Hệ thống hải quan tự động tại cảng biển: Giảm 253 giờ công lao động/ngày; Điểm mới của Luật Quản lý nợ công (sửa đổi); AFDCM+3: Dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2018 đạt khoảng 4%; Vị thế đang lên của Việt Nam sau APEC
Tin kinh tế đọc nhanh 17-12-2017
- Cập nhật : 17/12/2017
''Nhà đầu tư tiền ảo nên chuẩn bị tinh thần cho cảnh trắng tay''
Ông Andrew Bailey
Theo CNBC, Giám đốc điều hành Cơ quan Kiểm soát tài chính Anh (FCA) Andrew Bailey cho biết: “Nếu bạn muốn đầu tư vào Bitcoin, bạn nên chuẩn bị cho cảnh mất hết tiền vốn”.
Ông Bailey cho hay việc Bitcoin không có sự hậu thuẫn của các chính phủ và ngân hàng trung ương là lý do khiến nó không phải là khoản đầu tư an toàn. Rót vốn vào Bitcoin cũng như cờ bạc vì có cùng mức độ rủi ro.
Chuyện Bitcoin tăng giá khủng trong năm nay khiến các nhà phê bình và những người đam mê tiền ảo ngạc nhiên. Hiện giới đầu tư vẫn tranh luận để hiểu các yếu tố thúc đẩy cuộc đua giá cả của đồng tiền ảo. Bitcoin có giá 17.159 USD hôm 15/12, theo CoinDesk. Đồng tiền ảo có vốn hóa thị trường khoảng 291 tỷ USD. Cách đây một năm, 1 Bitcoin có giá 780 USD.
“Nhìn vào những gì đang xảy ra trong năm nay, tôi muốn lên tiếng cảnh báo… Chúng ta biết tương đối ít về những lý do khiến giá Bitcoin tăng”, ông Bailey nói.
Dù vậy, mối quan tâm lớn của các nhà đầu tư tổ chức và nhỏ lẻ khiến nhiều sàn giao dịch toàn cầu, chẳng hạn như CBOE, CME và Nasdaq, đang và sẽ mở thị trường kỳ hạn bitcoin. CME hiện sẵn sàng cho ra mắt sản phẩm hợp đồng kỳ hạn Bitcoin vào cuối tuần này. Một hãng điều hành sàn giao dịch chứng khoán Đức và một công ty tài chính Nhật Bản cũng thể hiện sự quan tâm với việc mở thị trường tương lai Bitcoin.
Theo một số chuyên gia, hợp đồng kỳ hạn là bước ngoặt với Bitcoin, đại diện cho bước đi hợp pháp hóa tiền ảo. Những người lạc quan về Bitcoin thường cho rằng nguồn cung giới hạn ở mức 21 triệu đồng tiền ảo này là lý do khiến Bitcoin vững giá. Tương tự như vàng, số Bitcoin trong lưu thông tăng lên theo tỷ lệ cố định và ngày càng giảm.(Thanhnien)
------------------------------------
“Bí mật bẩn thỉu” của bitcoin
Theo Alex de Vries – chuyên gia phân tích blockchain tại PwC, tổng lượng điện tiêu thụ được sử dụng trong quá trình đào bitcoin đã tăng 30% trong tháng trước. Vries cho rằng cứ với đà tăng này ở phạm vi rộng hơn nữa, tiền số sẽ “giết chết” hành tinh này.
Đồng tiền số này đã khiến thị trường tài chính quốc tế đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác với mức tăng giá chóng mặt sau khi nhà đầu tư đổ xô vào loại tài sản chỉ tồn tại trong không gian mạng. Thế nhưng quá trình khai thác bitcoin được thực hiện bởi những hệ thống siêu máy tính của các “thợ đào” miệt mài đi tìm “kho báu” đang tạo ra những hệ lụy hoàn toàn thực tế: có nơi lượng năng lượng khổng lồ được sử dụng để chạy các hệ thống máy tính này đang làm ô nhiễm môi trường.
