Chỉ duy trì 100% vốn nhà nước tại 17 doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng; KIDO: Thế lực mới của thị trường dầu ăn; Hậu trường thương vụ Sơn Hà thâu tóm Toàn Mỹ
Tin kinh tế đọc nhanh tối 10-10-2017
- Cập nhật : 10/10/2017
Cảng Cái Mép - Thị Vải chờ “giải cứu”
Được đầu tư 2 tỉ USD, nhưng cảng Cái Mép - Thị Vải lại không thể hoạt động hết công suất và đang chờ nhiều biện pháp "giải cứu".
Sau khi mở rộng, công suất cảng Cái Mép - Thị Vải tăng lên 11 triệu TEU. Tuy nhiên, hiện nay lượng hàng hóa thông qua đây mới chỉ đạt 15- 20%.
Công suất cảng Cái Mép - Thị Vải tăng lên 11 triệu TEU sau khi được mở rộng.
Cảng hiện đại nhưng "đói hàng"
Theo thống kê, nguồn thu nộp về ngân sách Trung ương của cảng Cái Mép- Thị Vải từ năm 2009- 2017 là 79.000 tỉ đồng. Thế nhưng, Trung ương đầu tư cho hệ thống cảng này chỉ khoảng 3.600 tỉ đồng, chiếm 4,6%. Theo ông Vũ Ngọc Thảo, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bà Rịa-Vũng, thực tế trên là do điều phối luồng hàng hóa trong khu vực hạn chế, mang tính cục bộ, dẫn đến việc nơi này "đói" hàng nhưng nơi kia lại không giải phóng hàng kịp dẫn đến ách tắc.
Một nguyên nhân khác được ông Nguyễn Duy Minh- Tổng thư ký Hiệp hội Logistic Việt Nam, chỉ ra là do "thói quen" nên các DN thường chọn cảng Cát Lái bất chấp tình trạng quá tải, kẹt xe.
Bên cạnh đó, việc hoàn tất các thủ tục về hàng hóa tại cảng Thị Vải- Cái Mép còn mất nhiều thời gian. Điều này khiến chi phí của DN tăng lên. Ngoài ra, chi phí vận chuyển cao hơn khiến các DN "ngại" đưa hàng về cảng Thị Vải- Cái Mép.
Kết nối giao thông là cấp thiết
Mục tiêu mà Chính phủ đặt ra cho cụm cảng Cái Mép- Thị Vải không chỉ là cảng cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mà là trung tâm trung chuyển của khu vực.
Để đạt được điều này, theo ông Nguyễn Duy Minh, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cần xây dựng một "hệ sinh thái" hài hoà tại cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, tối ưu hóa chi phí cho DN, gồm cảng lên xuống hàng, đội xe chuyên chở,… Đồng thời, tăng cường tổ chức các hội nghị giới thiệu về cụm cảng cho các chủ hàng trong khu vực.
Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực vận tải đường sắt, bởi đây mới chính là lựa chọn giúp nâng cao năng lực hàng hóa thông quan của cảng một cách kinh tế và bền vững.
Ngoài ra, Nhà nước cần có giải pháp đồng bộ để hỗ trợ DN xuất, nhập khẩu hàng hóa trực tiếp đi Mỹ, châu Âu,... về thuế, ưu tiên thông quan luồng xanh, đơn giản hóa các thủ tục kiểm tra chuyên ngành, có chính sách khuyến khích các DN đầu tư bến thủy nội địa, kho bãi logistics,... (DDDN)
---------------------------------
Châu Âu đưa Ireland ra tòa vì từ chối thu thuế của Apple
Liên minh châu Âu (EU) đang đưa Ireland ra tòa vì nước này từ chối thu 13 tỉ EUR, tương đương 15,3 tỉ USD, tiền thuế chưa trả của Apple.
Theo CNN, Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan chống độc quyền hàng đầu châu Âu, cho biết hồi năm 2016 rằng chính phủ Ireland trợ cấp bất hợp pháp cho Apple bằng cách giúp nhà sản xuất iPhone giữ hóa đơn thuế thấp trong hơn 20 năm.
Phía Ireland thì cáo buộc EU can thiệp vào chủ quyền đất nước. Apple bảo vệ động thái của họ và đang chuẩn bị hành động pháp lý trên tòa án EU. Việc vụ việc được đưa lên Tòa án Tư pháp châu Âu là điều đã được dự báo.
“Hơn một năm sau khi Ủy ban thông qua quyết định này, Ireland vẫn không thu hồi khoản tiền đó. Tất nhiên chúng tôi hiểu rằng trong một số trường hợp, việc thu tiền khó hơn và chúng tôi luôn sẵn sàng để hỗ trợ. Nhưng các nước thành viên EU cần có tiến độ phù hợp để khôi phục lại sự cạnh tranh”, Cao ủy châu Âu về cạnh tranh Margrethe Vestager nói.
