Myanmar tranh cãi vụ mua xe buýt Trung Quốc; Doanh nghiệp Việt Nam nỗ lực thâm nhập Thái Lan; Phó Chủ tịch Samsung bị đề nghị 12 năm tù; Việt Nam sẽ không xuất khẩu cát nhiễm mặn nữa
Tin kinh tế đọc nhanh tối 05-01-2018
- Cập nhật : 05/01/2018
Doanh số điện thoại Nokia tăng mạnh
Hãng nghiên cứu Counterpoint vừa đưa ra báo cáo liên quan đến doanh số bán hàng điện thoại của HMD trong quý 3/2017, với 2,8 triệu smartphone Nokia đã được bán ra trên toàn thế giới.
Theo PhoneArena, trong khung thời gian tương tự, Counterpoint cho biết HMD đã bán được 13,5 triệu điện thoại cơ bản thương hiệu Nokia. Trong cùng quý, Nokia xếp vị trí thứ 16 về doanh số bán hàng trong số các nhà sản xuất smartphone, và đứng thứ 3 trong danh mục điện thoại cơ bản. Kết hợp cả hai, Nokia là nhà sản xuất thiết bị cầm tay lớn thứ 8 trên thế giới.
Báo cáo cho biết thêm rằng doanh số 2,8 triệu smartphone Nokia mà HMD bán ra trên toàn cầu trong quý 3 đã giúp hãng vượt doanh số 1,5 triệu smartphone đã đạt được trong nửa đầu năm 2017. Được biết, các báo cáo gần đây cũng nói thêm rằng doanh số điện thoại Nokia tiếp tục được đánh giá tốt trong quý cuối cùng của năm 2017.
Cũng theo báo cáo, bộ phận điện thoại cơ bản của Nokia đã đạt kết quả khả quan vào năm ngoái nhờ sự xuất hiện trở lại của thành viên Nokia 3310 biểu tượng. Đây là phiên bản hoài cổ của Nokia 3310 được xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2000, và phiên bản ra mắt sau đó 17 năm vừa được cập nhật thêm tính năng 3G.
Nhiều kỳ vọng sự tăng trưởng đang được đặt ra cho HMD vào năm 2018 này nhờ những nỗ lực của công ty trong việc tung ra các sản phẩm mới. Một trong những sản phẩm đáng xem nhất chính là Nokia 9 - chiếc smartphone với màn hình 5,5 inch cho tỷ lệ khung hình 18:9 kết hợp chip xử lý Snapdragon 835 bên trong. Phía sau máy tích hợp camera kép với ống kính Carl Zeiss và cài sẵn hệ điều hành Android 8.0.(Bizlive)
-----------------------------
Ấn Độ không chấp nhận các đồng tiền ảo
Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Arun Jaitley tuyên bố đồng Bitcoin và bất kỳ các đồng tiền ảo tương tự không phải là tiền tệ hợp pháp.
Bên cạnh đó, các bên tham gia giao dịch liên quan đến các đồng tiền này phải tự chịu rủi ro.
Tuyên bố của ông Jailey được đưa ra tại Hạ viện nước này trước lo ngại của một số nghị sỹ về việc kinh doanh tiền ảo.
Trả lời câu hỏi của nghị sỹ Kanimozhi trong phiên chất vấn về việc liệu chính phủ Ấn Độ có xem xét điều chỉnh các đồng tiền ảo như Bitcoin hay Ethereum hay không, ông Jaitley cho biết quan điểm nhất quán của Chính phủ Ấn Độ là các loại tiền tệ như vậy không phải là đồng tiền hợp pháp.
Trước đó, Bộ Tài chính Ấn Độ đã nhấn mạnh rằng các loại tiền kỹ thuật số không có giá trị hợp pháp và không được hỗ trợ bởi bất kỳ loại tài sản nào. Việc đầu tư vào tiền ảo có nguy cơ bị đổ vỡ bất kỳ lúc nào với hậu quả kéo dài.
Quyết định của chính phủ Ấn Độ - nền kinh tế đứng thứ 6 thế giới với trị giá gần 2.300 tỷ USD - là “đòn” tiếp theo đánh vào giá trị của đồng Bitcoin sau khi nhiều nước tại châu Á không thừa nhận hoặc cảnh báo về rủi ro của đồng tiền này.
