tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh sáng 18-12-2017

  • Cập nhật : 18/12/2017

Dragon Capital bất ngờ mua 15% cổ phần Hải Phát

Công ty Hải Phát Invest sở hữu nhiều dự án bất động sản tại Hà Nội và đang âm thầm mở rộng ra các tỉnh thành khác.

Công ty quản lý quỹ Dragon Capital đã ký hợp đồng đầu tư vào công ty bất động sản Hải Phát (Hải Phát Invest) hôm 8/12 với tỷ lệ nắm giữ 15%. Hai bên chưa công bố thông tin chi tiết về thỏa thuận đầu tư này.

dragon capital bat ngo mua 15 co phan hai phat

Hải Phát là chủ đầu tư tổ hợp ThePride quy mô hơn 2.000 căn hộ tại Hà Nội. Công ty cũng đang phát triển các dự án quy mô lớn khác như Roman Plaza, HPC Landmark 105 (được mua lại từ dự án Usilk City), Hà Nội Homeland…

Ngoài ra, công ty đang sở hữu nhiều dự án tiềm năng khác tại Nha Trang, Đà Nẵng, Hội An, Bình Thuận, Bắc Ninh, Thái Bình…

Mới đây công ty đã tăng vốn điều lệ lên 1.200 tỷ đồng để đầu tư phát triển các dự án. Ông Đỗ Quý Hải, chủ tịch công ty là người nắm giữ hơn 50% cổ phần của Hải Phát Invest.

Trong khi đó, Dragon Capital là nhà quản lý tài sản sở hữu quỹ đầu tư lớn nhất đang hoạt động trong nước, quỹ VEIL với tổng tài sản gần 1,5 tỷ USD. Trong lĩnh vực bất động sản Dragon Capital đang quản lý một quỹ giá trị gần 70 triệu USD là Vietnam Property Fund.

Các quỹ đầu tư của Dragon Capital đang đầu tư vào các công ty bất động sản như Nhà Khang Điền, Nhà Hoàng Anh, Dự án Nam Sài Gòn và các công ty Xây dựng Bình Chánh, Công ty Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIG). (The Leader)
-----------------------------

Thoái vốn Sabeco: Mũi tên trúng hai đích

Thoái vốn Sabeco thành công sẽ đem về khoản thu đáng kể về cho ngân sách để đầu tư phát triển. Tuy nhiên, ý nghĩa quan trọng hơn nữa là việc thực hiện lời hứa với nhà đầu tư.

Ngày 18/12, Chính phủ sẽ chính thức đấu giá hơn 343 triệu cổ phần, tương đương 53,59% vốn điều lệ tại Sabeco với giá khởi điểm 320.000 đồng một cổ phần. Trước thềm thương vụ thoái vốn lớn được thị trường trông đợi này, PV TBTCVN đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp – Bộ Tài chính.

thoai von sabeco mui ten trung hai dich

PV: Thưa ông, xin ông cho biết về tầm quan trọng, ý nghĩa của lần thoái vốn Sabeco vào ngày 18/12 tới, đặc biệt là với lĩnh vực ngân sách?

Ông Đặng Quyết Tiến: Sabeco là một khoản đầu tư trọng điểm của Chính phủ, cùng với nhiều khoản đầu tư tốt như Vinamilk… Hiện Sabeco đang rất được thị trường, nhà đầu tư quan tâm. Nếu thoái vốn thành công, khoản thu về cho ngân sách để đầu tư phát triển rất lớn. Điều này có ý nghĩa quan trọng, tuy nhiên Chính phủ không chỉ kỳ vọng mục tiêu đó khi thực hiện thoái vốn Sabeco. Ý nghĩa quan trọng hơn đó là việc thực hiện lời hứa với nhà đầu tư, cả trong và ngoài nước, rằng Nhà nước không đầu tư những lĩnh vực tư nhân làm được. Điều này tạo hiệu ứng quan trọng với thị trường rằng “Chính phủ nói là làm”. Thị trường Việt Nam đang có hiệu ứng rất tốt từ APEC. Khi Vinamilk thoái vốn thuận lợi, niềm tin càng tăng lên, điều này có ý nghĩa rất lớn.

