tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 04-01-2018

  • Cập nhật : 04/01/2018

Cứ 3 khách quốc tế đến Việt Nam có 1 từ Trung Quốc

 Trong 12,9 triệu du khách quốc tế đến Việt Nam năm 2017 có đến hơn 4 triệu lượt là khách Trung Quốc. Số du khách từ láng giềng phương Bắc đã tăng gấp rưỡi trong năm qua.

khach du lich chau a chiem phan lon trong co cau du khach den viet nam. trong anh: doan khach du lich nhat ban tai hoi an, quang nam - anh: nhu binh

Khách du lịch châu Á chiếm phần lớn trong cơ cấu du khách đến Việt Nam. Trong ảnh: đoàn khách du lịch Nhật Bản tại Hội An, Quảng Nam - Ảnh: NHƯ BÌNH

Theo Tổng cục Thống kê, lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam trong năm 2017 tăng hơn 48% so với năm ngoái, góp phần không nhỏ trong 12,9 triệu du khách đến Việt Nam, tăng 2,9 triệu lượt so với năm 2016.

Sự tăng mạnh của nhóm khách Trung Quốc gắn với những điểm đến Nha Trang, Phan Thiết, Phú Quốc và bắt đầu "để ý" đến TP.HCM. 

Ngay tại TP.HCM, trong năm 2017 cũng đã đón 600.000 lượt khách Trung Quốc, tăng 200.000 lượt so với năm trước.

Nhìn trong cơ cấu khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, đa phần khách của thị trường châu Á với khoảng 9,8 triệu lượt, chiếm 76% tổng lượng khách đến trong năm 2017.

Nhóm khách thị trường Hàn Quốc cũng được xem là hiện tượng của du lịch Việt Nam năm rồi. 

Lượng khách Hàn Quốc đến Việt Nam năm qua đạt 2,4 triệu lượt, tăng 1,54 triệu lượt so với năm 2016, thị trường lớn thứ 2 của du lịch Việt Nam.

Theo ông Seok Joo Lee - giám đốc điều hành của Hãng hàng không Jeju Air, đây là sự tăng trưởng vượt bậc và đáng ngạc nhiên vì trước đó, khi mở các đường bay mới đến những thành phố ở Việt Nam như Nha Trang, Đà Nẵng..., từ những dè dặt ban đầu đến nay các chuyến bay đến Việt Nam đều kín chỗ, hơn 80% hành khách của hãng là khách Hàn Quốc, theo ông Lee.

Trong khi đó, khách đến từ châu Âu ước đạt 1,89 triệu lượt khách, tăng 16,6%, khách đến từ châu Mỹ đạt 817.000 lượt, tăng 11,1%, khách đến từ châu Úc đạt 420.900 lượt người, tăng 14,3% và khách đến từ châu Phi đạt 35.900 lượt người, tăng 25,6%.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy khách đến bằng đường hàng không đạt 10,9 triệu lượt người, tăng 32,1%.

Trong khi đó khách đến bằng đường bộ đạt 1,8 triệu lượt người, tăng 19,5%, đến bằng đường biển đạt 258.800 lượt người, giảm 9,1%.

Ông Lã Quốc Khánh, phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho biết cấu trúc thị trường khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và TP.HCM đang có sự thay đổi, do đó thành phố đang tìm cách thay đổi, tái cấu trúc trở lại kể cả định hướng lại cho doanh nghiệp trên cơ sở các thế mạnh đang khai thác. 

"Thời gian tới, dựa trên thị hiếu của khách từ các thị trường này mà thành phố có hướng phát triển các sản phẩm du lịch cho phù hợp", ông Khánh nói.(Tuoitre)
----------------------------

Năm 2018 mở đường bay thẳng đến Mỹ

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án định hướng phát triển đường bay trực tiếp giữa Việt Nam và các quốc gia, địa bàn trọng điểm nhằm thúc đẩy đầu tư phát triển, tăng cường giao lưu, hội nhập quốc tế.

Mục tiêu của đề án là nhằm phát triển mạng đường bay quốc tế giữa Việt Nam và các thị trường trọng điểm của Việt Nam gồm Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia, Nga, Đức, Úc, Pháp, Anh và Ấn Độ cũng như các thị trường tiềm năng khác như Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, Nam Phi... Phát triển hoạt động hàng không với hoạt động du lịch hướng đến năm 2020, Việt Nam thu hút được 17-20 triệu lượt khách quốc tế, tổng giá trị du lịch đóng góp 10%-12% GDP và giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 20 tỉ USD.

Năm 2018 mở đường bay thẳng đến Mỹ - Ảnh 1.

Hãng hàng không nước ngoài sẽ được khuyến khích phát triển đường bay trực tiếp đến các điểm du lịch tại Việt Nam Ảnh: Tấn Thạnh

Về định hướng quảng bá, khuyến khích các hãng hàng không phát triển đường bay trực tiếp giữa Việt Nam và các thị trường trọng điểm, tạo điều kiện tối đa về giá dịch vụ chuyên ngành hàng không khi mở đường bay quốc tế mới, giờ hạ cất cánh, hình thức khai thác thường lệ và không thường lệ, khai thác kết hợp nhiều điểm đến tại Việt Nam cho các hãng hàng không nước ngoài phát triển đường bay trực tiếp từ các thị trường trọng điểm, đồng thời tăng tần suất trên các đường bay quốc tế hiện có đến các cảng hàng không quốc tế và các cảng hàng không nội địa được phép tiếp nhận các chuyến bay quốc tế của Việt Nam. Tạo điều kiện tối đa về giá dịch vụ chuyên ngành hàng không khi mở đường bay quốc tế mới…