8 nhà kho, mỗi cái có chiều dài 100m tọa lạc ở miền Bắc Trung Quốc, là một ví dụ điển hình. Đó là những “trang trại” khai thác bitcoin của Bitman Technologies ở Nội Mông với khoảng 25.000 chiếc máy tính chạy suốt ngày đêm để giải các thuật toán hóc búa đã được mã hóa. Toàn bộ máy móc được chạy bằng điện sản sinh từ than đá. Và ở Trung Quốc số lượng những mỏ khai thác như vậy đang tăng lên nhah chóng.
Theo Digiconomist Bitcoin Energy Consumption Index, trên phạm vi toàn cầu tổng lượng điện được sử dụng để đào bitcoin có thể tương đương với lượng tiêu thụ điện của 3 triệu hộ gia đình Mỹ. Càng có nhiều bitcoin được tạo ra thì các bài toán phải giải càng khó hơn, đồng nghĩa sẽ ngốn nhiều điện hơn.
“Hoạt động khai thác bitcoin ngày càng bẩn”, Christopher Chapman – chuyên gia phân tích của Citigroup nói.
Trên một số sàn giao dịch giá bitcoin đã tăng hơn 2.000% trong 1 năm qua, chạm đỉnh 17.900 USD. Sàn CBOE bắt đầu cung cấp hợp đồng tương lai bitcoin hôm 11/12 vừa qua và ngay trong ngày đầu giao dịch giá đã lên tới 18.850 USD. Từ chỗ là “thú vui” của dân công nghệ năm 2009, đến nay bitcoin đã trở thành 1 hiện tượng toàn cầu.
Theo nghiên cứu được công bố hồi tháng 4 năm nay bởi 2 giáo sư ĐH Cambridge, Trung Quốc, đất nước có 60% sản lượng điện được tạo ra từ than đá, là nơi có nhiều mỏ khai thác bitcoin nhất. Nước này chiếm khoảng 25% tổng lượng điện được tiêu thụ để tạo ra các đồng tiền kỹ thuật số.
Khoảng 58% các mỏ khai thác tiền số lớn nằm ở Trung Quốc, theo sau là Mỹ nhưng tỷ lệ chỉ là 16%. Trung Quốc cũng là nước sản xuất và tiêu thụ than đá nhiều nhất thế giới. Những trang trại ở các tỉnh như Tân Cương, Nội Mông và Hắc Long Giang đều dựa vào than đá.
Lượng điện tiêu thụ trong quá trình đào tiền số được so sánh với nhiều thứ, từ sản lượng của 1 nhà máy điện hạt nhân cỡ lớn đến tổng lượng tiêu thụ của toàn bộ người dân Đan Mạch. Tuy nhiên, có 1 điều chắc chắn ai cũng phải đồng ý: con số đã tăng vọt đặc biệt là sau khi giá bitcoin tăng gấp 4 lần chỉ sau 3 tháng.
Theo Alex de Vries – chuyên gia phân tích blockchain tại PwC, tổng lượng điện tiêu thụ được sử dụng trong quá trình đào bitcoin đã tăng 30% trong tháng trước. Vries cho rằng cứ với đà tăng này ở phạm vi rộng hơn nữa, tiền số sẽ “giết chết” hành tinh này.
Một số chuyên gia phân tích bác bỏ lời cảnh báo này, cho rằng nhu cầu sử dụng điện để khai thác tiền số chỉ chiếm khoảng 0,1% tổng lượng tiêu thụ điện của toàn thế giới. Hơn nữa công nghệ còn được cải tiến, giúp tăng hiệu quả sử dụng năng lượng.
