Trong thời gian gần đây, tại nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam xuất hiện sản phẩm nước giặt dạng viên thay cho nước giặt/bột giặt truyền thống. Nhưng liệu viên nước giặt chỉ mang lại những điều tích cực?
Thực phẩm Nhật dồn dập về Việt Nam
- Cập nhật : 22/07/2017
Nhà hàng Nhật mọc lên như nấm và xu hướng chọn thực phẩm an toàn của các bà mẹ đã mở đường cho thực phẩm Nhật đổ vào Việt Nam.
4h sáng tại chợ cá Tsukiji (Tokyo) - một trong các chợ sỉ về thủy sản lớn nhất thế giới, các lô hàng từ biển được nhập về. Đó cũng là lúc nhân viên của Azuma Holdings Ishito Brand đến đóng hàng, chuyển bằng máy bay đến sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất ngay trong ngày. Lộ trình này vừa được triển khai.
Công ty có trụ sở cách chợ cá Tsukiji 5 phút đi bộ. Azuma đã trải qua 51 năm hoạt động trong ngành thủy sản và đã xuất khẩu đi 24 nước. Mười năm trước, công ty này từng tìm cách đưa thủy sản Nhật vào Việt Nam nhưng không thành. Tuy nhiên, khi nhu cầu của thị trường này đang tăng nóng, công ty lần nữa nỗ lực để có một giấy phép nhập khẩu.“Đăng ký giấy phép nhập khẩu thực phẩm vào Việt Nam không hề dễ dàng. Chúng tôi đã tiến hành thủ tục từ tháng 12 năm ngoái và chỉ mới chính thức được chấp thuận hôm 19/7”, ông Wataru Hiraishi, đại diện của Azuma cho biết.
Hôm 21/7, Azuma đã ký hợp tác với Genki Japan House để phân phối sản phẩm ở Việt Nam. Đơn vị này cũng chỉ mới hoạt động được 15 tháng nhưng đã là đối tác của hơn 200 nhà hàng và khách sạn 5 sao trên cả nước.
Bà Nguyễn Thị Kim Huyền – Giám đốc điều hành Công ty Lương Nguyên, đơn vị sở hữu Genki Japan House tỏ ra rất lạc quan về nhu cầu tiêu thụ thực phẩm từ Nhật. Bà cho biết, nếu nhập hàng Nhật thật với chất lượng tốt, giấy tờ chứng minh rõ ràng thì hàng hút rất mạnh.
“Chúng tôi chỉ mới tham gia phân phối nhưng hiện đang chiếm khoảng 20-25% thị phần. Cách làm của chúng tôi là chỉ nhập hàng sản xuất tại Nhật. Ở Việt Nam, các nhà nhập khẩu khác có thể nhập thực phẩm của công ty Nhật nhưng được sản xuất tại nước thứ ba. Ví dụ như họ có thể nhập nước tương do Nhật làm nhưng đặt nhà máy tại Singapore”, bà Huyền tiết lộ.Không khó để lý giải quyết tâm chinh phục Việt Nam của Azuma hay sự thành công nhanh chóng của Lương Nguyên. Tại các tuyến phố trung tâm của Hà Nội hay TP HCM, các nhà hàng phong cách Nhật đang mọc lên như nấm. Tháng 6 vừa qua, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, Việt Nam đã chi hơn 7,5 triệu đôla để nhập thủy sản từ Nhật. Con số này gần gấp đôi tháng 6 năm ngoái, với 3,9 triệu đôla. Tính chung nửa đầu năm, đã có 36 triệu đôla hàng thủy sản từ Nhật được nhập về, tăng hơn 15% so với cùng kỳ 2016.
Các mặt hàng thực phẩm tươi sống của Nhật Bản, đặc biệt là thủy sản bắt đầu tiếp cận thị trường Việt Nam thông qua các công ty phân phối từ năm 1998. Đến nay, số lượng các công ty phân phối đang ngày một nhiều và mức độ cạnh tranh cũng cao hơn.
Tuy nhiên, ẩm thực Nhật hiện là trào lưu được người thành thị rất ưa chuộng. Cùng với đó, thực phẩm nước này còn đang âm thầm len lỏi vào các bếp ăn tại nhiều gia đình có thu nhập tốt.
“Chúng tôi bước vào thị trường này khi thực phẩm Nhật đang là một lựa chọn mang tính xu hướng của nhiều gia đình, đặc biệt là các gia đình có mối liên hệ với đất nước này. Nhiều bà mẹ bây giờ còn có trào lưu nuôi con theo phong cách Nhật, kể cả việc ăn uống. Do đó, họ chọn mua các loại thực phẩm được nhập từ Nhật vì muốn đảm bảo an toàn cho con trong lúc thị trường thực phẩm trong nước đang có các lo ngại về chất lượng”, bà Huyền nhận định.
Chính vì thế mà không chỉ bán sỉ, công ty của bà còn đang đẩy mạnh bán lẻ cho các bà nội trợ thông qua website, Facebook và 2 showroom ở Hà Nội, TP HCM. Bà cho biết đang có ý định mở thêm showroom ở Đà Nẵng để khai thác thị trường miền Trung trong năm sau.
Viễn Thông
Theo Vnexpress