Singapore Airlines đặt mua 39 máy bay Boeing trị giá 13,8 tỉ USD; Nước cờ mới của Thế Giới Di Động khi mua Trần Anh; Nhiều doanh nghiệp Nhà nước còn nợ nần, thua lỗ
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 10-10-2017
- Cập nhật : 10/10/2017
Amazon khó phát triển tại Singapore vì nước này quá bé?
Trung tâm thương mại hay các cửa hàng mọc lên như nấm ở khắp nơi, thậm chí có nhiều trung tâm thương mại phải thu hẹp hoạt động sau khi mở rộng quá nhiều trước đó.
Amazon Singapore - Ảnh: Yahoo
Khi mà Amazon đang cố gắng thâm nhập sâu hơn vào thị trường Đông Nam Á bằng những bước tiến đầu tiên vào thị trường Singapore, hãng bán lẻ trực tuyến lớn của thế giới này đang đối diện với nhiều thử thách.
Người Singapore quá thích mua sắm ở các trung tâm thương mại và trước Amazon đã có quá nhiều đối thủ “đáng gờm” vào thị trường.
Vào tháng Bảy năm nay, Amazon đã bắt đầu cho sự hiện diện của mình bằng lời hứa giao hàng trong hai giờ dành cho những tài khoản mua hàng thuộc diện được ưu tiên, tuy nhiên đã có không ít vụ việc giao hàng chậm.
Ban đầu, công ty nào hẳn cũng có khó khăn, thế nhưng nếu tính đến cả chất lượng dịch vụ được đặt trên website của Mỹ - thị trường bán lẻ mà Amazon đã thống trị nhiều năm, Amazon vẫn không thể cạnh tranh được với Lazada hay Alibaba.
Đối với những người dân đảo quốc Singapore, trung tâm thương mại hay các cửa hàng mọc lên như nấm ở khắp nơi, thậm chí có nhiều trung tâm thương mại phải thu hẹp hoạt động sau khi mở rộng quá nhiều trước đó.
Tất nhiên, nhiều nhà bán lẻ khẳng định rằng sự tăng trưởng chững lại của doanh số có nguyên nhân từ việc kinh tế Singapore tăng trưởng chậm lại và mua sắm trực tuyến tăng lên. Lý do thứ nhất có thể chấp nhận được tuy nhiên lý do thứ hai hoàn toàn không hợp lý.
Số liệu của Euromonitor cho thấy trong năm ngoái, chỉ 4,6% hoạt động trên thị trường bán lẻ Singapore diễn ra trên mạng trong khi đó tỷ lệ tương đương tại Anh và Mỹ lần lượt đạt 15% và 10%.
“Singapore có diện tích quá nhỏ, chính vì vậy, người dân ở đây coi việc đi mua sắm là một thú vui khó bỏ”, chuyên gia quản lý quỹ tại Amundi Asset Management, ông Chan Hock Fai, nhận xét. Thị trường bán lẻ Singapore đồng thời cũng đã phát triển đến mức độ cao so với thị trường bán lẻ nhiều nước mới nổi khác.
Tính toán của Google và Temasek Holdings cho thấy quy mô ngành bán lẻ Đông Nam Á đến năm 2025 có thể đạt ước khoảng 88 tỷ USD. Tại châu Á, dù Amazon đã có vị thế vững chắc tại Nhật, nhưng tại Trung Quốc, Amazon đã phải chấp nhận rút lui để nhường thị trường cho Alibaba và JD.com.
Amazon hiện vẫn đang ưu tiên phát triển thị trường Ấn Độ, CEO của hãng, ông Jeff Bezos, đã cam kết sẽ đầu tư 5 tỷ USD để phát triển thị trường này và đánh bật đối thủ địa phương Flipkart Online Services. Sắp tới, Amazon nhiều khả năng sẽ tiến vào thị trường Australia.
Dù bước đầu không thành công nhưng Amazon vẫn đang kỳ vọng rất nhiều vào việc phát triển thị trường Singapore: “Chúng tôi đã mở dịch vụ Prime Now tại hơn 50 thành phố trên khắp chín nước và Singapore hiện là thị trường ưu tiên của chúng tôi. Chúng tôi rất hào hứng đón nhận phản ứng từ phía khách hàng.”