Tuy nhiên trong cơn sốt hiện nay, các thợ mỏ luôn tìm đến những nơi có giá điện rẻ nhất. Giá điện ở Trung Quốc thấp hơn nhiều so với Mỹ hay châu Âu. Dựa trên giá điện và yêu cầu ngày càng cao về tốc độ xử lý, các chuyên gia ước tính chi phí phụ trội để tạo ra 1 bitcoin mới sẽ tăng gấp đôi từ mức 6.611 USD của quý IV lên 14.175 USD trong quý II/2018. Ở thời điểm đầu năm 2017 con số chỉ là 2.856 USD. Với chi phí phụ trội tăng lên, các rủi ro mà thợ mỏ gặp phải ngày càng lớn nếu như giá quay đầu giảm.
Dẫu vậy không phải tất cả mỏ đào tiền số đều “bẩn”. Các máy tính ở Iceland lấy điện từ các nhà máy địa nhiệt. Kể cả ở Trung Quốc, một số mỏ ở Tứ Xuyên và Vân Nam dùng thủy điện.(CafeF)
----------------------------
3 ngân hàng lọt vào tầm ngắm của Kiểm toán Nhà nước năm 2018
Kiểm toán Nhà nước vừa công bố kế hoạch kiểm toán năm 2018 với hơn 200 cuộc kiểm toán sẽ được tiến hành.
Cụ thể, trong năm 2018, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) sẽ thực hiện trên 200 cuộc kiểm toán, ngoài 65 cuộc kiểm toán ngân sách Nhà nước và ngân sách địa phương năm 2017, KTNN sẽ thực hiện cuộc kiểm toán chuyên đề lớn về việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công năm 2017 tại Tổng cục Thuế và Cục thuế 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đặc biệt, KTNN sẽ triển khai 9 cuộc kiểm toán hoạt động; 23 cuộc kiểm toán chuyên đề; 50 cuộc kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư; 8 cuộc kiểm toán lĩnh vực an ninh, khối cơ quan Đảng, 14 cuộc kiểm toán thuộc lĩnh vực quốc phòng.
Ngoài ra, KTNN cũng có kế hoạch thực hiện 33 cuộc kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước năm 2017 tại các Tổng công ty Nhà nước, các ngân hàng. Trong đó, đáng chú ý là các tên tuổi lớn như Tổng công ty Sông Đà, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro, Tổng công ty Thép, Mobifone, SCIC, Tổng công ty Bảo Việt Nhân thọ,…
Ngoài ra, trong lĩnh vực tài chính, còn có 3 ngân hàng thuộc danh sách kiểm toán bao gồm Ngân hàng Chính sách xã hội; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, và Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank). (Bizlive)
--------------------------
Cuối năm, lãi suất tiết kiệm tiếp tục tăng
Một số ngân hàng vừa điều chỉnh tăng lãi suất huy động 0,2-0,6% mỗi năm tuỳ kỳ hạn để hút nguồn vốn phục vụ nhu cầu cho vay cuối năm.
Sáng 14/12, chị Nga đến chi nhánh một ngân hàng cổ phần trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3 (TP HCM) để gửi số tiền tiết kiệm 700 triệu đồng kỳ hạn 6 tháng. Nhân viên ở đây cho biết lãi suất là 6,2% một năm, tăng 0,2% so với mấy ngày trước đó.
"Cũng bằng ấy tiền nhưng em gái tôi gửi vào đầu tháng này với kỳ hạn tương tự chỉ được hưởng lãi suất 6%, tức tầm 3,5 triệu đồng một tháng. Nay số tiền lãi tôi nhận được tăng thêm gần 120.000 đồng mỗi tháng nên thấy vui", chị chia sẻ và cho biết còn được tham gia chương trình bốc thăm trúng thưởng cũng như chờ quay số may mắn trúng nhà 2,5 tỷ đồng.
Bà Hai Lan - cán bộ hưu trí tại quận Bình Tân cũng bộc bạch, những người về hưu như bà sống nhờ vào khoản tiền hưu và lãi gửi tiết kiệm là chủ yếu. Tuy mức lãi tăng lên không nhiều nhưng nó cũng là một khoản đáng kể để chi tiêu.