Tất nhiên, nếu thoái vốn thành công với giá cao cũng mang lại lợi ích lớn cho người dân nói chung. Năm 2017, tình hình bão lũ thiên tai nhiều, nhu cầu đầu tư xây dựng hạ tầng lớn, Quốc hội lại mới thông qua các dự án quan trọng như cao tốc Bắc Nam, sân bay Long Thành… Việc có thêm nguồn lực rất có ý nghĩa để thêm nguồn lực đầu tư cho xã hội.

PV: Vậy kỳ vọng của ông vào ngày 18/2 tới, khi Sabeco thoái vốn là gì?

Ông Đặng Quyết Tiến: Vừa qua, tôi đã gặp gỡ một số nhà đầu tư và thấy họ rất tin tưởng, quyết tâm. Vì vậy tôi cũng hy vọng thương vụ này thành công. Còn thành công như thế nào phải để thị trường trả lời, không thể đoán trước được. Về phía Bộ Tài chính, Cục Tài chính Doanh nghiệp với trách nhiệm là cơ quan tham mưu đã làm hết trách nhiệm, cùng tham gia với Bộ Công thương để tạo sự thuận lợi nhất, công khai, minh bạch để nhà đầu tư, người dân và Chính phủ yên tâm. Đây là thương vụ thoái vốn đã được chuẩn bị rất kỹ, đúng quy định. Mới đây, có nhà đầu tư cho biết sẵn sàng bỏ tiền mua 51%, chứng tỏ họ rất quan tâm, rất chờ đợi thương vụ đầu tư này.

PV: So với những năm trước, việc cổ phần hoá, thoái vốn thời gian gần đây đang tập trung vào những doanh nghiệp rất lớn, tỷ lệ bán ra cũng lớn. Vậy việc tìm kiếm nhà đầu tư phù hợp có khó khăn hơn?

Ông Đặng Quyết Tiến: Việc này Chính phủ đã thấy được từ những năm trước. Bất kỳ các cuộc tiếp xúc, công du nước ngoài nào đều được kết hợp nội dung kêu gọi đầu tư. Ngay Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng đã có 4, 5 cuộc kêu gọi đầu tư, có tác động tích cực thu hút nhà đầu tư với môi trường chính sách ổn định, sự nhất quán của Chính phủ. Cùng với hiệu ứng từ APEC, điều này đã tạo ra làn sóng thu hút nhà đầu tư vào Việt Nam. Chưa bao giờ dòng tiền nước ngoài vào thị trường nhiều như vậy, do đó đây là cơ hội để DN thoái vốn, cổ phần hoá, cung gặp cầu. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là chuẩn bị sản phẩm theo đúng nguyên tắc, tiêu chuẩn của thị trường. Tới đây, chúng tôi đang nghiên cứu phương pháp bán vốn, thoái vốn theo thông lệ quốc tế, như hình thức book building, đây là điều mà các nhà đầu tư lớn hướng tới. Đặc biệt, Chính phủ cũng đã quyết tâm trong việc yêu cầu sau khi cổ phần hoá phải niêm yết ngay.

Bên cạnh đó, việc thoái vốn phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, nếu không sẽ rất lúng túng. Hai năm qua, công việc chuẩn bị đã được tiến hành. Ngay khi Bộ trưởng Bộ Tài chính tham dự roadshow tổ chức tại Nhật Bản, Bộ trưởng cũng đề nghị nhà đầu tư nói rõ họ cần gì, để từ đó có hướng xử lý. Về phía Sabeco, hai năm vừa qua việc này tiến hành chậm vì cũng còn vướng thủ tục, cơ chế. Tuy nhiên đó cũng là thời gian để nhà đầu tư tìm hiểu, đánh giá thị trường. Và việc họ muốn mua số lượng lớn, giá lên cao, cũng chứng tỏ họ rất quan tâm.

Đến nay, có thể nói quá trình cổ phần hoá đã thực sự thay đổi về chất, sân chơi của Việt Nam đã phù hợp với một số nguyên tắc cơ bản của thị trường như về thông lệ thị trường, công khai, minh bạch, quản trị…, tất nhiên không thể phù hợp hết vì mỗi quốc gia có đặc điểm riêng.

PV: Có nhà đầu tư quan tâm muốn mua 51% cổ phần Sabeco là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, nếu thương vụ thành công, một loạt thương hiệu lớn của Việt Nam lại rơi vào tay cùng một tập đoàn Thái Lan. Nếu tập đoàn này tiếp tục thâu tóm, ít nhiều dư luận có sự băn khoăn, cơ quan quản lý đã tính đến phương án này chưa?

