Cần tính lại trần lãi suất - giá của đồng tiền
(Tin kinh te)
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế và tài chính - ngân hàng cho rằng, nên bỏ trần lãi suất vì không phù hợp với nền kinh tế thị trường, còn nếu chưa thể bỏ được thì trong ngắn hạn, có thể tạm thời áp tỷ lệ 30 - 40% là mức lãi suất tham khảo để kiểm soát cho vay nặng lãi đối với tín dụng đen.
Một số đại biểu Quốc hội cho rằng nên bỏ trần lãi suất. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
Trần lãi suất áp trên mức lãi suất cơ bản 9% hiện chỉ trên giấy tờ, không ai quan tâm và thậm chí đến tòa án cũng không sử dụng để luận tội về việc cho vay nặng lãi. Chính vì mất tính thực tế, nên hiện nay, Quốc hội và dư luận đang bàn cãi chuyện có tiếp tục trần lãi suất khống chế hay bỏ.
Theo tôi, trước khi đi đến một câu trả lời thỏa đáng, nên làm rõ hai việc: lãi suất thỏa thuận giữa người cho vay và đi vay trên cơ sở thương mại và lãi suất cao, lãi suất “cắt cổ” thường được dùng trong tín dụng đen và gây tổn thất cho người dân. Hai việc này thuộc về hai lĩnh vực pháp lý: lãi suất thỏa thuận trên cơ sở thương mại thuộc về Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại, lãi suất “cắt cổ” của tín dụng đen mang tính hình sự thuộc Bộ luật Hình sự.
Trên cơ sở thương mại, lãi suất là giá phải trả cho tiền vay, một loại hàng hóa đặc biệt trong nền kinh tế. Chúng ta đang đi vào nền kinh tế thị trường ngày một sâu hơn và giá cả được xác định bởi cung - cầu. Hiện nay, chúng ta áp dụng lãi suất thỏa thuận, hay nói khác hơn lãi suất cho vay thả nổi. Đây là hướng đi phù hợp của nền kinh tế thị trường và không có lý do gì để đảo ngược lại tiến trình này. Trên cơ sở đó, Bộ luật Dân sự và Luật Thương mại nên công nhận lãi suất thỏa thuận mà không có tỷ lệ khống chế nhưng phù hợp với Luật Các tổ chức tín dụng.
Nhưng điều đang gây tranh cãi là loại lãi suất thuộc dạng cho vay nặng lãi của tín dụng đen. Đây là phạm vi của Bộ luật Hình sự và tôi hoàn toàn tán đồng với quan điểm rằng, loại lãi suất này nên khống chế ở một mức độ hợp lý để ngăn ngừa sự bóc lột người dân qua tín dụng đen.
Chúng ta đã đi vào nền kinh tế thị trường, lãi suất trần không còn mang tính thực tiễn, nên cần tính đến việc bỏ trần. Lãi suất được thả nổi là tiền đề để ngành ngân hàng đi vào nền kinh tế thị trường thực sự, còn nếu vẫn có trần khống chế nghĩa là đang trong nền kinh tế bảo hộ. Các ngân hàng phải hoạt động trong khuôn khổ, quy định về thanh khoản, quản lý rủi ro…, nhưng lãi suất là giá cho hàng hoá, nghĩa là lãi suất là giá cho đồng tiền. Nếu các hàng hóa thả nổi theo cung - cầu của thị trường thì tại sao lại khống chế giá hàng hóa trong ngành ngân hàng?
Nếu thả nổi lãi suất, liệu có tình trạng ngân hàng hay các công ty tài chính CTTC) lợi dụng để “ăn trên lưng” khách hàng?