Định hướng đến năm 2020, các hãng hàng không Việt Nam mở đường bay mới từ Đà Nẵng, Hải Phòng, Nha Trang, Phú Quốc, Đà Lạt, Huế, Cần Thơ... đến các địa phương của Trung Quốc như: Trùng Khánh, Đại Liên, Hải Khẩu, Vũ Hán, Ninh Ba, Hải Nam, Tây An, Trường Xuân, Phúc Châu, Quế Lâm, Quý Dương, Cáp Nhĩ Tân, Lan Châu, Thẩm Dương, Hạ Môn, Tây Song Bản Nạp, Trịnh Châu... Mở mới đường bay đến Nga như Ekaterinburg, Vladivostok; mở mới đường bay giữa Đà Nẵng và Nga; khai thác lại đường bay Nha Trang đến Moskva... Về định hướng phát triển đường bay đến Mỹ, Vietnam Airlines lựa chọn mở mới đường bay thẳng ban đầu là một điểm tại bờ Tây (San Francisco, Los Angeles) vào năm 2018. Xác định sản phẩm du lịch Việt Nam cho khách du lịch Mỹ là du lịch về thăm chiến trường xưa, thăm thân, nghỉ dưỡng và nghỉ dưỡng biển đảo, sản phẩm du lịch văn hóa lịch sử, sản phẩm du lịch miệt vườn.(NLĐ)
-------------------------------

Đường ống dẫn dầu mới hoạt động, nâng gấp đôi xuất khẩu dầu thô Nga-Trung

Đường ống dẫn dầu thứ hai giữa Nga và Trung Quốc đã đi vào hoạt động, nâng gấp đôi lượng xuất khẩu dầu thô của Nga sang nước láng giềng phương Đông.

Ảnh minh họa: Reuters

Theo Tân Hoa Xã, đường ống mới là một phần của hệ thống đường ống dẫn dầu Đông Siberia – Thái Bình Dương (ESPO) đã bắt đầu đi vào hoạt động ngày 1/1. Dự án này sẽ tăng cường hợp tác năng lượng giữa Moskva và Bắc Kinh và phục vụ cho Sáng kiến “Vành đai và con đường” của Bắc Kinh. 

Bắt nguồn từ Skovorodino, Nga, đường ống này đã kéo dài tới Mohe, tỉnh cực Bắc của Trung Quốc, trước khi đi qua khu vực tự trị Nội Mông tới vùng Daqing thuộc tỉnh Hắc Long Giang ở phía Đông Bắc Trung Quốc.

Nhờ đường ống dẫn dầu thứ hai này, lượng xuất khẩu dầu thô mỗi năm của Nga sang Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi, từ 15 triệu tới 30 triệu tấn dầu thô, tương đương 600.000 thùng dầu/ngày. Mức xuất khẩu này khiến Nga vượt qua Angola và Saudi Arabia để trở thành nhà cung cấp dầu thô lớn nhất cho Trung Quốc.

Công trình xây dựng đường ống dẫn dầu mới Nga-Trung bắt đầu từ tháng 8/2016. Đường ống đầu tiên của hệ thống ESPO bắt đầu bơm dầu trực tiếp từ Nga sang Trung Quốc vào năm 2011. Khoảng 110 triệu tấn dầu đã được bơm qua đường ống này. Một phần của đường ống này bơm dầu xung quanh Trung Quốc tới vùng viễn đông của Nga, phục vụ cho cảng chứa dầu chuyên dụng trên biển ở Kozmino.(Baotintuc)
----------------------------

Kinh tế Indonesia cán mốc 1.000 tỉ USD

Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á vừa cán mốc quan trọng vào năm ngoái, song chính phủ nước này lại không đạt mục tiêu nguồn thu.

Theo Bloomberg, số liệu được Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati công bố cho thấy GDP của nước này ước tính đạt 1.004 tỉ USD trong năm 2017, song tăng trưởng kinh tế có lẽ thấp hơn mức 5,2% được dự báo ban đầu.

Dù có số dân lớn thứ tư thế giới, chính phủ Indonesia không thu thuế từ người dân nhiều. Nguồn thu chính phủ đạt 14% GDP năm 2016, thấp hơn so với nhiều nước khác. Đây là trở ngại chính đối với sức tăng trưởng và nâng bậc xếp hạng tín nhiệm. Nguồn thu chính phủ đạt 80.000 tỉ rupiah, tương đương 5,9 tỉ USD, năm ngoái, chưa đạt mục tiêu.

Bà Indrawati, người tuyên bố cải cách thuế sau khi nhậm chức vào năm 2016, cho hay chính phủ phải đạt được cân bằng trong việc theo đuổi các mục tiêu nguồn thu. Nước này cũng không muốn gây áp lực lên giới doanh nghiệp vốn đang căng thẳng vì giá cả hàng hóa biến động mạnh.

“Nếu nhìn lại năm 2014, 2015 và 2016, chúng ta sẽ thấy mục tiêu thuế quá cao, gây ra nhiều nghi ngại về độ tín nhiệm của ngân sách nhà nước. Trong tương lai, chúng tôi sẽ cải cách quá trình thu thuế và sự phối hợp giữa các cơ quan”, bà Indrawati cho hay.

Dù thu thuế thấp, chính phủ cũng không chi ít hơn dự kiến. Vì thế, Indonesia thâm hụt ngân sách khoảng 2,6% GDP. Chính phủ đặt mục tiêu giữ thâm hụt ngân sách dưới 3% GDP.(Thanhnien)

Trở về

Bài cùng chuyên mục