Ông Đặng Quyết Tiến: Việc họ mua được hay không phải chờ thị trường quyết định. Họ đưa ra con số đó, chưa hẳn họ đã mua như vậy. Với nguyên tắc hiện nay, ai trả giá cao thì người đó mua được, rất bình đẳng. Xét về tư cách cá nhân, nếu họ thực hiện hợp pháp, đúng quy định, quy chế đấu giá thì tất nhiên họ được mua. Trong một ngành mà nhà nước không có chủ trương nắm giữ, và họ phải cam kết giữ thương hiệu theo quy định, thì tại sao chúng ta phải hạn chế? Dư luận cũng có đặt ra một số vấn đề nhưng nếu đọc kỹ quy chế, phương án đấu giá sẽ thấy chúng ta đã yêu cầu nhà đầu tư phải cam kết với Chính phủ giữ thương hiệu của DN.

Cần phải phân biệt rõ vấn đề này, nếu họ làm đúng nguyên tắc thị trường, quy chế, công khai, minh bạch thì sẽ được mua. Những ý kiến dư luận nêu cũng là sự tham khảo để ban chỉ đạo, cơ quan quản lý xem xét. Tuy nhiên, nếu họ độc quyền, thâu tóm giá... thì sẽ xử lý theo luật pháp, chứ không có lý do gì hạn chế họ, hay phân biệt nhà đầu tư này được mua, nhà đầu tư kia không được mua ở đây. Trong cuộc chơi này phải theo nguyên tắc thị trường, theo quy chế chúng ta đề ra.(TBTC)
------------------------------------

Ông chủ chuỗi rửa xe gọi thành công 11 tỷ đồng từ Shark Phú

Sau màn thương thuyết khá căng thẳng, ông chủ chuỗi rửa và chăm sóc xe 5S nhận được số tiền đầu tư lên đến 11 tỷ đồng từ Shark Nguyễn Xuân Phú - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sunhouse.

Trong tập 6 chương trình Shark Tank (Thương vụ bạc tỷ), cặp vợ chồng Trương Tuyến và Ngọc Anh muốn huy động 10 tỷ đồng cho 15% cổ phần của chuỗi rửa và chăm sóc xe 5S. Mục tiêu của việc gọi vốn là mở rộng phạm vi hoạt động của 5S trên khắp Việt Nam và tạo tiền đề cho bước tiến xa hơn ra thị trường quốc tế.

Ngoài việc điều hành start-up 5S, vợ chồng anh Trương Tuyến còn làm chủ một nhà máy cơ khí và công ty Vinalink chuyên phân phối các thiết bị công nghiệp. Chính 2 công ty này thiết kế, sản xuất và cung cấp thiết bị cho hệ thống rửa xe của 5S.

Mục tiêu ban đầu của vợ chồng anh Tuyến là gọi 10 tỷ đồng cho 15% của start-up 5S

Hệ thống 5S hiện có 7 cửa hàng, bao gồm một cơ sở tại TP HCM do vợ chồng anh Tuyến quản lý và 6 cửa hàng nhượng quyền. "Doanh thu ngày thường đối với cửa hàng tại TP HCM là 5-7 triệu đồng/ngày; cuối tuần là 10-15 triệu đồng/ngày. Các cửa hàng nhượng quyền cũng có lãi ngay từ tháng đầu tiên", nhà sáng lập cho biết.

Bên cạnh việc cung cấp hệ thống rửa xe tự động tiết kiệm thời gian, 5S tự tin đem lại sự khác biệt cho khách hàng thông qua các cửa hàng cafe máy lạnh và nhiều dịch vụ tiện ích đi kèm. Công ty cũng định hướng chọn địa điểm gần các cây xăng để tăng lượng khách, đồng thời giảm chi phí mặt bằng.

Sau phần trình bày của đôi vợ chồng trẻ, các Shark cho rằng nhà đầu tư chỉ đồng ý rót vốn khi cả 3 công ty của anh Trương Tuyến (công ty cơ khí, công ty phân phối Vinalink và 5S) 'quy về một công ty mẹ' chứ không hoạt động độc lập như hiện nay.