Điều này không đúng bởi trong một cơ chế thị trường thực sự, các ngân hàng không thể có một mức lãi suất cắt cổ, vì như vậy, họ không thể cạnh tranh được với các ngân hàng khác. Nếu các ngân hàng giết doanh nghiệp thì ngân hàng cũng là nạn nhân của hành động này. Ngân hàng nào làm ăn tốt thì tồn tại, còn ngược lại thì thị trường sẵn sàng loại bỏ và Nhà nước không cần can thiệp. Thị trường ngân hàng là loại thị trường tương đối trong suốt và đồng đều (homogeneous) về sản phẩm và giá cả, nên những sản phẩm cho vay với lãi suất phi thị trường không thể tồn tại.
Trên cơ sở đó, các CTTC cũng không thể vượt qua quy luật thị trường. Dĩ nhiên, lãi suất cho vay của các CTTC cao hơn so với lãi suất của ngân hàng thương mại vì các món vay tại CTTC có mức độ rủi ro cao hơn nhiều (món vay nhỏ, phần lớn là vay tín chấp, người đi vay là cá nhân và việc thu hồi nợ rất vất vả nếu người đi vay tìm cách trốn nợ…).
Có ý kiến cho rằng, CTTC là “đầu mối” của tín dụng đen. Ông có bình luận gì?
Tôi cho rằng, đó là những hiểu nhầm và ngộ nhận về loại hình tài chính này. Như tôi đã trình bày, đi vay CTTC thường phải chịu lãi suất cao. Nhưng tín dụng tiêu dùng của CTTC không phải là tín dụng đen, mà trong nhiều trường hợp còn là cứu cánh cho người tiêu dùng, vì ngân hàng thương mại không cung cấp một số loại tín dụng tiêu dùng cho người dân hoặc nếu có thì đưa ra những điều kiện khắt khe về thế chấp.
Thực tế cho thấy, CTTC thường muốn tạo cơ hội để người tiêu dùng có thể dễ dàng tiếp cận được các khoản vay, thủ tục cho vay nhanh chóng (có khi chỉ trong vài tiếng đồng hồ) và yêu cầu những hồ sơ đơn giản, nhiều khi chỉ với chứng minh nhân dân và khai báo thu nhập. Họ chấp nhận rủi ro và được đền bù bằng lãi suất cho vay cao hơn ngân hàng thương mại mà trong thuật ngữ ngân hàng gọi là “risk premium”.
Khi vay tiêu dùng tại các CTTC, người tiêu dùng nên cân nhắc kỹ lưỡng về nhu cầu cũng như khả năng trả nợ của mình ở mọi khía cạnh và nên chấp nhận việc lãi suất cao cho các khoản vay không có tài sản bảo đảm như một điều tất yếu của loại hình tín dụng này.
Nếu vì một lý do nào đó, trong ngắn hạn buộc phải áp một mức trần, theo ông, mức nào là hợp lý?
Trong tình hình thị trường ngân hàng hiện nay, lãi suất bình quân cho vay của các ngân hàng thương mại có thể tính trên cơ sở: 7% lãi suất huy động bình quân + 3% biên độ lợi nhuận = 10% lãi suất cho vay. Lãi suất tham khảo để kiểm soát cho vay nặng lãi đối với tín dụng đen có thể lên tới 3 hay 4 lần mức này. Nếu áp dụng loại lãi suất tham khảo này thì lãi suất cơ bản (hiện nay là 9%) không còn được áp dụng và Ngân hàng Nhà nước cũng không cần phải công bố một loại lãi suất nào trong từng thời kỳ.
Hiện nay, cuộc tranh luận về lãi suất cho phép xoay quanh tỷ lệ 150% hay 200% lãi suất cơ bản hay khống chế ở mức trần 20% đều không mang tính thuyết phục vì không dựa trên cơ sở lý thuyết hay thực tiễn nào.
Nói tóm lại, Bộ luật Dân sự và Luật Thương mại có thể chấp nhận lãi suất thỏa thuận mà không có bất cứ tỷ lệ khống chế nào, nhưng Bộ luật Hình sự có thể đưa ra một tỷ lệ khống chế dựa trên lãi suất tham khảo mang tính khách quan và thông tin có sẵn trên thị trường.