Bước đầu, Amazon đã đón nhận một số phản ứng khá tốt từ phía khách hàng. Cô Jin Yan Ang, một trong những khách hàng đầu tiên của Amazon, cho biết cô đã quyết định mua máy quay Go-Pro qua Amazon để dành cho kỳ nghỉ của mình. Sau đó cô còn mua thêm rượu và nhiều đồ nhu yếu phẩm khác.
Tại Singapore, Lazada hiện đã phát triển quá mạnh, Lazada cung cấp hơn 30 triệu loại mặt hàng trong khi đó Amazon chỉ có vài nghìn sản phẩm. Hiện nay mỗi tháng Lazada có đến 6,6 triệu khách hàng thường xuyên, số lượng các đơn đặt hàng trong năm 2017 đã tăng gấp đôi so với năm 2016.
“Tiềm năng thương mại điện tử phát triển mạnh ở Singapore là khá lớn. Hoạt động mua sắm ở đây tất nhiên bị cản trở nhiều bởi có quá nhiều trung tâm thương mại, tuy nhiên vẫn có nhiều người khác thích mua sắm trên mạng, chúng tôi tin chúng tôi vẫn đang phát triển đúng hướng ở Singapore”, CEO của Lazada ở Singapore, ông Alexis Lanternier, nhận định.
Ngoài ra, sự phát triển của thương mại điện tử tại Singapore còn vướng phải rào cản khác. Người tiêu dùng thích mua sắm trực tuyến ở nước này đã quen với việc mua hàng và vận chuyển trực tiếp từ Mỹ, Trung Quốc và nhiều thị trường khác.
Hãng bán lẻ trực tuyến Lazada mới đây cũng đã hợp tác với công ty bất động sản Capital Land. Họ cho phép người tiêu dùng đặt hàng trực tuyến và sau đó nhận món hàng ở một trung tâm thương mại gần nhất. Điều này đã giúp thu hẹp khoảng cách giữa mua sắm trực tuyến và mua sắm thực tế.
Mới đây, Amazon đã dùng 13,7 tỷ USD để thâu tóm công ty thực phẩm sạch WholeFoods. Tại Ấn Độ, Amazon cũng bỏ ra 5 tỷ USD để mua cổ phần tại Shopper Stop với kế hoạch mở thêm các điểm trải nghiệm sản phẩm cho người tiêu dùng thích mua đồ trực tuyến. Vẫn còn lý do để hy vọng vào sự phát triển của Amazon tại châu Á.(Bizlive)
--------------------------------
Thanh toán số toàn cầu cán mốc 726 tỉ USD đến năm 2020
CNBC trích nghiên cứu được hãng tư vấn Capgemini và ngân hàng BNP Paribas công bố hôm nay 9.10 cho biết tổng giá trị các giao dịch sử dụng công nghệ thanh toán số trên thế giới sẽ đạt 726 tỉ USD vào năm 2020. Các thị trường mới nổi đang dẫn đầu xu hướng tăng sử dụng thanh toán kỹ thuật số và theo dự báo, cải tiến về mặt công nghệ có thể thúc đẩy số giao dịch không dùng tiền mặt trong tương lai.
“Các khoản thanh toán không dùng tiền mặt tăng về khối lượng nhờ sự đi lên của việc áp dụng các dịch vụ thanh toán kỹ thuật số trên tất cả các phân khúc thị trường”, Christophe Vergne, sếp mảng thẻ và hoạt động thanh toán tại Capgemini cho biết. Dù số lượng giao dịch số tăng với tốc độ cao, giá trị USD trung bình của mỗi giao dịch sẽ giảm xuống một chút vì thanh toán số dần dần cạnh tranh với tiền mặt trong các giao dịch chi phí thấp.