Giai đoạn cuối năm, thường các ngân hàng hay có động thái điều chỉnh tăng lãi suất huy động và khuyến mãi để hút khách gửi tiền. Theo đó, từ ngày 12/12, tại Sacombank điều chỉnh lãi suất kỳ hạn 2 tháng tăng thêm 0,2% lên 5,3% một năm; kỳ hạn 3 tháng tăng thêm 0,1% lên 5,5% mỗi năm.
Tiền gửi kỳ hạn từ 6 đến 8 tháng của nhà băng này cũng tăng từ 6% lên 6,2% trong khi các kỳ hạn dài hơn đến dưới 12 tháng tăng thêm 0,4% so với trước, lên 6,4% mỗi năm. Các kỳ hạn một năm trở lên được áp dụng lãi suất từ 7,05% đến 7,4% mỗi năm, đặc biệt nếu khách hàng gửi 500 tỷ trở lên với kỳ hạn 13 tháng thì lãi suất là 7,6% mỗi năm.
Tương tự, hôm 8/12 VPBank đã nâng lãi suất ở tất cả các kỳ hạn thêm ít nhất 0,3% và nhiều nhất là 0,6%. Cụ thể, với các khoản tiền dưới 100 triệu đồng, ngân hàng áp dụng lãi suất 5,3% cho các kỳ hạn từ 1 - 5 tháng nhưng cứ trên 100 triệu thì được lãi suất là 5,5% mỗi năm (mức cũ trước điều chỉnh là 5% một năm).
Kỳ hạn 6 tháng được VPBank điều chỉnh tăng mạnh nhất, từ 6,4% lên 7% một năm cho khoản tiền dưới 100 triệu và dao động từ 7,1 đến 7,4% mỗi năm cho khoản tiền lớn hơn.
Cách đây gần một tháng, các ngân hàng lớn có vốn Nhà nước chi phối cũng đã có đợt tăng lãi suất huy động. Với BIDV, các khoản tiền gửi kỳ hạn một tháng và 2 tháng được hưởng lãi suất 4,8% mỗi năm, tăng 0,5% so với mức lãi suất cũ. Khoản tiền gửi kỳ hạn 3 tháng được nâng từ 4,8% lên 5,2% một năm, tương đương với kỳ hạn 5 tháng.
Trong khi đó, với các kỳ hạn từ 6 đến 9 tháng của Vietinbank đã tăng từ mức 5,5-5,7% lên 5,8% một năm; lãi suất kỳ hạn 12 tháng tăng từ 6,5% lên 6,8% một năm.
Lãnh đạo một ngân hàng cổ phần có trụ sở phía Nam cho rằng, về mặt chính sách, chủ trương chung của Ngân hàng Nhà nước và các nhà băng thương mại là cố gắng hạ lãi suất đầu vào để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.
Tuy nhiên, ông lý giải, tín dụng cuối năm thường tăng cao, đặc biệt là cho vay ngắn hạn để phục vụ nhu cầu vốn lưu động của doanh nghiệp. Vì vậy, ngân hàng đã tăng lãi suất huy động các kỳ hạn, trong đó đặc biệt là kỳ hạn ngắn để có thêm nguồn vốn phục vụ cho vay.
Tuy nhiên, theo vị này, lãi suất tăng chỉ mang tính cục bộ và có yếu tố mùa vụ. “Dịp cuối năm người dân thường có nhu cầu chi tiêu lớn, ngoài ra nhu cầu vay để phục vụ cho dịp Tết của doanh nghiệp cũng cao", ông nói và cho rằng chỉ những ngân hàng nào còn room tín dụng thì mới đẩy mạnh hút vốn và cho vay dịp này.
Theo báo cáo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, tín dụng của hệ thống ngân hàng đã được đẩy nhanh đáng kể trong những tháng cuối năm. Cụ thể, đến cuối tháng 11/2017, tổng tín dụng ước tăng 2,8% so với tháng 10, đồng thời tăng 15,3% so với thời điểm đầu năm. Với diễn biến này, nhiều khả năng tăng trưởng tín dụng trong cả năm nay tối đa sẽ đạt mức 18-19%.(Vnexpress)