội trước 15h ngày 29/6 tới.
Nếu đa số các ĐBQH đồng ý theo phương án được trình, Bộ luật Hình sự 2015 sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/1/2017. Trong thời gian từ nay đến thời điểm đó, Quốc hội Khóa XIV sẽ tiến hành sửa đổi, bổ sung hơn 90 nội dung phát hiện có sai sót. Tuy nhiên, trong dự kiến chương trình kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khoá XIV lại chưa có nội dung sửa Bộ luật Hình sự 2015.
Trao đổi với phóng viên VOV.VN, ông Nguyễn Anh Sơn, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định khóa XIII cho biết, sau cuộc họp, các đoàn đại biểu Quốc hội tiến hành họp khẩn, lấy ý kiến ĐBQH và bỏ phiếu kín rồi niêm phong và cử người chuyển lên Hà Nội. Ban kiểm phiếu sẽ được bầu để thực hiện nhiệm vụ kiểm phiếu.
"Đoàn Nam Định hôm nay (28/6) sẽ họp khẩn, bỏ phiếu và chuyển phiếu lên Hà Nội cùng ngày", ông Sơn cho biết, "Phát hiện sai thì phải sửa. Tuy nhiên, việc sửa thuộc về Quốc hội khoá XIV còn khoá XIII chỉ có thể ra Nghị quyết cho lùi thời điểm Bộ luật này có hiệu lực".
Theo Dân trí, ngày 27/11/2015, Bộ luật Hình sự 2015 được Quốc hội thông qua, cuối tháng 12/2015 được đăng công báo thì đến ngày 11/1/2016, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã có công văn gửi Phòng Công báo (Văn phòng Chính phủ) đề nghị thay thế 4 trang tài liệu liên quan đến 6 điều luật ở Phần Chung và 4 điều luật ở Phần Các tội phạm. Lý do được nêu là do sơ suất về mặt kỹ thuật nên Bộ luật gửi đến phòng Công báo trước đó có sai sót.
Sau đó, vẫn còn những những sai sót khác được phát hiện. Những ngày vừa qua, dư luận nêu nhiều lo ngại xung quanh quy định của Điều 292 về tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông. Cộng đồng khởi nghiệp (start up) tại Việt Nam, với những doanh nghiệp siêu nhỏ đang hình thành sẽ là đối tượng bị chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ điều luật này.
Ông Đinh Văn Quế, (nguyên chánh tòa hình sự Tòa án nhân dân tối cao), trong bài viết đăng trên Tuổi Trẻ cho biết: Nếu nghiên cứu kỹ Bộ luật hình sự 2015, có thể thấy một số điều luật nếu không có giải thích hoặc hướng dẫn thì không thể áp dụng được. Ví dụ: điều 175 (điều 140 Bộ luật hình sự 1999) quy định về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” đã bỏ tình tiết “bỏ trốn để chiếm đoạt” trước đây quy định tại điểm a khoản 1 điều 140 Bộ luật hình sự. Vậy kể từ ngày 1-7-2016 trở đi cứ vay mượn, thuê tài sản của người khác rồi bỏ trốn để chiếm đoạt thì không phạm tội sao?!
Còn nữa, theo quy định tại điều 12 thì người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về một số tội đã được liệt kê trong điều luật, còn các tội phạm khác không được “liệt kê” tại điều 12 thì không phải chịu trách nhiệm hình sự như: tội chiếm đoạt tàu bay tàu thủy (điều 278), tội cản trở giao thông đường không, tội tham ô tài sản với vai trò đồng phạm (điều 353), tội nhận hối lộ với vai trò đồng phạm (điều 354)... và nếu chịu khó rà soát thì thấy còn nhiều tội phạm cũng rất cần thiết buộc người từ đủ 15 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự, trong khi đó lại quy định họ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản (điều 173), tội hủy hoại hoặc làm hư hỏng tài sản (điều 178).
Tương tự, về giai đoạn chuẩn bị phạm tội, khoản 1 điều 14 Bộ luật hình sự 2015 quy định: “Chuẩn bị phạm tội là tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm hoặc thành lập, tham gia nhóm tội phạm trừ trường hợp quy định tại điều 109, điểm a khoản 2 điều 113 hoặc điểm a khoản 2 điều 299 của bộ luật này”.
Nhưng khoản 2 của điều luật vẫn quy định: “Người chuẩn bị phạm một trong các tội sau đây thì phải chịu trách nhiệm hình sự, trong đó có tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân (điều 113)... Trong khi đó thì có nhiều tội phạm người chuẩn bị phạm tội sẽ “thoát” vì không được liệt kê tại khoản 2 điều 14 như: chuẩn bị phạm tội tham ô tài sản, chuẩn bị phạm tội nhận hối lộ…
Theo VOV