Bộ Tài chính Ireland hôm 4.10 cho hay dù không bao giờ chấp nhận phân tích của EC trong vụ việc Apple, họ cũng đang nỗ lực thu hồi thuế. “Giới chức và chuyên gia Ireland đã và đang tích cực làm việc để bảo đảm rằng đất nước tuân thủ nghĩa vụ thu thuế của mình càng sớm càng tốt”, Bộ Tài chính Ireland tuyên bố.
Apple hiện chưa đưa ra bình luận. CEO Apple Tim Cook từng gọi phán quyết này là “không có cơ sở pháp lý hay thực tế”, cho biết nó nhắm trực tiếp vào hãng Apple.(Thanhnien)
----------------------
Tồn kho bất động sản nghỉ dưỡng quá cao vì sức cầu yếu
Công ty Cổ phần DKRA Việt Nam vừa công bố báo cáo thị trường bất động sản quý III với điểm nhấn là hàng tồn kho của bất động sản nghỉ dưỡng quá cao.
Cụ thể, trong quý này thị trường đón nhận 5 dự án mới, cung cấp ra thị trường 382 căn biệt thự nghỉ dưỡng nhưng tỉ lệ tiêu thụ chỉ đạt 22%.
Nguồn cung sơ cấp toàn thị trường biệt thự nghỉ dưỡng trong quý III đạt 1.039 căn. Các dự án tập trung chủ yếu ở Bà Rịa-Vũng Tàu, Khánh Hòa, Kiên Giang, Quảng Nam… Nguồn cung dồi dào nhưng sức cầu của thị trường không quá tốt. Tỉ lệ tiêu thụ của những dự án mới đưa ra thị trường chỉ đạt 15-20%.
Sự xuất hiện của nhiều địa danh mới như Bình Định tham gia vào phân khúc nghỉ dưỡng chứng tỏ các chủ đầu tư đã bắt đầu quan tâm đến những thị trường mới mẻ thay vì những địa danh đã quen thuộc như Đà Nẵng, Phú Quốc, Nha Trang…
“Nguồn cung đang có dấu hiệu tăng trong thời gian tới nhưng nhu cầu của thị trường lại rất thấp. Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận tỉ lệ hấp thụ chỉ đạt 10-15%. Thị trường đã có sự phân hóa, chỉ những chủ đầu tư lớn và có uy tín như Sungroup, Vingroup mới có tỉ lệ tiêu thụ tốt hơn thị trường”, ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần DKRA Việt Nam nói.
Ở phân khúc condotel, quý III đón nhận 8 dự án mới hoặc mở bán giai đoạn tiếp theo của những dự án cũ, cung cấp ra thị trường 4.096 sản phẩm, tăng gấp 2,2 lần so với quý trước. Tỉ lệ tiêu thụ đạt 1.128 căn condotel, tương đương 28% nguồn cung.
Từ đầu năm đến nay, nguồn cung sơ cấp của condotel đạt 6.013 căn. Các dự án tập trung chủ yếu ở Khánh Hòa, Bình Định, Đà Nẵng. Thị trường bùng nổ với hàng loạt dự án như The Coastal Hill của FLC Quy Nhơn, Condotel Sonasea Phú Quốc của CEO ở Kiên Giang, Tropicana Nha Trang của Miền Nhiệt Đới…
Nguồn cung sơ cấp dồi dào nhưng sức cầu của thị trường chưa tốt. Các dự án đưa ra có tỉ lệ hấp thụ khoảng 20-25%.
“Sau hai năm sôi động với cung và cầu mạnh thì thì bất động sản nghỉ dưỡng từ giữa 2017 có dấu hiệu giảm nhiệt do nguồn cung dồi dào, dẫn đến sự cạnh tranh mạnh mẽ. Một lý do quan trọng khác là thị trường nghỉ dưỡng hiện nay đang cần sự kiểm chứng thực tế từ các chương trình cam kết lợi nhuận mà đa số các dự án áp dụng.
Có một số dự án xuất hiệnnhững trục trặc trong việc thực hiện cam kết cũng như vấn đề về pháp lý nên khách hàng bắt đầu có sự nghi ngại sau thời gian đầu hào hứng”, ông Phạm Lâm nói.
DKRA Việt Nam cũng dự báo, nguồn cung thị trường bất động sản nghỉ dưỡng trong quý IV sẽ tiếp tục tăng nhưng lượng tiêu thụ sẽ không có nhiều đột phá.(NDH)
---------------------
Chính phủ sẽ “mở cửa bầu trời” để phát triển du lịch
Chính phủ vừa ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 08 ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị khóa XII về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Nhằm đạt được mục tiêu mà Nghị quyết đề ra, trong thời gian tới, bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện 8 nhiệm vụ.