"Khi anh làm chủ cả 3 công ty thì 'tiền bỏ từ túi trái sang túi phải' của anh không khác gì nhau. Nhưng nhà đầu tư chỉ chiếm một phần nhỏ nên việc anh bỏ tiền vào 'túi trái' hay 'túi phải' lại là vấn đề", Shark Phạm Thanh Hưng nói.

Dù còn phân vân về doanh thu của Vinalink, Shark Nguyễn Xuân Phú chấp nhận đầu tư 11 tỷ đồng cho vợ chồng anh Tuyến

Khi được hỏi về doanh thu những năm gần đây của Vinalink, vợ chồng anh Tuyến khá lúng túng trong việc đưa ra con số chính xác. Cho rằng cặp đôi này 'vẫn chưa biết tính toán' nên Shark Trần Anh Vương quyết định không đầu tư.

Đánh giá chuỗi rửa xe là mô hình kinh doanh có dòng tiền ổn định, ban đầu Shark Thái Vân Linh định chung vốn đầu tư với Shark Nguyễn Xuân Phú và Phạm Thanh Hưng. Tuy nhiên sau khi thương thuyết, chỉ còn mình Shark Phú tiếp tục đàm phán.

Màn thương thuyết giữa Chủ tịch HĐQT Sunhouse và đôi vợ chồng trẻ diễn ra khá căng thẳng. Hai bên liên tục đưa ra các con số khác nhau. Cuối cùng thương vụ thành công với mức 11 tỷ đồng cho 20% cổ phần của công ty mới (bao gồm cả công ty cơ khí, phân phối và 5S).(NHD)
---------------------------------

Ông Lý Xuân Hải làm Trưởng ban chiến lược của HAG

HĐQT CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HAG) bổ nhiệm ông Lý Xuân Hải làm Trưởng Ban Chiến Lược của công ty từ ngày 18/12.

Nghị quyết HĐQT ngày 17/12/2017 của HAG thống nhất việc thanh lập Ban chiến lược trực thuộc HĐQT kể từ ngày 18/12. Ban chiến lược có chức năng tham mưu HĐQT trong việc hoạch định triển khai thực hiện đánh giá kết quả thực hiện chiến lược kinh doanh, đầu tư và tài chính của Tập đoàn.

Đồng thời, HĐQT cũng bổ nhiệm ông Lý Xuân Hải làm Trưởng ban chiến lược và giao trách nhiệm tuyển chọn nhân sự và điều hành hoạt động của ban này, báo cáo trực tiếp cho HĐQT.

Trước đó, NDH đã đưa tin về việc, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (Mã: HAG) có gửi lời mời làm việc tới ông Lý Xuân Hải, cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB.

Ông Lý Xuân Hải

Ông Lý Xuân Hải sinh năm 1965, vừa được mãn hạn sau biến cố tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) trong vụ án bầu Kiên năm 2015. Khi được trả tự do vào đầu năm nay, ông rẽ ngang một lĩnh vực hoàn toàn mới là tơ lụa với vai trò Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần tơ lụa Bảo Lộc - Baoloc Silk Group đồng thời là cổ đông sáng lập. Ông sở hữu 27% vốn tại Baoloc Silk Group.

Ông Hải từng là lãnh đạo khá nổi tiếng trong giới ngân hàng, được bầu là Người lãnh đạo ngân hàng xuất sắc nhất Việt Nam năm 2007 và năm 2010.

Về phía HAGL, trong 9 tháng đầu năm, Tập đoàn đã có ghi nhận bước đầu khả quan về kết quả kinh doanh. Lãi sau thuế hợp nhất đạt 1.177 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 1.268 tỷ đồng. Lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ là 781 tỷ đồng, EPS tương ứng 920 đồng. Trong 9 tháng, tổng nợ vay giảm 4.200 tỷ đồng, giảm từ 27.300 tỷ đồng xuống còn 23.100 tỷ đồng.

Nhìn nhận sai lầm trong quá khứ khi vay nợ ngắn hạn để đầu tư tài sản dài hạn, đầu tư cây công nghiệp gặp rủi ro, nay HAGL xác định mảng trái cây sẽ trở thành tâm điểm đầu tư trong thời gian tới với các sản phẩm chủ lực như thanh long, chuối, ớt... Tính đến hết quý III/2017, HAG đã trồng 19 loại trái cây và hoa màu, có 2.000 ha trong thời gian khai thác.(NHD)

Trở về

Bài cùng chuyên mục