Mới đây nhất là Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BoT) đã khẳng định quan điểm không thừa nhận tiền ảo Bitcoin và cho biết sẽ hợp tác với cơ quan chống rửa tiền để ngăn chặn tiền ảo trở thành công cụ của tội phạm rửa tiền. BoT cũng cảnh báo người dân không đầu tư vào tiền ảo do ẩn chứa rất nhiều rủi ro
Bitcoin là đồng tiền điện tử đầu tiên trên thế giới, đồng thời là đồng tiền điện tử phát triển "nóng" nhất. Năm 2017 là năm đã chứng kiến tốc độ "phi mã" chóng mặt của đồng tiền này.
Giá trị đồng Bitcoin biến động liên tục, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các nhà đầu tư. Giá Bitcoin đã giảm gần 40% từ mức cao kỷ lục là 19.500 USD trong tháng này, khi các nhà đầu tư rút vốn sau khi giá đồng Bitcoin tăng cao.(NCĐT)
------------------------
3 yếu tố chính ảnh hưởng thị trường toàn cầu 2018
2018 được dự đoán sẽ là một cuộc chạy đua "căng não" dành cho các nhà đầu tư toàn cầu, với vấn đề căng thẳng địa chính trị lặp đi lặp lại và những cơn bùng nổ khó lường của ngành công nghệ.
Bên cạnh Thế vận hội mùa đông và World Cup, các doanh nhân có thể sẽ còn phải theo dõi những thách thức hạt nhân của Triều Tiên, ảnh hưởng của Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu), cải cách kinh tế của Trung Quốc và cuộc bầu cử giữa kỳ của Mỹ trong 12 tháng tới.
Dưới đây là ba chủ đề được đánh giá là nổi bật hơn cả trong số những vấn đề chính có thể gây ảnh hưởng đến bức tranh toàn cảnh thị trường toàn cầu trong năm 2018, theo tổng hợp từ CNBC.
Cuộc công kích các “ông lớn” công nghệ
Daniel Franklin, Tổng biên tập của tờ The Economist, trong một cuộc phỏng vấn với CNBC cho biết, ông tin rằng một trong những chủ đề được chú ý nhất trong năm 2018 chắc chắn sẽ là các đợt công kích nhắm vào nhóm công ty công nghệ lớn. Trong những tháng tới, các nhà lập pháp trên khắp thế giới nhiều khả năng sẽ tăng áp lực lên các công ty công nghệ đa quốc gia như Facebook, Google và Amazon.
“Các công ty này đã trở nên đáng lo ngại. Cách họ sử dụng dữ liệu không phải lúc nào cũng là điều làm người dùng cảm thấy thoải mái và khiến công chúng phải đặt ra câu hỏi rằng liệu nền tảng của họ có đang được dùng cho các mục đích chính trị hay không”, ông Franklin nói.
Một số công ty công nghệ Mỹ đã đặt trụ sở chính của họ tại các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) để được hưởng các chế độ thuế ưu đãi. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc đa số lợi nhuận của các công ty này đều đến tại các quốc gia châu Âu. Khi được hỏi liệu phản ứng dữ dội được dự đoán sẽ xảy đến đối với các công ty công nghệ lớn nhất thế giới sẽ là nỗi lo cho châu Âu hay Mỹ, ông Franklin nói: “Tôi nghĩ rằng thực sự cả hai đều bị ảnh hưởng”.
Theo ông Franklin, các công ty xuyên Đại Tây Dương cũng cần phải chú ý đến một số quy định về Tiêu chuẩn bảo vệ dữ liệu chung (GPDR). GPDR đại diện cho luật bảo vệ dữ liệu trên khắp EU. Việc không tuân thủ GPDR có thể dẫn đến mức phạt tương đương 4% doanh thu toàn cầu hoặc 20 triệu euro (khoảng 23,5 triệu USD).
Câu hỏi quan trọng: Liệu tăng trưởng toàn cầu có thể tiếp tục trong năm 2018?
“Chúng tôi nghĩ là có”, các nhà phân tích của ngân hàng USB nhận định. Theo các nhà nghiên cứu của ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ, điều kiện tài chính ở Mỹ và châu Âu hiện tương đối “dễ dàng” và hầu hết các điều chỉnh của nền kinh tế toàn cầu đang giúp tạo ra sân chơi rộng hơn và tự do để bắt kịp tăng trưởng. Các chuyên gia này dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ đạt 3,8% vào năm 2018, ngang bằng với năm 2017, với sự tham gia của tất cả các nền kinh tế lớn.