Trong đó, cần nâng cao nhận thức về phát triển du lịch giúp mọi người dân hiểu được bản chất ngành du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hoá cao, mang nội dung văn hoá sâu sắc, đem lại hiệu quả nhiều mặt về kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị, đối ngoại và an ninh, quốc phòng; vị trí, vai trò động lực của ngành du lịch thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác.
Xây dựng chuyên trang, chuyên mục trên các phương tiện báo chí để tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và kiến thức về phát triển du lịch trong xã hội; quảng bá hình ảnh Việt Nam, bảo đảm du lịch là một trong những nội dung thường xuyên, tập trung trong chương trình truyền thông của các cơ quan thông tin đại chúng.
Bên cạnh đó, Chính phủ yêu cầu cơ cấu lại ngành du lịch. Cụ thể, xây dựng và triển khai Đề án cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới vận hành theo quy luật kinh tế thị trường.
Các địa phương có tiềm năng, lợi thế lớn về phát triển du lịch xây dựng đề án cơ cấu lại ngành du lịch của địa phương đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới; rà soát, điều chỉnh chiến lược và quy hoạch phát triển du lịch, chú trọng tập trung nguồn lực xây dựng các khu vực động lực phát triển du lịch…
Xây dựng, hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung các văn bản Luật liên quan như: Luật Du lịch 2017, Luật Nhập cảnh, Luật đầu tư 2014… cũng như các quy định pháp luật liên quan, tạo sự đột phá cho ngành. Đồngthời, ban hành các chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư vào du lịch, ưu tiên bố trí vốn cho công tác quy hoạch, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, xúc tiến quảng bá du lịch…
Nhiệm vụ khác của Chương trình là đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch. Trong đó, tập trung nguồn lực đầu tư, xây dựng tại các địa bàn trọng điểm, khu vực động lực phát triển du lịch; xây dựng, rà soát, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, đường không, đường biển và đường thủy nội địa phục vụ phát triển du lịch, nâng cao khả năng kết nối giao thông tới các khu, điểm du lịch.
Xây dựng các đề án, dự án cải thiện chất lượng dịch vụ, hạ tầng đường sắt, cảng biển, cảng thủy nội địa chuyên dùng phục vụ du lịch; đầu tư xây dựng các điểm dừng nghỉ trên các tuyến du lịch đường bộ; bảo đảm an toàn giao thông; tăng cường kết nối hàng không với các thị trường nguồn khách du lịch.
Thực hiện thương quyền 5 về vận tải hàng không (Quyền nhận hành khách, hàng hoá, thư tín từ nước thứ hai để chở đến nước thứ ba và quyền nhận hành khách, hàng hoá, thư tín từ nước thứ ba để chở đến nước thứ hai) và chính sách "mở cửa bầu trời"; tạo điều kiện cho các hãng hàng không trong nước và quốc tế mở các đường bay mới kết nối Việt Nam với thị trường nguồn khách du lịch, tăng cường tần suất các đường bay có sẵn; giải quyết các điểm nghẽn và tình trạng quá tải tại các cảng hàng không; khuyến khích đầu tư hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp, dự án dịch vụ du lịch quy mô lớn, các trung tâm mua sắm, giải trí chất lượng cao tại các địa bàn du lịch trọng điểm.
Chương trình cũng nêu rõ, đổi mới cách thức, nội dung, bảo đảm thực hiện thống nhất, chuyên nghiệp và hiệu quả trong hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch trong nước và nước ngoài; ứng dụng công nghệ tiên tiến trong công tác xúc tiến quảng bá du lịch; xây dựng và định vị thương hiệu du lịch quốc gia gắn với hình ảnh chủ đạo, độc đáo, mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc.
Tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch như xây dựng môi trường kinh doanh du lịch lành mạnh, minh bạch, bình đẳng, thuận lợi cho doanh nghiệp; bảo đảm an ninh, an toàn cho các hoạt động du lịch.
Bên cạnh đó, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp kinh doanh du lịch. Khuyến khích doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, đa dạng hóa loại hình, sản phẩm, dịch vụ du lịch; gắn du lịch với các hoạt động, sản phẩm văn hóa, nghệ thuật, làng nghề.
Cuối cùng, chương trình yêu cầu cần tạo điều kiện thuận lợi để người dân trực tiếp tham gia kinh doanh và hưởng lợi từ du lịch; xây dựng cộng đồng du lịch văn minh, thân thiện trong ứng xử với khách du lịch; hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn, du lịch sinh thái; phát huy vai trò của các tổ chức xã hội nghề nghiệp trong phát triển du lịch.(Trithuctre)