Dựa vào phân tích xu hướng thanh toán năm 2014, 2015, báo cáo cho hay thẻ ghi nợ chiếm tỷ lệ cao nhất trong các thanh toán không dùng tiền mặt là 46,7%, thẻ tín dụng thì được dùng ở mức 19,5%. Số giao dịch không dùng tiền mặt giai đoạn 2014 - 2015 tăng 11,2%, mức tăng cao nhất trong thập niên qua. Ngược lại, thanh toán bằng séc thì ngày càng lạc hậu khi hạ 13,4% năm 2015.
Tại châu Á, thanh toán không tiền mặt được dự báo tăng 30,9% ở các thị trường như Ấn Độ và Trung Quốc. Thanh toán không dùng tiền mặt phát triển ở các thị trường mới nổi châu Á là nhờ tăng trưởng tốt, sự phổ biến của thanh toán bằng thiết bị di động và ví di động.
Dù vậy, tiền mặt vẫn sẽ là phương tiện thanh toán chính, đặc biệt đối với các giao dịch có giá trị thấp. Ông Vergne nói: “Dù thanh toán số đang tăng, báo cáo về cái chết của tiền mặt có thể đang bị phóng đại. Có nhiều trường hợp mà một hoặc nhiều thuộc tính của tiền mặt - chẳng hạn như tốc độ giao dịch, việc được chấp nhận rộng rãi, ẩn danh, miễn phí - không thể được thay thế bởi thanh toán kỹ thuật số”.
Báo cáo này trùng khớp với nhận định của giới chức Ngân hàng Trung ương Anh Victoria Cleland về tương lai tiền mặt hồi tuần trước. Bà Cleland cho biết: “Tiền mặt vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng đối với nhiều người, và đóng vai trò rất quan trọng đối với một số người”. Nghiên cứu thực hiện hồi tuần trước cũng cho hay nhiều người Mỹ thích thanh toán bằng tiền mặt hơn, dù tiền mặt chỉ phổ biến thứ nhì, sau thẻ ghi nợ. (Thanhnien)
--------------------
Nợ công liên tục tăng và nhiều rủi ro
Nợ công Việt Nam đang đối mặt nhiều rủi ro lớn, nếu vẫn duy trì tốc độ bội chi và bảo lãnh Chính phủ như hiện nay, nợ công sẽ vượt trần Quốc hội cho phép. Thậm chí, nợ công có thể giảm bền vững ngay cả khi nền kinh tế gặp những cú sốc nhẹ
Tốc độ nợ công tăng rất nhanh trong những năm gần đây. Ảnh minh họa: Như Ý.
Mức nợ đến lúc phải trả ngày càng tăng
Bộ Tài chính và Ngân hàng Thế giới (WB) vừa đưa ra Báo cáo chi - tiêu công Việt Nam. Theo báo cáo, thực trạng nợ công cho thấy, Chính phủ đang gặp những thách thức rất lớn để có thể duy trì nợ công an toàn.
Bà Vũ Hoàng Quyên, chuyên gia kinh tế cao cấp WB cho biết, giai đoạn 2011-2015, bội chi ngân sách Việt Nam bình quân lên đến 5,6% GDP/năm. Chi tiêu công tăng nhanh, vay nợ nhiều hơn. Trong khi thu ngân sách vẫn khó khăn và so với GDP lại sụt giảm (do giảm thu từ dầu thô, thuế xuất nhập khẩu, thu từ đất, ưu đãi thuế). Hệ quả, nợ công tăng mạnh trong thời gian qua, từ 58% GDP năm 2014 lên 61% năm 2015. “Điều này gây lo ngại về tính bền vững trong trung hạn”, bà Quyên nói.
Trong khi nợ công tăng nhanh, thì chi thường xuyên vẫn chiếm tỷ trọng ngày càng lớn, hiện chi thường xuyên đã lên tới hơn 70% trong tổng chi ngân sách, còn chi đầu tư chỉ khoảng 30%. Trong khi tỷ trọng của 2 khoản chi này giai đoạn 2006-2010 là 63:37. Điều này được các chuyên gia WB lý giải, chủ yếu do sức ép từ các đợt tăng lương cán bộ công chức, tăng biên chế, tăng chi an sinh. “Đặc biệt, các khoản lãi vay phải trả ngày càng tăng đang trở thành gánh nặng lớn với ngân sách. Năm 2015, chi trả lãi chiếm khoảng 8% tổng thu ngân sách của năm, nếu tính tổng chi trả nợ đã chiếm 15% số thu. Khoản chi này đang tiệm cận ngưỡng an toàn và cho thấy những rủi ro ngày càng lớn cho ngân sách”, đại diện WB đánh giá.