Trong khi đó, hãng kiểm toán PwC dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ đạt 3,7% trong năm nay. PwC cho biết chu kỳ hồi phục đã diễn ra mạnh hơn dự kiến ở khu vực đồng euro và tăng trưởng mạnh mẽ ở Mỹ sẽ hỗ trợ sự mở rộng chung.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron
Theo ông Daniel Franklin, năm nay thế giới sẽ thấy hai ý thức hệ kinh tế - chính trị tiếp tục cạnh tranh nhau. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hứa hẹn một hình thức hợp tác mới về xã hội hóa toàn cầu, thúc đẩy cạnh tranh và kinh doanh, trong khi vẫn bảo vệ cho những người lao động không được chú ý bởi sự phát triển này. Còn Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn tập trung vào chương trình nghị sự với tiêu chí đặt nước Mỹ lên hàng đầu.
Trong suốt 12 tháng đầu tiên của mình tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump không ít lần bị chỉ trích vì đã ưu tiên quyền lợi của Mỹ trong mối quan hệ với các đối tác và liên minh quốc tế. Tuy nhiên, ông Trump nhấn mạnh rằng ông muốn tạo ra công ăn việc làm tốt cho công dân Mỹ. Bên cạnh việc cắt giảm thuế, ông Trump đồng thời cũng hứa hẹn một kế hoạch đầy tham vọng đầu tư vào cơ sở hạ tầng.
Hai hệ tư tưởng đối lập của hai nhà lãnh đạo đã nhiều lần thể hiện rõ trên sân khấu quốc tế. Ngay sau khi Tổng thống Trump quyết định rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, ông Macron đã thông báo một sáng kiến mang tên “Make our planet great again” (tạm dịch “Làm cho hành tinh chúng ta vĩ đại trở lại”), một sự mỉa mai rõ ràng đối với chiến dịch “Make America Great Again” (Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại) được Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ đưa ra trước đó.
Được biết, ông Macron cũng muốn cải thiện nền kinh tế Pháp bằng cách làm cho thị trường lao động trở nên linh hoạt hơn. Tuy nhiên, những chính sách của ông đến nay vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi với công đoàn.(thanhnien)
-----------------------
Tồn kho bất động sản giảm 17% năm 2017
Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia vừa đưa ra báo cáo về khu vực Bất động sản năm 2017.Nguồn ảnh: Novaland
Cụ thể, Ủy ban nhận định, giá bất động sản năm 2017 không nhiều biến động. Giá bán tăng chủ yếu ở loại hình bất động sản trung - cao cấp. Cụ thể, giá nhà ở trong khu vực nội đô tại một số dự án căn hộ trung - cao cấp, vị trí thuận lợi, hạ tầng đồng bộ, tiến độ thi công tốt, chủ đầu tư uy tín, có chính sách bán hàng và khuyến mại hấp dẫn tăng từ 3-10% trong năm 2017.
Trong đó, loại hình căn hộ cao cấp tăng cao nhất, với mức tăng từ 7-10%, loại hình căn hộ trung cấp tăng từ 5-7% và loại hình nhà ở bình dân tăng nhẹ nhất với mức tăng từ 3-5% .
Lượng giao dịch tăng khá so với cùng kỳ, trong đó phân khúc trung và cao cấp có lượng giao dịch tốt nhất. Số lượng giao dịch thành công ước đạt 68.000 căn, với tỷ lệ hấp thụ thị trường trung bình đạt khoảng 79%. Trong đó, số lượng giao dịch thành công của phân khúc trung và cao cấp chiếm khoảng hơn 50%.
Tồn kho bất động sản năm 2017 tiếp tục giảm. Tổng giá trị tồn kho bất động sản của cả nước còn khoảng 25.700 tỷ đồng, giảm 17% (tương đương với 5.300 tỷ đồng) so với tháng 12/2016. Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục là hai địa phương có giá trị tồn kho bất động sản lớn nhất, chiếm tới 40% tổng lượng tồn kho của cả nước.
Nguồn vốn chảy vào khu vực bất động sản Dòng vốn Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực bất động sản tiếp tục xu hướng tăng. Theo Cục đầu tư nước ngoài - Bộ KH&ĐT, dòng vốn FDI vào bất động sản trong 11 tháng đầu năm đạt 2,5 tỷ USD, đứng thứ 3 về lĩnh vực thu hút vốn FDI, chiếm 7,6% tổng vốn FDI vào Việt Nam. Vốn FDI vào bất động sản tăng 54,8% so với cùng kỳ năm 2016.
Năm 2017, tỷ trọng tín dụng vào hoạt động kinh doanh bất động sản và xây dựng giảm nhẹ. Tỷ trọng tín dụng vào lĩnh vực này chiếm 15,8% trong tổng tín dụng (năm 2016 là 17,1%). Trong đó, vào lĩnh vực xây dựng khoảng 9,9%, vào hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm khoảng 5,9%.(NCĐT)