tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 16-12-2017

  • Cập nhật : 16/12/2017

Bảo Việt ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với Tập đoàn Digital Novaon

 Ngày 15/12 tại Hà Nội, trong khuôn khổ Diễn đàn Logistics Việt Nam 2017, Bảo hiểm Bảo Việt ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với Tập đoàn Digital Novaon (Novaon) dưới sự chứng kiến của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh.

Là đối tác đồng hành với chương trình “1.000 doanh nghiệp xuất khẩu trực tuyến tiên phong”, Bảo hiểm Bảo Việt sẽ thông qua thoả thuận hợp tác này để mang lại các dịch vụ bảo hiểm hàng hoá cho việc xuất khẩu của các doanh nghiệp.

Cùng theo đó, các doanh nghiệp xuất khẩu tham gia vào chương trình “1.000 doanh nghiêp xuất khẩu trực tuyến tiên phong” sẽ nhận được sự tư vấn và đào tạo từ Bảo hiểm Bảo Việt và Novaon về xuất khẩu trực tuyến và dịch vụ bảo hiểm hàng hóa cũng như các chương trình Đào tạo chuyên sâu, hội thảo theo ngành.

Ông Nguyễn Quang Hưng – Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Bảo Việt nhận định Bảo hiểm Bảo Việt tin tưởng và cam kết đồng hành chặt chẽ với chương trình này, thúc đẩy mục tiêu phát triển xuất khẩu trực tuyến Việt Nambằng sự tư vấn, đào tạo tốt nhất để khách hàng có thể yên tâm với các hoạt động kinh doanh xuất khẩu.

Trong năm qua, Bảo hiểm Bảo Việt đã thực hiện ký kết hợp tác với các tổ chức tư vấn và đào tạo có mạng lưới rộng, sử dụng công nghệ hiện đại cùng đội ngũ tư vấn viên chuyên nghiệp có kinh nghiệm lâu năm trong nghề như Công ty tư vấn và đào tạo LABO (tháng 11/2017), Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ GNC (tháng 12/2017) …

Lũy kế 9 tháng đầu năm, bên cạnh những yếu tố thuận lợi đến từ thị trường, kết quả kinh doanh đáng ghi nhận của Bảo hiểm Bảo Việt (tăng trưởng 22,9% tổng doanh thu; doanh thu phí bảo hiểm gốc tăng trưởng 22,8%) gắn liền với việc thúc đẩy công tác bán chéo sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, mở rộng mạng lưới hoạt động, phát triển gói sản phẩm tích hợp các tính năng bảo hiểm - tài chính - đầu tư.

Diễn đàn Logistics Việt Nam 2017 là diễn đàn quan trọng cho cả cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp (DN) dịch vụ logistics và DN chủ hàng trao đổi về việc triển khai kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025. Các doanh nghiệp tham gia chương trình được nhận các tư vấn và đào tạo về xuất khẩu trực tuyến; được nhận chương trình hỗ trợ từ mạng lưới đối tác đồng hành như bảo hiểm, tín dụng, kiểm định, vận tải quốc tế; được tham gia kết nối, chia sẻ kinh nghiệm với các đơn vị xuất khẩu trực tuyến thành công.(NDH)
--------------------

Tăng trưởng kinh tế tại châu Á sẽ đạt 6%

Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng kinh tế tại châu Á sẽ đạt 6% trong năm 2017.

Mức tăng trưởng này là nhờ vào tăng trưởng xuất khẩu và tiêu thụ nhiên liệu nội địa cao hơn so với dự kiến. Nếu không tính các nền kinh tế công nghiệp hóa mới tại châu Á, tăng trưởng hiện được kỳ vọng ở mức 6,5% trong năm nay. 

Trong phần bổ sung của báo cáo cập nhật Triển vọng Phát triển châu Á 2017, ADB đã nâng dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2017 của khu vực lên thêm 0,1 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 9 năm 2017, trong khi dự báo cho năm 2018 vẫn giữ nguyên ở mức 5,8%.