Nợ công (không bao gồm nợ của doanh nghiệp nhà nước) cũng tăng từ 51,7% GDP năm 2010 lên 61% GDP năm 2015. Trong đó, nợ trực tiếp của Chính phủ chiếm 43,3% GDP. Theo đánh giá của WB, mức nợ Chính phủ này tương đương các nước trong khu vực, nhưng đáng lo nhất là tốc độ nợ tăng nhanh, đã tăng 10% trong 5 năm qua, bất chấp thành tích tăng trưởng kinh tế ấn tượng. Nếu còn tiếp diễn, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những quan ngại nghiêm trọng về bền vững tài khóa. Cùng với đó, việc vay trong nước nhiều hơn cũng gây sức ép về trả nợ trong tương lai gần, khi đa số khoản vay đều ngắn hạn (chỉ 3-5 năm).
Theo tính toán của các chuyên gia WB và Bộ Tài chính, có tới phân nửa các khoản nợ trong nước của Chính phủ sẽ đáo hạn trong 3 năm tới. Dù báo cáo không đưa ra con số cụ thể số tiền phải trả, nhưng theo Bản tin nợ công số 5 (năm 2015) vừa được Bộ Tài chính công bố, nợ trong nước của Chính phủ tới hết năm 2015 còn hơn 54,6 tỷ USD (tương đương hơn 1,19 triệu tỷ đồng); nợ Chính phủ bảo lãnh vay trong nước hơn 9,4 tỷ USD (tương đương hơn 207,45 nghìn tỷ đồng); nợ chính quyền địa phương vay trong nước hơn 3,3 tỷ USD (tương đương hơn 73,6 nghìn tỷ đồng). Với phân nửa số nợ trên sẽ đáo hạn trong 3 năm tới, khi đó ngân sách nhà nước sẽ phải dành ra hơn 738 nghìn tỷ đồng (trên 33,6 tỷ USD) để trả nợ vay trong nước (chưa kể các khoản vay nước ngoài tới hạn).
Khó đủ đường
Theo WB, tuy nợ công vẫn nằm trong ngưỡng cho phép, nhưng Việt Nam đang đối mặt với nhiều rủi ro lớn. Bội chi ngân sách hiện vẫn cao (bình quân 5,6%/năm), nếu bội chi ngân sách và mức bảo lãnh của Chính phủ vẫn được duy trì như hiện nay, tỷ lệ nợ công trên GDP của Việt Nam sẽ tăng vượt trần cho phép (vượt 65% GDP) trong những năm tới. Điều này vẫn xảy ra kể cả khi tăng trưởng GDP duy trì ở mức cao và lãi huy động vẫn thuận lợi như hiện nay.
Mặt khác, dư địa ngân sách đang ngày càng trở nên mỏng, khiến nợ công có thể mất bền vững ngay cả khi nền kinh tế gặp những cú sốc nhẹ. Nghĩa vụ nợ dự phòng và nợ dự phòng tiềm ẩn (nợ của các doanh nghiệp nhà nước) nếu hiện thực hóa, có thể khiến Việt Nam càng dễ tổn thương với lộ trình nợ như hiện nay. Điều này vẫn xảy ra bất chấp cân đối thu - chi ngân sách cơ bản vẫn được quản lý cẩn trọng.
Vì vậy, theo đại diện WB, dù Chính phủ tăng kỷ luật tài chính của doanh nghiệp nhà nước và về nguyên tắc nhà nước không trả thay doanh nghiệp nhưng nếu doanh nghiệp nhà nước mất khả năng trả nợ, Chính phủ vẫn phải can thiệp. Do đó, các chuyên gia lưu ý công tác quản lý nợ phải tính tới những rủi ro đó và phải duy trì được khoản dư ngân sách đủ để xử lý những cú sốc nếu xảy ra. Đồng thời Chính phủ cần phải có chính sách phòng trước nếu những rủi ro có thể thành hiện thực.
