Qua các vụ án ngân hàng đã và sắp đưa ra xét xử cho thấy càng ngày số tiền thất thoát từ các ngân hàng ở vụ sau “khủng” hơn vụ trước và hành vi rút ruột của các “ông chủ” ngân hàng cũng táo tợn hơn. Và, ông Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng, nguyên Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh, là một trong những trường hợp điển hình.
Không có chuyện mất 400 triệu tiền thuế vì sai chính tả
- Cập nhật : 29/06/2016
(Phap luat)
Xung quanh vụ việc doanh nghiệp có nguy cơ mất 400 triệu đồng tiền thuế vì... sai chính tả trong việc nhập khẩu bò giống, Cục Hải quan Đồng Nai cho rằng, Cục áp thuế suất nhập khẩu 5% là đúng quy định. Đến nay, công ty này cũng chưa nộp số tiền 432 triệu theo yêu cầu.
Mới đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng có đăng tải thông tin về việc Công ty TNHH MTV Vinaforest (Bình Chánh, TP.HCM) nhập một lô bò giống thuần chủng với số lượng 376 con bò cái giống Brahman từ một công ty tại Úc qua cảng Gò Dầu (Đồng Nai). Tại cảng này, lô hàng đã được Chi cục Hải quan Long Thành cho thông quan.
Tuy nhiên, theo phản ánh của ông Nguyễn Thanh Lâm, Giám đốc Công ty Vinaforest, sau hai tháng, công ty nhận được thông báo hồ sơ xác nhận bò giống thuần chủng không hợp lệ. Công ty phải chịu mức thuế 5%, tương đương với số tiền 432 triệu đồng, thay vì được miễn thuế. Cùng với việc bò chết và bán không được giá, công ty thiệt hại hàng tỷ đồng và đứng trước nguy cơ đóng cửa.
Trả lời về vấn đề trên, Cục Hải quan Đồng Nai cho biết, theo biểu thuế hiện hành tại Quyết định 165/2013/QĐ-BTC ngày 15/11/2013, mứcthuế suất nhập khẩu của động vật sống họ trâu bò được quy định gồm 2 loại: loại thuần chủng để nhân giống thuế suất 0%, loại khác chịu thuế suất 5%.
Ngày 14/9/2015, Công ty Vinaforest đăng ký tờ khai nhập khẩu mặt hàng bò giống từ Úc, thuế suất 0% với công văn cam kết nếu sau này lý lịch giống bò cái thuần chủng không được các bộ ngành chức năng chấp nhận, công ty sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm, hoàn thành nghĩa vụ thuế, các quy định của pháp luật liên quan. Theo đó, lô hàng được cho thông quan.
Song, theo Cục Hải quan Đồng Nai, phía Hải quan đã liên hệ với Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) để xác minh. Kết quả, Cục Chăn nuôi cho biết, giấy xác nhận lý lịch cá thể giống của Công ty Vinaforest cung cấp gửi kèm công văn 2025/HQĐN-TXNK ngày 29/9/2015 của Cục Hải quan Đồng Nai thiếu các thông tin của cá thể giống như: tính biệt (đực/cái), màu sắc, số hiệu đàn, người chủ hiện tại của con giống,... Ngoài ra, trong mẫu chứng nhận ghi sai tên bò giống Brahman. Vì vậy, Giấy xác nhận lý lịch giống đó không đủ cơ sở để xác định được cá thể bò là giống thuần chủng để nhân giống.
Theo đó, Cục Hải quan Đồng Nai xác định lô bò nhập khẩu của công ty Vinaforest phải chịu thuế suất 5% là hoàn toàn đúng quy định.
Riêng việc doanh nghiệp nêu “Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật nhập khẩu số 00063/2015 thì cơ quan Thú y vùng VI xác nhận đầy đủ là bò làm giống”, theo Cục Hải quan Đồng Nai thì đây là trách nhiệm của cơ quan Thú y. Tuy nhiên, trong trường hợp này, cơ quan Thú y cũng chỉ xác định là bò làm giống, không xác định là bò giống thuần chủng.
Đặc biệt, Cục Hải quan Đồng Nai cũng cho biết, hiện doanh nghiệp vẫn chưa thực hiện nộp tiền thuế nhập khẩu là hơn 432 triệu đồng (ấn định theo mức thuế 5%) theo cam kết tại công văn số 01/CV ngày 14/9/2015. Như vậy, việc công ty đề nghị được hoàn thuế là không có cơ sở.
Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng chưa cung cấp bổ sung giấy tờ xác nhận lý lịch cá thể bò giống thuần chủng được Bộ NN-PTNT các nhận sau nhiều lần cam kết bổ sung khi làm việc với Chi cục Hải quan Long Thành.
“Việc doanh nghiệp phản ánh là hoàn toàn sai vì chưa nộp thuế, chưa cung cấp giấy tờ bổ sung mà cơ quan hải quan đã yêu cầu nhiều lần nhưng không nộp, doanh nghiệp đề nghị hoàn thuế là không đúng thực tế và không có cơ sở”, Cục Hải quan Đồng Nai khẳng định.
Ngoài ra, theo Hải quan Đồng Nai, hiện một số DN nhập khẩu bò giống thuần chủng để nhân giống làm thủ tục thường có giá từ 7.000-8.000 USD/con, trong khi giá nhập khẩu bò của Vinaforest thấp, chỉ 1.025 USD/con, tương đương giá nhập khẩu bò thịt của một số DN khác. Thực tế, DN nhập khẩu bò có thể để làm giống hoặc làm thịt nhưng không phải là bò giống thuần chủng.
"Vì thế, đề nghị điều chỉnh giá tính thuế của DN không có cơ sở để xem xét" - cơ quan này nhấn mạnh.