Động lực tăng trưởng

Ông Yasuyuki Sawada, Trưởng ban Kinh tế của ADB cho biết: “Động lực tăng trưởng của châu Á đang phát triển, được hỗ trợ bởi sự phục hồi của xuất khẩu, đã cho thấy rằng mở cửa thương mại vẫn là một phần thiết yếu trong phát triển kinh tế đồng đều.

Tang truong kinh te tai chau A se dat 6%Trị giá xuất khẩu của Việt Nam trong 9 tháng năm 2016 và 9 tháng năm 2017. Nguồn: TCHQ

Các quốc gia có thể tận dụng hơn nữa lợi thế của sự phục hồi toàn cầu này bằng việc đầu tư vào vốn con người và cơ sở hạ tầng vật chất là những yếu tố sẽ giúp duy trì tăng trưởng trong dài hạn”.

Mức tăng trưởng tính chung cho các nền kinh tế công nghiệp chủ chốt được ADB điều chỉnh tăng lên 2,2% cho năm 2017 và 2% cho năm 2018, do nhu cầu nội địa mạnh mẽ ở khu vực đồng euro, cũng như đầu tư tư nhân và xuất khẩu ròng tại Nhật Bản. Các dự báo tăng trưởng cho Hoa Kỳ được giữ nguyên ở mức 2,2% cho năm 2017 và 2,4% cho năm 2018.

Theo tiểu vùng, tăng trưởng ở Đông Á được điều chỉnh tăng lên 6,2% vào năm 2017 so với mức 6% trước đó, trong khi dự báo cho năm 2018 được giữ nguyên ở mức 5,8%.

Triển vọng tăng trưởng Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, được điều chỉnh tăng nhờ giữ vững mức tiêu dùng. Tăng trưởng tại Trung Quốc  được dự kiến tăng lên 6,8% vào năm 2017 và 6,4% năm 2018.

Nam Á sẽ vẫn là nơi có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong số các tiểu vùng ở khu vực châu Á và Thái Bình Dương, bất chấp có sự điều chỉnh giảm từ mức 6,7% xuống còn 6,5% trong năm 2017, và được kỳ vọng tăng lên 7% vào năm 2018.

Tăng trưởng GDP của Ấn Độ, nền kinh tế lớn nhất tiểu vùng, được điều chỉnh giảm còn 6,7% năm 2017 và 7,3% năm 2018. Mặc dù sự gia tăng mạnh mẽ của lĩnh vực sản xuất chế tạo đã giúp nền kinh tế này đảo ngược chuỗi 5 quý giảm liên tiếp trong quý II của năm tài khóa 2017, song mức phục hồi này yếu hơn so với dự kiến trước đó do giá dầu thô tăng, tăng trưởng đầu tư tư nhân không đủ mạnh, và các rủi ro trong nông nghiệp do yếu tố thời tiết.

Tang truong kinh te tai chau A se dat 6%Nguồn: ADB

Tốc độ tăng trưởng thời gian tới

Tăng trưởng tại Thái Bình Dương được dự kiến duy trì ở mức 2,9% trong năm 2017 và 3,2% trong năm 2018 với Papua Niu Ghi-nê, nền kinh tế lớn nhất tiểu vùng, tiếp tục phục hồi dần nhờ sự tăng trưởng của các ngành khai khoáng và nông nghiệp.

Dự báo tăng trưởng của khu vực Đông Nam Á được ADB dự kiến tăng lên 5,2% trong năm 2017 và 2018, so với các mức dự báo tương ứng là 5% và 5,1% đưa ra hồi tháng 9. Tiểu vùng này đang được hưởng lợi từ các hoạt động đầu tư và xuất khẩu mạnh mẽ hơn, với mức tăng trưởng cao hơn cho Bruney, Malaysia, Philippines, Singapre và Thái Lan.