“Nếu tình hình ngân sách hiện nay không được điều chỉnh, hoặc không có lộ trình giảm bội chi ngân sách, lộ trình nợ của Việt Nam sẽ sớm đi vào vùng có rủi ro cao. Từ đó, gây trở ngại cho tăng trưởng và ổn định vĩ mô”, đại diện WB đánh giá. Ông Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính) bày tỏ hy vọng có thể kiểm soát bội chi bình quân 4% GDP trong giai đoạn 2016-2020; tái cơ cấu các khoản nợ từ ngắn hạn sang dài hạn và siết chặt chi tiêu. “Hy vọng trong 5 năm hoặc cùng lắm là 10 năm, ta có thể đưa nợ công về mức an toàn”, ông Tân nói.
Thứ trưởng Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, báo cáo chi tiêu công đã đưa ra bức tranh khá toàn cảnh về nợ công của Việt Nam. Trong đó, chỉ ra các thách thức quan trọng với chi tiêu công và các gợi ý 68 giải pháp xử lý. “Để đảm bảo bền vững ngân sách, rõ ràng phải quản lý nợ công không chỉ ở trung ương, cả nợ công địa phương, các khoản nợ công không chính thức, nợ dự phòng, nợ xây dựng cơ bản…”, ông Tuấn nói. (Tienphong)
----------------------
Từ nhập siêu, Việt Nam chuyển sang xuất siêu 328 triệu USD trong 9 tháng đầu năm
Cán cân thương mại 9 tháng đầu năm 2017 đạt mức thặng dư 328 triệu USD. Con số này vượt so với ước tính trước đó của Tổng cục Thống kê là nhập siêu 442 triệu USD.
Thế số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu tháng 9/2017 đạt 19,3 tỷ USD, giảm 2,1% so với tháng 8. Tuy nhiên, tính chung trong 9 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt 154,3 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2016.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tháng 9 đạt 14 tỷ USD, tăng 0,1% so với tháng 8, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu của khu vực trong 9 tháng lên 109,1 tỷ USD, tăng 21,4%.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam trong tháng 9 đạt 18,2 tỷ USD, tăng 0,3% so với tháng 8. Tổng kim ngạch nhập khẩu trong 9 tháng đầu năm 2017 đạt 153,9 tỷ USD, tăng 22,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Như vậy, cán cân thương mại tháng 9 đạt mức thặng dư 1,1 tỷ USD. Tính chung 9 tháng đầu năm, cả nước xuất siêu 328 triệu USD.
Số liệu xuất nhập khẩu lũy kế theo từng tháng 2017
Con số này vượt so với số liệu ước tính của Tổng cục Thống công bố trước đó. Theo số liệu từ Tổng cục, tính chung 9 tháng năm nay, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 154 tỷ USD, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Ở chiều ngược lại, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu đạt 154,5 tỷ USD, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa 9 tháng năm 2017, Việt Nam nhập siêu 442 triệu USD.
Đây được coi là tín hiệu đáng mừng bởi các năm gần đây Việt Nam luôn là nước có tỷ lệ nhập siêu cao.
Trong tháng 9, có 3 mặt hàng nhập khẩu vượt mức 1 tỷ USD. Trong đó, dẫn đầu là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với 3,7 tỷ USD, tăng 22,3% so với tháng 8. Đứng thứ 2 là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 2,6 tỷ USD giảm 9,6%. Đứng thứ 3 là điện thoại các loại và linh kiện với 1,9 tỷ USD, tăng 32,6%.
Nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu vượt 1 tỷ USD trong tháng 9 có xu hướng giảm so với tháng 8, trừ mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện. Có 5 mặt hàng xuất khẩu nằm trong nhóm này là hàng dệt may (2,3 tỷ USD, giảm 11,2%); giày dép các loại (1,04 tỷ USD, giảm 17,8%); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (2,4 tỷ USD, giảm 0,4%); điện thoại các loại và linh kiện (4,8 tỷ USD, tăng 17,6%); máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác (1,07 tỷ USD, giảm 13,2%).(NDH)