Đây là phán quyết với mức phạt kỷ lục ở Mỹ liên quan tới loại phấn rôm trẻ em bị cho là nguyên nhân gây ung thư nếu dùng lâu dài của hãng Johnson & Johnson.
Mối hiểm họa của sản phẩm nước giặt dạng viên đối với trẻ nhỏ
- Cập nhật : 16/08/2017
Trong thời gian gần đây, tại nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam xuất hiện sản phẩm nước giặt dạng viên thay cho nước giặt/bột giặt truyền thống. Nhưng liệu viên nước giặt chỉ mang lại những điều tích cực?
Theo thông tin từ Phòng Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho biết sản phẩm nước giặt dạng viên trở nên phổ biến trong thời gian gần đây là do tính chất tiện lợi của sản phẩm: mỗi viên tương ứng với 1 lần giặt, người tiêu dùng không phải đong đếm nước giặt cho mỗi lần giặt quần áo. Sản phẩm mang tính mới, lạ, tiện dụng này đang ngày càng được sử dụng nhiều trong các hộ gia đình.
Việc trẻ em nhầm lẫn nước giặt viên với bánh kẹo đã xảy ra tại nhiều nước trên thế giới. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (Organization for Economic Cooperation and Development – OECD) đã từng triển khai Chiến dịch Nâng cao nhận thức người tiêu dùng về nước giặt dạng viên. Theo đó, OECD cho rằng trẻ em không phân biệt được nước giặt viên và bánh kẹo, vì thế, người lớn phải chủ động giữ viên nước giặt khỏi tầm nhìn và tầm với của trẻ em. Ngoài ra, OECD còn yêu cầu doanh nghiệp sản xuất/kinh doanh sản phẩm phải tuân thủ và chia sẻ những kinh nghiệm liên quan đến tính an toàn sản phẩm, đồng thời tuyên truyền về việc sử dụng an toàn viên nước giặt.
Tại Việt Nam, nhiều người tiêu dùng đang có xu hướng chuyển sang dùng nước giặt dạng viên thay cho bột giặt/nước giặt thông thường. Người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng sản phẩm này do viên nước giặt là hàng nhập ngoại, trong đó chủ yếu là hàng Nhật, hàng Mỹ vốn được đánh giá cao về chất lượng. Tuy nhiên, đã có những trường hợp viên nước giặt gây nguy hiểm cho trẻ em Việt Nam. Nhiều người tiêu dùng cho rằng, viên nước giặt trông rất giống bánh phu thê/bánh su sê – một loại bánh truyền thống của Việt Nam. Vì vậy, khi trẻ em nhìn thấy liền cắn, ăn hoặc bóp. Ngay cả với trẻ lớn – đã nhận thức được sản phẩm không phải đồ ăn – cũng rất thích cầm nắm trong tay gây nguy hiểm cho bản thân và những người xung quanh. Trong một số trường hợp, trẻ em chỉ bị dị ứng ngoài da khi bóp sản phẩm làm dung dịch bắn lên da. Tuy nhiên, có một số trường hợp trẻ em cắn và nuốt dung dịch dẫn tới bị nôn hoặc ngộ độc gây nguy hiểm đến tính mạng.
Đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp kinh doanh nước giặt chưa chính thức phân phối sản phẩm này tại Việt Nam. Người tiêu dùng chủ yếu mua qua kênh hàng xách tay/hàng nhập ngoại. Vì thế, việc nâng cao an toàn sản phẩm chủ yếu phụ thuộc vào người tiêu dùng. Trong quá trình sử dụng, người tiêu dùng cần chủ động để viên nước giặt trên cao, xa tầm nhìn và tầm với của trẻ em; tuyệt đối không để viên nước giặt trên sàn nhà hoặc lẫn với bánh, kẹo. Trong trường hợp trẻ vô tình tiếp xúc với sản phẩm qua đường miệng hoặc qua da, cần sơ cứu và nhanh chóng đưa trẻ tới bệnh viện để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.
Đức Quỳnh/Phòng Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng/NDH.vn