Triển vọng của Trung Á trong năm nay đã được cải thiện thêm do nhu cầu nội địa và hoạt động xuất khẩu cao hơn ở một số quốc gia đã giúp thúc đẩy sự phục hồi của tiểu vùng. Tăng trưởng được dự kiến đạt 3,6% trong năm 2017 so với dự báo ban đầu là 3,3%, mức dự báo của năm 2018 cho Trung Á vẫn giữ nguyên ở 3,9%.

Tăng trưởng tại Thái Bình Dương được dự kiến duy trì ở mức 2,9% trong năm 2017 và 3,2% trong năm 2018 với Papua Niu Ghi-nê – nền kinh tế lớn nhất tiểu vùng – tiếp tục phục hồi dần nhờ sự tăng trưởng của các ngành khai khoáng và nông nghiệp.

Trong khi đó, giá hàng hóa đang gia tăng vẫn chưa thúc đẩy lạm phát trong khu vực, với mức lạm phát giá tiêu dùng vẫn được kiềm chế và ổn định. Lạm phát giá được giữ nguyên ở các mức dự báo trước đó là 2,4% trong năm 2017 và 2,9% trong năm 2018.(NCĐT)
-----------------------------

Nhật Bản giảm thuế cho công ty nếu tăng lương nhân viên

Hôm 15/12, Chính phủ Nhật Bản đồng ý với phác thảo cải cách thuế bao gồm cả biện pháp "cây gậy và củ cà rốt" nhằm thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào con người và công nghệ.

Luật thuế mới

Bên cạnh việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 29,97% xuống 29,74%, các công ty lớn thậm chí còn được hưởng mức thuế 25% nếu tăng lương nhân viên hơn 3% và mở rộng đầu tư vào tài sản cố định và nguồn nhân lực. Để nhận mức ưu đãi này, các doanh nghiệp vừa và nhỏ thậm chí chỉ cần tăng lương thêm 1,5%. Thuế suất sẽ xuống mức 20% nếu công ty đầu tư vào công nghệ liên quan đến IoT (Internet vạn vật) và tăng năng suất.

Các quốc gia có xu hướng hạ thuế thu nhập doanh nghiệp (Biểu đồ: Nikkei).

Khung thuế đặc biệt này sẽ có hiệu lực từ tháng 4/2018 và kéo dài 3 năm tài chính.

Động thái này cũng phù hợp với xu hướng cắt giảm thuế kinh doanh với hy vọng thu hút đầu tư nước ngoài trên toàn cầu. Mỹ đang định cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 20% (từ 35%). Pháp lên kế hoạch hạ thuế suất xuống 25% vào năm 2022 (từ 33,33%).

Tăng thuế để kinh tế tăng trưởng

Thủ tướng Shinzo Abe nhận định việc doanh nghiệp giữ quá nhiều tiền chính là gốc rễ của tình trạng bất ổn kinh tế và áp lực giảm phát của Nhật Bản. Cuối tháng 9, các công ty ở Nhật Bản đang có 199.500 tỷ yên (1,76 nghìn tỷ USD) tiền mặt và tiền gửi, bằng 40% GDP nước này và tăng hơn 1/3 so với 5 năm trước. Ông Abe tin rằng số tiền này nên được dùng để tăng lương cho người lao động hoặc đầu tư, qua đó nâng cao tăng trưởng kinh tế và lạm phát.

Tính đến tháng 9, kinh tế Nhật Bản vẫn đang mở rộng trong 7 quý liên tục, đợt tăng dài nhất trong 16 năm. Tuy nhiên, do hoài nghi về triển vọng tăng trưởng dài hạn của đất nước do dân số đang già đi và thu hẹp lại, các công ty vẫn ngày càng chặt chẽ về đầu tư vốn.

Công ty Nhật quyết giữ tiền chứ không tăng lương (Biểu đồ: Nikkei).

Bên cạnh đó, hậu quả nặng nề của đợt suy thoái kinh tế đầu những năm 1990 là lý do nhiều công ty muốn tích trữ tiền mặt đề phòng thay vì tăng lương, đặc biệt vì điều này làm tăng chi phí vĩnh viễn.

Trong khi đó, lương thấp đồng nghĩa với việc người dân không muốn chi tiêu, làm giảm áp lực lạm phát. Tỷ lệ lạm phát của Nhật hiện thấp hơn 2% - mức mục tiêu của ngân hàng trung ương nước này bất chấp chính sách tiền tệ nới lỏng trong 5 năm qua.

Cải cách thuế có phải là giải pháp?

Koya Miyamae, nhà phân tích tài chính cao cấp tại công ty chứng khoán Nikko, tin rằng việc cắt giảm thuế sẽ không giúp ông Abe đạt được mục đích.

"Tăng lương là một sự gia tăng chi phí vĩnh viễn cho các công ty, và khung ưu đãi thuế tạm thời này không đủ để thúc đẩy điều đó", ông nói trong một báo cáo. Quy định về đầu tư vốn cũng bất hợp lý trong trường hợp các công ty đã lập kế hoạch chi tiêu vốn trước khi luật thuế mới được thông qua.(NDH)
----------------------

Ngân hàng lớn nhất Úc vi phạm luật chống rửa tiền

Commonwealth Bank of Australia (CBA), ngân hàng lớn nhất Úc, đã chính thức thừa nhận vi phạm luật chống rửa tiền hơn 50.000 lần.

Commonwealth Bank of Australia (CBA), Ngân hàng lớn nhất Úc, đã chính thức thừa nhận vi phạm luật chống rửa tiền hơn 50.000 lần, song khẳng định sẽ chống lại những cáo buộc khác nhằm vào ngân hàng này. 

Trong phản hồi đầu tiên vào tối 13.12, CBA thừa nhận đã cung cấp muộn 53.506 báo cáo giao dịch và tất cả đều do cùng một lỗi hệ thống.

CBA sẽ đối mặt với khoản án phạt khổng lồ lên tới vài tỷ dollar Úc (AUD) khi vấn đề này đưa đưa ra tòa án xem xét vào tháng 3-2018.

Bên cạnh đó, ngân hàng Commonwealth đã bị trừng phạt với 100 cáo buộc vi phạm luật chống rửa tiền và chống khủng bố, bao gồm cả việc không báo cáo nhanh chóng hai vấn đề đáng ngờ liên quan đến việc tài trợ khủng bố.

Ngan hang lon nhat Uc vi pham luat chong rua tienNgân hàng Commonwealth bị cáo buộc là "không tuân thủ toàn diện" với luật chống rửa tiền và chống khủng bố trong khoảng sáu năm. Ảnh: Reuters

Đầu tháng 8 này, Cơ quan Tình báo tài chính Úc (AUSTRAC) cáo buộc CBA đã có khoảng 53.700 lần vi phạm các luật về chống rửa tiền và ngăn chặn tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố. Những cáo buộc đối với CBA được AUSTRAC đưa ra sau một cuộc điều tra về việc ngân hàng này cho phép các máy rút tiền tự động ATM chấp nhận các giao dịch lên đến 20.000 AUD, (tương đương 15.300 USD).

Theo AUSTRAC, kể từ giữa năm 2015, CBA có thể đã “vô tình tiếp tay” cho các hoạt động rửa tiền và tài trợ khủng bố. Ngoài ra, cơ quan này còn khẳng định ngân hàng đã không cung cấp các báo cáo thời gian cho hơn 53.500 giao dịch tự động đối với những khoản tiền trên 10.000 AUD với tổng số tiền những lần giao dịch này lên tới 625 triệu AUD.

Thông tin trên đã làm dấy lên việc kêu gọi chính phủ mở cuộc điều tra toàn diện đối với ngành tài chính Úc, vốn hứng chịu loạt bê bối liên quan đến tư vấn tài chính, bảo hiểm nhân thọ và gian lận thế chấp. Tháng trước, Canberra đã tuyên bố cần phải khôi phục lại lòng tin vào lĩnh vực ngân hàng đầy lợi nhuận này.(NCĐT)

Trở về

Bài cùng chuyên mục